Tỷ lệ cử tri cả nước đã đi bầu cử đạt khoảng trên 70%
Sáng nay, chủ nhật ngày 22-5, gần 70 triệu cử tri trên cả nước bắt đầu đi bầu cử, lựa chọn những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
12h00. Chưa có tình huống bất thường nào xảy ra
Tính đến thời điểm này, có nhiều địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu cao. Theo báo cáo nhanh của tỉnh Nghệ An, hiện nay Nghệ An đã có trên 50% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Ở nhiều khu vực bỏ phiếu đã có 100% cử tri đi bầu (Kon Tum có 44 khu vực, Nghệ An có 22 khu vực, Quảng Nam có 48 khu vực), nhất là khu vực bỏ phiếu tại các huyện đảo. Các khu vực bỏ phiếu của các lực lượng vũ trang tỷ lệ cử tri đi bầu đã đạt 100%.
Tin ảnh: Trọng Phú
Theo Uỷ ban bầu cử Quốc gia, hiện không khí ngày bầu cử, dư luận trong nhân dân về cuộc bầu cử và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đến thời điểm này khá tốt. Các điều kiện để cử tri đi bầu cử cũng khá thuận lợi, theo báo cáo của các địa phương, tình hình thời tiết, tại các điểm bầu cử rất thuận lợi cho công tác bầu cử. Giao thông đi lại thuận lợi. Thông tin liên lạc thông suốt, không gián đoạn trong thời gian bầu cử. Các cơ quan, doanh nghiệp bưu chính viễn thông đã bố trí thiết bị dự phòng, nhân viên trực điều hành để xử lý sự cố mạng lưới, nghẽn cục bộ, bảo đảm thông suốt cho các thuê bao điện thoại cố định và mạng di động. Một số địa bàn có mưa nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử tại các địa phương được bảo đảm, chưa có vấn đề bất thường xảy ra, chưa có tình huống phát sinh nào cần phải giải quyết.
Dân nghèo kỳ vọng các ứng viên trúng cử. Sáng ngày 22-5, có hàng trăm cử tri ngồi xếp hàng dài tại khu vực bỏ phiếu số 176, phường Thạnh Xuân, quận 12 chờ bầu cử.
Bà Trần Thị Mẹo tham gia bỏ phiếu chọn người có đức có tài để chăm lo cho dân. Tinh ảnh: Nguyễn Hiền
Bà Trần Thị Mẹo, 80 tuổi dù chân đi khập khiễng đi từng bước khó khăn nhưng bà vẫn đến điểm bầu khá sớm.
Khi được hỏi về cảm xúc của bà khi tham gia bầu cử, bà Mẹo phấn khởi nói “Kỳ bầu cử nào tôi cũng đi, không đi mất quyền lợi sao. Tôi không bầu cho có, mà phải xem rất kỹ lý lịch của các vị mình bầu làm sao phải là những người có khả năng chăm lo cho người dân nghèo đang gặp khó. Tôi giờ già rồi cũng không mong muốn gì chỉ mong cuộc sống bình yên xã hội công bằng, bình đẳng và muốn được như vậy thì phải nhờ vào những người lãnh đạo hiểu và lo cho dân. Hơn nữa, tôi rất muốn bầu được người luôn biết đứng về phía người dân để hiểu chúng tôi hơn”.
Đông đảo sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer nô nức đi bầu cử. Trời đổ mưa tầm tã, nhưng rất đông các cử tri đã có mặt tại các điểm bầu cử ở địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Sư sãi chùa KOSKEOSIRI , TP Trà Vinh bỏ phiếu - ảnh CTV HT
Toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 970.000 ngàn cử tri ở 1.316 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó có hơn 300.000 cử tri là đồng bào Khmer.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Sóc Trăng, sơ bộ ghi nhận từ sáng sớm đến trưa 22-5, ở các vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh, bà con cử tri người dân tộc hăng hái đến bỏ phiếu rất đông.
