Úc điều tra vụ đột kích khiến 2 con tin thiệt mạng
Ngày 16/12, nhà chức trách Úc tuyên bố họ đã mở cuộc điều tra về cuộc đột kích của cảnh sát vào quán cà phê Lindt hồi rạng sáng nay để tiêu diệt kẻ bắt cóc đã cố thủ suốt hơn 16 giờ bên trong, nhưng hậu quả là 2 con tin cũng đã thiệt mạng.
Cuộc đột kích diễn ra vào lúc 2 giờ sáng, khi cảnh sát đặc nhiệm ập vào quán cà phê Lindt từ hai hướng, ném lựu đạn choáng và liên tiếp nổ súng trong nhiều phút để tiêu diệt kẻ bắt cóc Man Haron Monis. 2 con tin cũng bị trúng đạn và thiệt mạng trong bệnh viện, ngoài ra có 4 người khác cũng bị thương do đạn lạc vào vai và chân.
Cuộc điều tra về hành động của cảnh sát đặc nhiệm do Đội Trọng án cảnh sát bang New South Wales tiến hành và có thể mất vài tuần hoặc vài tháng mới có kết quả cuối cùng.
Cảnh sát cũng đang điều tra động cơ gây án của Monis, kẻ được biết tới với hồ sơ tiền án tiền sự dài dằng dặc và cũng là một phần tử có tư tưởng cực đoan. Năm 2013, Monis từng bị truy tố với tội đồng phạm trong vụ sát hại người vợ cũ, nhưng sau đó được thả tự do nhờ nộp tiền bảo lãnh.
Chính quyền bang New South Wales đã quyết định treo cờ rủ tại tòa thị chính để tưởng niệm 2 nạn nhân thiệt mạng trong vụ đột kích giải cứu con tin của cảnh sát.
Người dân Sydney tưởng niệm các con tin thiệt mạng trong vụ đột kích
Trong buổi họp báo sáng nay, Phó Cảnh sát trưởng bang New South Wales Catherine Burn cho biết bà chưa thể nói được gì nhiều về diễn biến của cuộc đột kích và nguyên nhân khiến các con tin thiệt mạng, bởi cuộc điều tra đang diễn ra.
Theo một số chuyên gia phân tích, việc cảnh sát đột kích vào quán cà phê Lindt từ hai hướng lúc 2 giờ sáng là một hành động tương đối mạo hiểm, bởi lúc đó bên trong quán cà phê tắt đèn tối om, và việc phân biệt đâu là con tin, đâu là kẻ bắt cóc là vô cùng khó khăn.
Cảnh sát cho hay 2 nạn nhân thiệt mạng trong cuộc đột kích là Tori Johnson, quản lý của nhà hàng Lindt và Katrina Dawson, một nữ luật sư ở Sydney. Trong số những người bị thương có một cảnh sát bị trúng đạn súng săn vào mặt, tuy nhiên vết thương này không nguy hiểm đến tính mạng.
Cảnh sát được cho là quyết định đột kích sau khi nghe tiếng nổ từ bên trong
Phó Cảnh sát trưởng Burn cũng không nói rõ những con tin này có bị Monis bắn hay không, và bà cũng từ chối xác nhận thông tin do báo chí Úc đưa ra rằng viên quản lý Johnson bị bắn chết trong lúc tìm cách giằng khẩu súng khỏi tay Monis.
Theo bà Burn, nếu cảnh sát đặc nhiệm quyết định nổ súng và tràn vào vì họ nhìn thấy hay nghe thấy điều gì đó bên trong quán cà phê, đó là lúc họ đang hành động theo “kế hoạch khẩn cấp”.
Bà nói: “Chúng tôi đã vạch ra một kế hoạch hành động khẩn cấp, và kế hoạch này được thực thi trong một thời điểm cụ thể. Theo những gì tôi biết, cảnh sát đặc nhiệm đã nghe thấy tiếng súng, và ngay lập tức họ thực thi kế hoạch khẩn cấp”.
Kẻ bắt cóc Monis bị cảnh sát tiêu diệt trong cuộc đột kích
Sĩ quan cảnh sát này nói tiếp: “Điều tôi chỉ có thể nói bây giờ là tất cả con tin trong cuộc khủng hoảng này đều đã rất can đảm”.
Tóm tắt diễn biến cuộc khủng hoảng con tin ở quán cà phê Lindt (theo giờ Úc):
09:45 ngày 15/12: Cảnh sát được huy động tới quán cà phê Lindt ở đường Martin Place, Sydney khiến nhiều người tưởng rằng đang có một vụ cướp có vũ trang xảy ra ở đây.
10:09: Đài truyền hình Úc phát sóng hình ảnh nhiều con tin đang giơ một lá cờ đen lên cửa sổ quán cà phê, bên cạnh đó là một tay súng mang khăn rằn.
Khu vực nơi xảy ra cuộc khủng hoảng con tin ở Sydney
12:30: Cảnh sát đặc nhiệm được điều tới khu vực này, Thủ tướng Tony Abbott lên truyền hình, cam kết cảnh sát sẽ nỗ lực hết mình để giải quyết “tình huống rất đáng lo ngại”.
16:00 – 17:00: 5 con tin đã vùng chạy thoát khỏi quán cà phê từ lối thoát hiểm.
18:30: Cảnh sát xác nhận đang đàm phán với tay súng.
2:10 ngày 16/12: Thêm nhiều con tin thoát ra ngoài, có tiếng nổ ở bên trong và cảnh sát đặc nhiệm ập vào quán cà phê.
2:48: Cảnh sát chính thức xác nhận chấm dứt chiến dịch bao vây, giải cứu con tin. Sau đó cảnh sát thông báo về cái chết của 3 người, trong đó có tay súng Monis.