UAE âm thầm rút khỏi chiến dịch không kích IS của Mỹ
Ngày 4/2, các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết một đồng minh Arab quan trọng của họ trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã âm thầm rút khỏi chiến dịch không kích ở Syria sau khi một phi công người Jordan bị bắn rơi và sau đó bị IS thiêu sống.
Quyết định rút khỏi chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là một bước lùi của liên quân chống IS, bất chấp việc Jordan vừa tuyên bố sẽ tăng cường hoạt động không kích để trả thù cho viên phi công bị IS thiêu sống một cách man rợ.
Quyết định trên của UAE cũng gây thêm nhiều sức ép về quân sự đối với Mỹ, bởi nước này đang phải dồn thêm nhiều thiết bị, lực lượng để trợ giúp Jordan tăng cường các cuộc không kích vào mục tiêu IS theo yêu cầu của Vua Abdullah.
Ông Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ cho biết: “Về ngắn hạn, Jordan cần được Mỹ giúp đỡ. Vua Abdullah muốn đẩy lùi IS, nhưng ông ấy cần thêm nhiên liệu, bom và trang thiết bị quân sự”.
Việc UAE rút chân khỏi chiến dịch chống IS cũng là một thách thức mới đối với chính quyền của Tổng thống Barack Obama trong việc dẫn đầu một liên minh nhiều nước trong cuộc chiến nhằm làm suy yếu và tiêu diệt phiến quân IS ở Iraq và Syria.
Theo các nguồn tin, UAE đã chấm dứt các cuộc không kích vào IS từ hồi tháng 12 năm ngoái, với lý do là Mỹ không có đủ lực lượng tìm kiếm cứu nạn gần nơi xảy ra chiến sự, trong khi UAE rất quan ngại về khả năng giải cứu các phi công bị bắn rơi.
Tờ New York Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về quyết định ngừng tham gia chiến dịch không kích chống IS của UAE. Theo tờ báo này, UAE đưa ra quyết định trên vì lo ngại cho sự an toàn của các phi công, sau khi một phi công Jordan bị IS bắn rơi và bắt làm tù binh, rồi sau đó thiêu sống man rợ.
Theo đó, UAE đã yêu cầu Mỹ phải tăng cường các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, trong đó có việc triển khai máy bay V-22 Osprey ở miền bắc Iraq, gần hơn với chiến trường để có thể nhanh chóng thực hiện sứ mệnh giải cứu phi công bị bắn rơi, thay vì bố trí các máy bay này ở Kuwait như hiện nay.
UAE cho biết các phi công của nước này sẽ không tiếp tục tham gia chiến dịch không kích nếu như máy bay Osprey, loại máy bay có khả năng cất hạ cánh như trực thăng và bay nhanh như phản lực, được triển khai ở miền bắc Iraq.
Hôm 4/2, phụ trách báo chí Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định Bộ Quốc phòng Mỹ đã thực hiện “chiến dịch tìm kiếm trên không toàn diện” ngay sau khi viên phi công Jordan bị bắn rơi, tuy nhiên họ đã không thể xác định được vị trí của viên phi công trước khi IS bắt được anh này.
Ông Earnest cũng cho rằng mặc dù UAE không còn tham gia chiến dịch không kích chống IS nhưng họ có thể tiếp tục đóng góp theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như hỗ trợ nhân đạo cho những người bị mất nhà cửa vì chiến sự.
Trong khi đó, 26 thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện đã viết một bức thư gửi Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel để yêu cầu Mỹ nhanh chóng cung cấp các loại vũ khí, phụ tùng và thiết bị nhìn đêm cho Jordan để nước này tăng cường các cuộc không kích chống IS.
Với việc rút lui của UAE, hiện chỉ còn 3 quốc gia Trung Đông là Bahrain, Jordan và Saudi Arabia cùng tham gia với Mỹ không kích IS ở Syria. Trong khi đó, các đồng minh phương Tây của Mỹ như Úc, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan và Anh chỉ thực hiện các cuộc không kích vào mục tiêu IS ở Iraq.
Mỹ hiện vẫn là nước đóng vai trò chính trong chiến dịch không kích này, khi không lực Mỹ thực hiện khoảng 80% các vụ ném bom vào mục tiêu IS ở cả Iraq và Syria.