Sinh viên háo hức đi bầu cử. Từ 6 giờ sáng, nhiều sinh viên Đại học Huế (Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm, Đại Học Kinh tế, Đại học Nghệ thuật, Đại học Nông lâm, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Y dược, Đại học Luật) đã đến các điểm bỏ phiếu để tham gia bầu cử.
Các sinh viên đến khá sớm để bỏ phiếu tại Đại học Y dược Huế. Tin ảnh: Nguyễn Do
Để các sinh viên nắm rõ về những thông tin bầu cử, tại trường đều đặt các bảng thông tin về bầu cử cũng như danh sách những người ứng cử vào đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Trường treo các băng rôn và tuyên truyền để đề cao ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên khi bầu cử.
Theo ghi nhận tại Cần Thơ, có khoảng 25.000 sinh viên ĐH Cần Thơ ở lại trường học tập vào dịp hè này và thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 tại trường với 14 điểm bỏ phiếu. Tính đến trưa 22-5, tỷ lệ cử tri là sinh viên ĐH Cần Thơ đi bầu đạt trên 56% trong tổng số 25.000 cử tri sinh viên.
Cử tri Nguyễn Văn Đức (19 tuổi) lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp tại nơi cư trú ở khu vực 2, phường An Thới Cần Thơ. Ảnh: N.NAM
Đức hiện là sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Dù đang học tập tại TP.HCM, nhưng Đức đã chọn về địa phương để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
8g sáng 22-5, Đức cùng mẹ đi bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu nhà thông tin khu vực 2. Em cho biết, “lần đầu được cầm lá phiếu bầu chọn những người mà mình tin tưởng giống như mình đã thực sự lớn, được mọi người công nhận mình đã lớn để thực hiện quyền công dân”.
11h30. "Nghẽn" bỏ phiếu vì cử tri "nghiên cứu" kỹ ứng viên
Tới thời điểm 11g30, thông tin từ Uỷ ban bầu cử TP.HCM, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đã có tỉ lệ cử tri đi bầu 100% và huyện Củ Chi hiện nay là địa phương có tỉ lệ cử tri hoàn thành bỏ phiếu cao nhất trong 24 quận, huyện.
Ngoài huyện Củ Chi, quận 2 cũng có xã An Lợi Đông đã có lệ bỏ phiếu 100%.
Bên cạnh đó, quận 1 hiện là địa phương có tỉ lệ cử tri bầu cử thấp nhất là hơn 32%. Nhiều phường tỉ lệ bỏ phiếu cũng còn rất thấp. Theo Uỷ ban bầu cử quận 1, bà con cử tri đến xếp hàng rất đông, có nơi xếp hàng tới cả trăm mét. Nguyên nhân tỉ lệ thấp là do bà con cử tri nghiên cứu và lựa chọn hơi lâu, nhiều cử tri khi vào trong phòng kín nghiên cứu nên người xếp hàng chờ bên ngoài chưa được bỏ phiếu đông.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử TP lưu ý quận 1, các điểm bầu cử tới đông mà cử tri không vào bầu được thì vận động người dân nghiên cứu trước danh sách các ứng cử viên đã để sẵn ở ngoài điểm bầu cử để vào phòng kính lựa chọn nhanh hơn.
11h10. Tại TP.Vũng Tàu, từ 6 giờ 30 phút sáng 22-5, cử tri đã đến 178 khu vực bỏ phiếu trên toàn địa bàn TP để tham gia bầu cử. Tổng số cử tri của TP.Vũng Tàu là hơn 219 nghìn người, chiếm hơn 62% tổng dân số. Trong số các khu vực bầu cử, Khu phố 7, phường 5 là nơi tập trung gần 1700 cử tri- một trong những địa bàn có số cử tri đông nhưng điều kiện khó khăn nhất.
Ông Lê Thuận Lợi- Bí thư Chi bộ Khu phố 7, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 7 (phường 5, TP.Vũng Tàu) cho biết, địa bàn KP 7 rộng nhất phường, dân cư tập trung phía dưới biển và một nửa sống trên núi, quanh khu vực các chùa. Ngoài ra, trụ sở khu phố 7 nhỏ, nằm sát biển xung quanh là bến neo đậu tàu thuyền của ngư dân.
