Ukraine dọa hủy diệt Nga bằng vũ khí hạt nhân
Một nghị sĩ Ukraine vừa lên tiếng đe dọa rằng Nga sẽ bị hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân nếu họ đưa quân can thiệp vào Ukraine.
Sau khi có thông tin Tổng thống Nga đề nghị Quốc hội nước này cho phép triển khai quân vào lãnh thổ Ukraine để bảo vệ dân thường và binh sĩ của Hạm đội Biển Bắc đang đồn trú tại đây, các quan chức Ukraine đã vô cùng giận dữ và gọi đây là một hành động “khiêu khích của phía Nga”.
Trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước ngày càng gia tăng cùng với độ nóng của diễn biến tình hình, các chính trị gia Ukraine đã tăng cường những lời cáo buộc và cảnh cáo đối với Nga, thậm chí họ còn đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt nước Nga.
Một nghị sĩ Quốc hội Ukraine thuộc đảng Svoboda (Tự do) cực hữu đã cảnh báo rằng nếu Nga đưa quân can thiệp vào Ukraine, họ sẽ bị hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân của Ukraine.
Nghị sĩ Mikhail Golovko thuộc đảng Svododa tuyên bố: “Chúng tôi sẽ lấy lại vị thế của một cường quốc hạt nhân và điều đó sẽ thay đổi thế đối thoại. Ukraine đang sở hữu tất cả các phương tiện kỹ thuật cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân trong vòng từ ba đến sáu tháng.”
Các phần tử thuộc đảng cực hữu Svododa mang biểu tượng phát xít ở Ukraine
Giọng điệu hăm họa này không phải là điều gì quá mới mẻ trong đảng Svoboda, một trong những lực lượng chủ yếu đứng đằng sau cuộc nổi dậy ở quảng trường Độc Lập. Trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống vào năm 2009, chủ tịch đảng này Oleg Tyagnibok cũng đã hứa hẹn rằng Ukraine sẽ trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên việc Ukraine “lấy lại vị thế hạt nhân” của mình khả thi đến mức nào?
Sau khi Liên Xô sụp đổ, các quốc gia cộng hòa Ukraine, Belarus và Kazakhstan đều nhất trí tiêu hủy hoặc đưa toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình tới Nga.
Năm 1994, Mỹ, Nga và Ukraine ký một hiệp ước ba bên nhằm thúc đẩy tiến trình giải giáp hạt nhân của Ukraine. Năm 1996, Ukraine chính thức mất vị thế là một quốc gia hạt nhân sau khi từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Tuy nhiên Ukraine vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhằm cung cấp gần một nửa nguồn năng lượng cho đất nước, và ở Ukraine có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Mặc dù số urani mà Nga cung cấp cho các lò phản ứng điện hạt nhân của Ukraine đều là loại làm giàu ở nồng độ thấp, song số lượng chất thải phóng xạ ở các lò phản ứng này cũng đủ để Ukraine chế tạo một quả bom bẩn. Ukraine sở hữu nguồn nhân lực và kiến thức cần thiết để chế tạo loại bom bẩn này cũng như các phương tiện vận chuyển không quá phức tạp.
Theo ông Martin Seiff, chuyên gia phân tích của tờ The Globalist, giọng điệu đe dọa hạt nhân của nghị sĩ Golovko càng làm phức tạp thêm tình hình vốn đã căng thẳng về kinh tế và chính trị hiện nay giữa Ukraine và Nga.
Ông Seiff nhận định: “Những lời đe dọa kiểu này chỉ là những trò bịp bợm cực đoan và vô trách nhiệm, nhưng nó cũng rất đáng báo động trong hoàn cảnh hiện nay. Chính phủ mới được thành lập ở Kiev và các chính trị gia khác của Ukraine như vị nghị sĩ trên cần phải hành động một cách có trách nhiệm để đạt được sự tôn trọng, tin tưởng và hợp tác của cộng đồng quốc tế. Còn tuyên bố trên chỉ là lời nói phản tác dụng đến mức thảm họa.”
Nhà phân tích địa chính trị người Mỹ Eric Draitser lại cho rằng tuyên bố trên của một nghị sĩ Ukraine là rất đáng lo ngại trong bối cảnh Mỹ và EU đang hứa sẽ viện trợ tài chính cho chính phủ lâm thời nước này.
Ông Draitser nói: “Mỹ và EU đang có nguy cơ mang những đồng tiền lẽ ra để hỗ trợ cho những người dân nghèo khổ của mình đi ủng hộ những kẻ Quốc xã mang trong mình tham vọng hạt nhân ở Ukraine, những kẻ đang tìm cách làm mất ổn định khu vực, với mục tiêu duy nhất là hủy diệt nước Nga.”
Cho đến nay Mỹ vẫn bày tỏ lập trường rất cứng rắn đối với những quốc gia bị nghi ngờ tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như Iran. Hiện người ta vẫn chưa rõ Mỹ sẽ có phản ứng như thế nào trước tham vọng hạt nhân điên rồ của các chính trị gia ở Kiev.