Ukraine: Chiến tranh du kích để chống Nga
Mặc dù trang bị yếu kém nhưng quân đội Ukraine sẽ phát động chiến tranh du kích nếu Nga mạo hiểm tấn công vào Ukraine.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ triển khai quân ở Ukraine để đảm bảo an toàn cho người dân Nga và binh lính đang đóng quân tại đây, chính phủ lâm thời Ukraine đã tổ chức một phiên họp khẩn cấp hội đồng an ninh quốc gia để bàn cách đối phó, tuy nhiên họ lại đang phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: Quân đội Ukraine được trang bị quá kém cỏi để có thể chinh phục bán đảo Crimea bằng biện pháp quân sự.
Bán đảo Crimea luôn là một khu vực trọng yếu mang tính sống còn đối với Liên Xô trước đây và Hải quân Nga hiện nay, bởi đây là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Bắc, lực lượng đảm nhiệm vùng biển phía nam nước Nga kể từ năm 1783. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và Ukraine tách ra thành một quốc gia độc lập, Nga đã phải ký hợp đồng thuê căn cứ Sevastopol với chính phủ Ukraine trước đây trong thời hạn ít nhất đến năm 2042.
Các chiến hạm Nga tại quân cảng ở Sevastopol
Trong khi đó, lực lượng quân đội Ukraine đóng quân tại bán đảo Crimea chỉ là một đơn vị mang tính biểu tượng với 3.500 binh sĩ, được trang bị pháo và vũ khí hạng nhẹ, còn xe tăng hạng nặng thì không hề có một chiếc nào. Chuyên gia quân sự Nga Igor Sutyagin thuộc Viện Quân đội Hoàng gia ở London cho biết quân đội Ukraine trên bán đảo Crimea hiện cũng chỉ có một phi đội SU-27 được triển khai tại một sân bay gần Belbek.
Về hải quân, một quan chức cấp cao của NATO cho biết hạm đội hải quân nhỏ bé của Ukraine hoàn toàn bị áp đảo bởi lực lượng tàu chiến hùng hậu của hải quân Nga.
Theo quan chức này, Nga sẽ kiểm soát được bán đảo Crimea tương đối dễ dàng, một phần là do quân đội Ukraine không dám phản ứng mạnh vì sợ sẽ tạo cớ để Nga có thể can thiệp quy mô lớn hơn. Bởi vậy, lực lượng quân đội Ukraine với những vị chỉ huy thường xuyên thay đổi lập trường tùy theo tình hình chính trị đã quyết định sẽ đứng ngoài cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, trung tướng Mykhailo Kutsyn mới chỉ được bổ nhiệm vào thứ Sáu tuần trước sau khi Đô đốc Yuriy Ilyin từ chức và được cho là lên cơn đau tim ở Crimea. Ngay cả Đô đốc Ilyin cũng mới chỉ nắm quyền từ ngày 19/2, và những thay đổi xoành xoạch chỉ huy quân sự càng khiến cho quân đội nước này tìm cách tránh xa các bất ổn chính trị.
Chuyên gia phân tích quân sự Sutyagin nhận định trong trường hợp Nga đưa quân vào tiếp quản Crimea, quân đội Ukraine cũng không hề có một phương án đối phó khẩn cấp nào. Tuy nhiên ông này cũng cho rằng Nga sẽ không triển khai quân ra khỏi vùng Crimea, bởi như thế lực lượng của họ sẽ bị dàn ra quá mỏng, và sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu của quân đội Ukraine với sự hậu thuẫn của các lực lượng dân quân du kích.
Nếu phải dàn lực lượng quá mỏng, Nga sẽ bị quân đội Ukraine tấn công du kích
Ông Matthew Clements thuộc Tạp chí Tình báo Jane’s cho rằng mặc dù quân đội Ukraine không mạnh, nhưng họ cũng có năng lực hơn nhiều so với quân đội Gruzia, nơi Nga đã từng đưa quân vào can thiệp, và họ cũng có ưu thế trước quân đội Nga nếu phải chiến đấu trên địa bàn rộng lớn.
Theo chuyên gia phân tích Steven Pifer, nếu quân đội Nga tìm cách tiến xa hơn về phía đông Ukraine, “sẽ có một số đơn vị quân đội Ukraine tìm cách chống cự, và họ sẽ nhận được sự hậu thuẫn của nhiều người dân ở phía tây Ukraine.”
Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ở Moscow cho rằng do ảnh hưởng của học thuyết quân sự Nga luôn đề phòng chiến tranh ở phía tây nên quân đội Ukraine không hề chuẩn bị trước cho một cuộc chiến nổ ra ở phía đông. Lực lượng quân sự quá mỏng ở phía đông sẽ không thể phản ứng gì nếu như Nga tìm cách ủng hộ những nhà hoạt động thân Nga tìm cách kiểm soát khu vực này, chẳng hạn như việc các tay súng không rõ danh tính chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở Kharkiv trong những ngày vừa qua.
Quân đội Ukraine hiện có tổng cộng 130.000 binh sĩ thuộc quyền, và lực lượng dự bị khoảng 1 triệu người, trong đó chủ yếu là lính nghĩa vụ. Quân đội nước này được biên chế theo hệ thống lữ đoàn linh hoạt hơn nhằm giảm bớt quy mô lực lượng, tuy nhiên các trang bị vũ khí của họ thì lại vô cùng lạc hậu và cũ kỹ.
Mặc dù có những chiếc xe tăng tự chế khá ưu việt, song phương tiện thiết giáp chủ yếu của quân đội Ukraine hiện nay vẫn là những chiếc BMP-1, một loại xe chiến đấu bộ binh hạng nhẹ có từ đầu những năm 1970. Còn lực lượng phòng không của Ukraine với các vũ khí được sản xuất ở Nga từ cách đây nhiều năm cũng được coi là rất yếu.
Các binh sĩ Ukaine trong một doanh trại ở Crimea
Ông Pukhov, một chuyên viên tại Viện Nghiên cứu Quân sự Moscow cho biết quân đội Ukraine thừa hưởng các loại vũ khí để lại từ thời Liên Xô, tuy nhiên cùng với thời gian và suy toái kinh tế, những trang bị cũ đã trở nên lạc hậu, trong khi họ không có tiền để mua sắm vũ khí mới, khiến cho tình cảnh của quân đội ngày càng bi đát.
Theo chế độ cải cách quân sự mới được thực hiện gần đây ở Ukraine, các binh sĩ đều được tạo điều kiện phục vụ gần nhà, điều đó có nghĩa là rất nhiều binh sĩ và sĩ quan đang đóng quân ở Crimea đều là người địa phương, nơi có phần đa dân số là người Nga. Điều đó giải thích cho việc một loạt binh sĩ Ukraine quay súng ủng hộ chính phủ thân Nga tại Cộng hòa tự trị Crimea và không chịu chấp hành mệnh lệnh của chính quyền trung ương ở Kiev.
Trước thực trạng trên, hôm thứ Bảy, một đại tá dự bị của Ukraine đã kêu gọi Bộ Quốc phòng nước này ra lệnh tổng động viên hoặc “thành lập các lực lượng dân quân” nhằm phát động một phong trào chiến tranh du kích ở Ukraine.
Đáp lại lời kêu gọi này, hôm Chủ nhật, chính quyền lâm thời ở Ukraine đã ra lệnh tổng động viên nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Nga, sau khi Thủ tướng Yatseniuk tuyên bố rằng động thái của Putin “không phải là lời đe dọa mà là một lời tuyên chiến thực sự với Ukraine”.
Bộ Quốc phòng Ukraine đã nhận được lệnh huy động lực lượng dự bị động viên, và trên lý thuyết tất cả đàn ông dưới 40 tuổi ở Ukraine sẽ gia nhập quân đội, trong khi chính phủ Ukraine sẽ phải nỗ lực hết mình để tìm kiếm nguồn vũ khí và trang phục cho số lượng binh lính tăng đột biến này.