Úc: Lập trình lại cho tàu ngầm tiếp tục tìm MH370
Khi lặn quá độ sâu 4.500 m, tàu ngầm sẽ tự động bỏ dở nhiệm vụ và nổi lên.
Ngày 15/4, tàu ngầm mini chuyên dụng tìm kiếm máy bay mất tích MH370 lại tiếp tục được triển khai xuống đáy biển Ấn Độ Dương sau khi nhiệm vụ đầu tiên bị bỏ dở vì đáy biển quá sâu. Trong khi đó, nhà chức trách Malaysia tuyên bố sẽ công khai toàn bộ dữ liệu hộp đen mà họ thu được.
Tối hôm qua, Trung tâm Điều phối Hỗn hợp của Úc thông báo tàu ngầm mini Bluefin-21 được trang bị thiết bị thủy âm hiện đại đã được tiếp tục hạ thủy trong đêm sau khi kết quả phân tích dữ liệu trong 6 giờ đồng hồ đầu tiên mà tàu ngầm này thu được dưới đáy biển không đem lại manh mối gì.
Bluefin-21 được lập trình lại để tiếp tục tìm kiếm MH370
Bluefin-21 được triển khai lần đầu tiên vào hôm thứ Hai sau khi lực lượng tìm kiếm không phát hiện thêm bất cứ tín hiệu hộp đen nào nữa. Tàu Bluefin-21 đã phải mất 2 tiếng mới lặn tới đáy biển Ấn Độ Dương và dự kiến hoạt động liên tục trong 16 giờ tiếp theo. Tuy nhiên, sau 6 giờ hoạt động, chiếc tàu ngầm đã tự nổi lên mặt nước vì độ sâu của vùng biển này vượt quá giới hạn hoạt động 4.500 mét của nó.
Hải quân Mỹ giải thích rằng tàu ngầm Bluefin-21 được tích hợp một cơ chế an toàn tự động kích hoạt khi con tàu lặn xuống độ sâu quá mức cho phép, và nó sẽ buộc tàu ngầm phải tự nổi lên mặt nước để đảm bảo tàu không bị hư hại do áp suất quá lớn dưới đáy biển sâu.
Các nhân viên trên tàu Ocean Shield của hải quân Úc đã trích xuất dữ liệu do tàu ngầm thu được và phân tích, tuy nhiên họ không phát hiện bất cứ vật thể có liên quan nào.
Thuyền trưởng người Mỹ Mark Matthews cho biết: “Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ lập trình lại cho Bluefin-21 để nó có thể lặn sâu thêm 30 mét để quét sơ đồ đáy biển tốt hơn.”
Ông Matthews giải thích thêm: “Nếu không lập trình lại, khi tới độ sâu quá 4.500 mét, con tàu sẽ tự cho rằng nó đang vượt quá giới hạn cho phép và sẽ tự kích hoạt cơ chế an toàn để nổi lên và từ bỏ nhiệm vụ.”
Bluefin-21 tự động bỏ dở nhiệm vụ và nổi lên vì đáy biển quá sâu
Hải quân Mỹ ước tính họ sẽ phải mất từ 6 tuần tới 2 tháng mới có thể quét hết địa hình đáy biển trong khu vực tìm kiếm. Trong khi đó, chỉ huy Trung tâm Điều phối Hỗn hợp Angus Houston cho rằng việc tìm kiếm hộp đen MH370 dưới đáy biển Ấn Độ Dương là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.
Và trong trường hợp tìm thấy hộp đen, Malaysia cam kết sẽ công khai toàn bộ dữ liệu mà họ thu được từ các chip nhớ của thiết bị này.
Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố: “Việc tìm ra sự thật quan trọng hơn rất nhiều so với việc ai được quyền điều tra hộp đen. Để tìm ra sự thật, chúng tôi chắc chắn sẽ công khai toàn bộ dữ liệu hộp đen.”
Ông Hishammuddin cho biết hồi cuối tuần qua, Tổng Chưởng lý Malaysia đã ra nước ngoài để tham vấn với Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế về việc quốc gia nào được phép giữ hộp đen máy bay MH370 trong trường hợp nó được tìm thấy.
Tuy nhiên ông cho rằng việc quốc gia nào giữ hộp đen không hề quan trọng, và “tôi không quan tâm tới việc đó”. Ông Hishammuddin cũng khẳng định rằng Malaysia sẽ thành lập một đội điều tra quốc tế và hoạt động một cách minh bạch theo các tiêu chuẩn quốc tế.