Úc bác tin tìm thấy MH370 ở vịnh Bengal

Dựa trên các dữ liệu radar, Úc cho rằng thông tin trên không đáng tin cậy.

Ngày 30/4, Trung tâm Điều phối Hỗn hợp Úc (JACC) chịu trách nhiệm giám sát chiến dịch đa quốc gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 ở Ấn Độ Dương đã bác bỏ thông tin của một công ty tư nhân rằng công ty này có thể đã tìm thấy xác máy bay ở vịnh Bengal.

Sự nghi ngờ của JACC xuất phát từ thực tế rằng địa điểm mà công ty GeoResonance tuyên bố tìm thấy xác máy bay nằm cách khu vực tìm kiếm hiện nay tới hàng ngàn km.

JACC tuyên bố: “Cuộc tìm kiếm hiện nay dựa trên những thông tin từ vệ tinh và các dữ liệu khác để xác định vị trí chiếc máy bay rơi. Còn địa điểm do GeoResonance đưa ra không nằm trong hành lang tìm kiếm do các dữ liệu chỉ ra. Đội tìm kiếm quốc tế tin rằng địa điểm cuối cùng của chiếc máy bay nằm trong khu vực phía nam của hành lang tìm kiếm.”

Úc bác tin tìm thấy MH370 ở vịnh Bengal - 1

GeoResonance nói rằng họ phát hiện dấu vết máy bay ở vịnh Bengal

Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein thì nói rằng Malaysia “đang phối hợp với các đối tác quốc tế để đánh giá độ tin cậy của thông tin này”.

Trước đó, công ty GeoResonance nói rằng họ đã phân tích những trường điện từ cực yếu trên những không ảnh đa chiều do họ chụp được. Họ đã phát hiện trường điện từ của một xác máy bay ở vịnh Bengal, và mặc dù không khẳng định đây là MH370, song họ cho rằng thông tin này cần phải được điều tra, xem xét.

Ông David Pope, giám đốc công ty GeoResonance nói rằng ban đầu ông không muốn công khai thông tin này, tuy nhiên sau đó ông thay đổi quyết định vì cảm thấy bị coi thường. Ông nói: “Chúng tôi là một nhóm khoa học gia lớn, và chúng tôi đã bị người ta phớt lờ thông tin, thế nên chúng tôi có nghĩa vụ đạo đức phải thông báo phát hiện này cho nhà chức trách.”

Ông Pope cho biết hôm qua nhà chức trách Malaysia đã liên lạc với GeoResonance và “rất quan tâm và hào hứng” với những phát hiện của họ.

Các công nghệ của GeoResonance thường được áp dụng để tìm kiếm các loại vũ khí hạt nhân, sinh hóa học dưới biển hoặc dưới mặt đất bằng cách phân tích những trường điện từ đặc biệt do chúng phát ra.

Công ty này đã bắt đầu phân tích các trường điện từ liên quan đến các vật liệu dùng để chế tạo máy bay vào ngày 31/3, bốn ngày sau khi MH370 mất tích. Đến ngày 15/4, họ đã có một báo cáo đầy đủ về những trường điện từ lạ ở vịnh Bengal.

Bằng việc công bố phát hiện này với dư luận, công ty GeoResonance nói rằng họ hy vọng nó sẽ khiến các quan chức xem xét thông tin do họ đưa ra một cách nghiêm túc.

Trong khi đó, công ty vệ tinh Inmarsat vẫn “rất tự tin” vào kết quả phân tích của mình rằng MH370 đã kết thúc hành trình ở nam Ấn Độ Dương.

Úc bác tin tìm thấy MH370 ở vịnh Bengal - 2

Không quân 7 nước chụp ảnh lưu niệm trước khi chấm dứt tìm kiếm MH370 bằng máy bay

Kết quả phân tích của Inmarsat “dựa trên các tính toán toán học và vật lý đáng tin cậy”, và nó đã được nhà chức trách Mỹ, Anh và Malaysia cùng một công ty vệ tinh độc lập kiểm chứng.

Hôm thứ Hai, Úc đã quyết định ngừng chiến dịch tìm kiếm MH370 bằng máy bay vì đến thời điểm này hầu như không thể tìm thấy các mảnh vỡ trên mặt biển bởi chúng có thể đã chìm hoặc bị cuốn đi xa.

Chiến dịch tìm kiếm MH370 trên Ấn Độ Dương đang bước vào giai đoạn mới, chủ yếu tập trung tìm kiếm dưới lòng biển với sự tham gia của các nhà thầu tư nhân và chi phí có thể lên tới 60 triệu USD.

Nhà chức trách sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm hiện nay lên diện tích 60.000 km vuông, và để rà soát hết khu vực này sẽ mất ít nhất từ 6 đến 8 tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia MH370 mất tích bí ẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN