UBND TP HCM yêu cầu tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng
Người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, chỉ đạo thực hiện phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát.
UBND TP HCM vừa chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện kiến nghị sau giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố tăng cường thực hiện hiệu quả Quy chế hoạt động; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị thành viên trong công tác phối hợp thực hiện hoạt động thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là trong công tác phối hợp tổ chức thi hành các vụ án lớn, phức tạp.
Đối với các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, UBND thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và Công văn 2103/2020 của UBND thành phố về việc phân công thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án dân sự.
Nhất là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, chỉ đạo thực hiện phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, chủ động phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, kịp thời xác minh, ngăn chặn và khắc phục vi phạm.
Đồng thời tiếp tục thực hiện công tác kê khai của người có nghĩa vụ kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và tăng cường các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phục vụ tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
Phối hợp với các cơ quan hoạt động tư pháp trên địa bàn thành phố trong công tác giải quyết, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
UBND thành phố giao Công an thành phố trong quá trình điều tra các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cần điều tra, xác minh làm rõ tài sản và giá trị tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt; kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, đảm bảo khả năng thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, cũng như góp phần hỗ trợ quá trình thi hành án hiệu quả (như ban hành Lệnh kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản...).
Đồng thời, làm rõ những nguyên nhân và điều kiện của tội phạm, đặc biệt làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành hoặc sơ hở, thiếu sót trong các quy định của pháp luật bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Tư pháp cho biết số tiền còn phải thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là hơn 77.000 tỉ đồng; số tiền đã thi hành xong là hơn 75.000 tỉ đồng.