Cử tri đi bỏ phiếu tại Khu vực số 7, phường 5, TP.Vũng Tàu. Tin ảnh: TRÙNG KHÁNH
Do vậy, để thuận lợi cho công tác bầu cử, khác với các khu vực khác, khu vực số 7 đã được tổ chức đặt tại sân của chùa Thích Ca Phật Đài. Đa số cử tri là người lao động nghèo, làm thuê, ngư dân nên khi bắt đầu bỏ phiếu, các cử tri đã tranh thủ tới bỏ phiếu để kịp đi làm. Trụ trì các chùa cùng tăng, ni cũng đã xuống để bỏ phiếu. Thùng phiếu phụ sẽ được mang đến các gia đình cử tri lớn tuổi, bệnh để cử tri có thể bỏ phiếu.
"Do điều kiện không thuận lợi, trời chiều có thể chuyển mưa, nước mưa tạt và ngập khu vực bầu cử nên Hội đồng Bầu cử đã cho phép khu vực số 7 sau khi bỏ phiếu, niêm phong xong sẽ chuyển thùng phiếu về trụ sở UBND phường để kiểm phiếu”, ông Lợi cho biết.
Đi biển về sớm để đi bầu. Cùng với cả nước, sáng hôm nay 22-5, cử tri Cà Mau đã tranh thủ đi biển về sớm để bầu cử.
Cử tri Đất Mũi bỏ phiếu bầu sáng 22-5-2016. Ảnh: CTV
Ông Mã Văn Tến, cựu chiến binh xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, người được phân công chỉ đạo điểm bầu cử ở ấp Mũi (xã Đất Mũi) cho biết: "Sáng sớm ở đây trời mưa to, cũng là lúc bà con ngư dân đang đi biển đánh bắt tôm cá. Đến 10 giờ thì bà con tranh thủ về và đang đổ về điểm bầu cử của ấp. Theo đánh giá của chúng tôi thì có thể đến 13 giờ, trễ lắm là 14 giờ chiều nay thì điểm bầu cử ấp Mũi sẽ hoàn tất việc bầu cử".
10h58. Tính đến 10 giờ 30 sáng 22-5, sau hơn ba giờ bầu cử, hiện nay trên địa bàn 24 quận huyện với 3.000 điểm bầu cử, người dân đã phấn khởi đi bỏ phiếu. Thông tin từ Uỷ ban bầu cử TP.HCM, tỉ lệ hoàn thành bỏ phiếu chung đạt gần 50%, trong đó, huyện Củ Chi tỉ lệ hoàn thành cao nhất là hơn 70%.
Ảnh: Hoàng Giang
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban bầu cử TP cho biết: “Tôi đã thực hiện xong quyền cử tri của mình tại điểm bỏ phiếu và đã kiểm tra ở những điểm bỏ phiếu khác trên địa bàn TP. Không khí chung tôi nhận thấy là tinh thần phấn khởi của người dân TP nô nức đi bầu. Ở các điểm bầu cử người dân đợi rất đông để thực hiện quyền bầu cử của mình, trang phục đẹp, gương mặt ai nấy đều rất rạng rỡ. Tôi nghĩ rằng, ấy là do người dân đã ý thức được trách nhiệm công dân của mình đối với cuộc bầu cử này và sẵn sàng lựa chọn để bầu được những đại biểu mà người dân kỳ vọng sẽ đem lại được những điều tốt đẹp cho đất nước mình cũng như cho người dân trong thời gian tới”, Chủ tịch hội đồng bầu cử TP.HCM chia sẻ.
Bà Tâm cũng cho hay, hơn 3000 điểm bầu cử tại TPHCM được tổ chức tốt, công tác tổ chức đã được chuẩn bị từ rất lâu và rất chu đáo từ TP, quận, huyện, phường, xã, thị trấn cho đến các tổ dân phố. Công tác tuyên truyền vận động với người dân đã được chuẩn bị rất tỉ mỉ các hoạt động tiếp xúc cử tri giữa các ứng cử viên với đồng bào cử tri, công tác mạn đàm tiểu sử để cho người hiểu được, biết được người ứng cử đó có những điểm mạnh gì. Từ đó có lựa chọn sáng suốt và đúng đắn để bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu và bầu đúng người mà mình có thể tin tưởng được đó là cả một quá trình. Bà Tâm khẳng định, cho đến thời điểm này cuộc bầu cử trên toàn TP đang diễn ra rất tốt đẹp.
Người nghiện háo hức đi bầu. 440 người đang điều trị nghiện đã tự tay bỏ lá phiếu vào thùng phiếu trong niềm nôn nao khó tả tại cơ sở xã hội Bình Triệu (quận Bình Thạnh). Nhiều bạn trước đây không nghĩ lá phiếu trên tay có ý nghĩa đặc biệt như vậy.
Các học viên được hướng dẫn bầu cử theo quy trình rất nghiêm túc
“Đây là lần thứ hai em được đi bầu cử. Em không ngờ lá phiếu của mình cũng góp phần quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Em hi vọng các đại biểu có tài có đức sẽ làm cho dân giàu nước mạnh…”, bạn Đ.V.L chia sẻ sau khi tự tay bỏ phiếu vào thùng.
Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cho biết hiện thành phố đang quản lý 9.500 học viên tại 17 cơ sở cai nghiện. Tại mỗi đơn vị đều có tổ chức bầu cử để các học viên thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Can phạm Chí Hòa xúc động đi bầu cử
Đúng 7 giờ sáng Đại tá Đinh Thanh Nhàn phó giám đốc công an TP.HCM đã có mặt cùng tổ bầu cử tiến hành làm lễ khai mạc tại khu vực bỏ phiếu số 83 Trại tạm giam Chí Hòa, TP.HCM.
Những can phạm có kỷ luật tốt, quá trình cải tại tốt được trích xuất đi bầu
Sau khi các cán bộ chiến sỹ của trại tam giam tiến hành bỏ phiếu tại điểm bầu cử chính ở phường 13, quận 10, đã tiến hành trích xuất những can phạm có kỷ luật tốt, quá trình cải tại tốt ra bên ngoài phòng giam giữ, đến khu vực phòng bỏ phiếu.
Cán bộ trại tạm giam và thành viên tổ bầu cử tận tình hướng dẫn các cử tri trại tam giam quy trình bỏ phiếu.
“Tôi rất xúc động vì chúng tôi là những người vi phạm pháp luật nhưng chúng tôi đã được tạo điều kiện tham gia bỏ phiếu bầu cử, cho chúng tôi biết mình vẫn còn có quyền công dân”. Chị Trần Hoàng Oanh bày tỏ khi cùng hơn 2000 can phạm khác, tham gia bầu cử vào sáng 22-5 tại trại tạm giam Chí Hòa, quận 10.
Chị Trần Hoàng Oanh. Tin, ảnh: HOÀNG TUYẾT
Viết tên ứng viên lên tay... Đến điểm bỏ phiếu từ rất sớm, cụ bà Tạ Quý Nhi 80 tuổi (sinh năm 1936) đã có mặt tại điểm bỏ phiếu khu vực số 7 Trường mầm non Hoa Quỳnh, 34 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1, TP HCM để được bỏ phiếu trong ngày bầu cử 22-5.
Cử tri Tạ Quý Nhi đến từ rất sớm. Năm nay bà đã bước sang tuổi 80. Tin ảnh: Xuân Huy
Bà đến điểm bỏ phiếu thật sớm để thực hiện quyền công dân của mình. Bà cho biết: “ Tôi năm nay đã 80 tuổi, là dân cư Sài Gòn, tôi chưa từng bỏ lỡ kỳ bầu cử nào. Cái tôi mong muốn là nhân dân bình yên và được lãnh đạo quan tâm bảo vệ. Nhân dân an lành để Phát triển”.
Cử tri Ngô Huy Hoàng (56 tuổi), sau khi xem qua lý lịch trích ngang đã viết lên tay sự chọn lựa cho lá phiếu của mình, cho biết :” Đây là lần thứ 8 tôi đi bầu các cấp hội đồng nhân dân. Tôi thực sự mong mỏi các cấp lãng đạo mà chúng tôi bầu chọn quan tâm đến đời sống cư dân, tôi mong đất nước đổi mới. Về kinh tế, đời sống của nhân dân khá hơn.”
“Tôi viết ra tay mình những ứng viên mà tôi sẽ chọn lựa bỏ phiếu bầu vì xem xong lý lịch trích ngang thì tôi đã có sự lựa chọn. Đây là sự kỳ vọng của tôi về họ. Và hy vọng lá phiếu của mình sẽ bình chọn ra được những người có tài năng thực sự để có thể giúp ích cho xã hội”.
10h00. Bỏ phiếu là có trách nhiệm với đất nước
Phát biểu tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, cử tri Nguyễn Văn Bình, UVBCT, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói: đây là sự kiện chính trị quan trọng, đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình đang bỏ phiếu
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình cho rằng đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo ông Bình, đây là ngày trọng đại của dân tộc, ngày hội của non sông, ngày hội của toàn dân. “Bầu cử là thể hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với đất nước, với địa phương, góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”, ông Bình nói.
Từ sáng sớm ông Trương Hòa Bình– Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có mặt tại điểm bỏ phiếu số 115 (Phường 11, Quận Tân Bình) dự lễ chào cờ và khai mạc, thực hiện quyền và nghĩa vụ của một cử tri.
Ông là một trong những người đầu tiên bỏ phiếu bầu tại điểm này. Phó thủ tướng đã cùng đông đảo cử tri phường bỏ phiếu để lựa chọn những đại biểu Quốc hội, HĐND TP, quận và phường. Chia sẻ ngắn gọn với báo chí, ông hi vọng những đại biểu được nhân dân lựa chọn sẽ là những người xứng đáng, có đức, có tài, đại diện cho tiếng nói của nhân dân.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thực hiện quyền và nghĩa vụ của một cử tri.. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Sáng 22-5, tại khu vực bỏ phiếu số 9, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thực hiện quyền công dân bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bỏ phiếu. Tin ảnh: Trà Phương
Ngoài Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại khu vực bầu cử này còn có ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nguyễn Quốc Khánh Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam cùng tham gia bỏ phiếu.
9h40. Chọn người trẻ lãnh đạo mong mang lại luồng gió mới
Khu vực bỏ phiếu 50, phường 7, quận 3, TP.HCM là điểm bỏ phiếu đặc biệt bởi khu vực vực bỏ phiếu nằm trong khuôn viên chùa Chantarangsay (hay Candaransi) của Phật giáo Nam tông Khmer.
Sân và cổng chùa tràn ngập cờ hoa của quốc kỳ chào mừng bầu cử cùng cờ mùa lễ Phật đản năm nay.
Cụ Phạm Thanh Liêm đã 85 tuổi và chưa hề bỏ qua kỳ bầu cử nào - Ảnh: Q.T
Sư Chauel bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu 50, phường 7, quận 3, TP.HCM trong khuôn viên chùa Chantarangsay - Ảnh: Q.T
“Từ ngày tôi đến ở chùa năm 1999 đến nay, năm nay là mùa bầu cử thứ ba tôi tham gia tại chùa”, sư Chauel thuộc chùa Chantarangsay chia sẻ.
Sư Chauel còn cho biết tiêu chí chọn người vào vị trí lãnh đạo của sư năm nay dành cho những người ở tuổi trung niên. “Ở tuổi trung niên, với kinh nghiệm đã kinh qua, suy nghĩ, hành động cũng sẽ thấu đáo hơn người trẻ nên tôi ưu tiên chọn những người này. Dĩ nhiên những vị trung niên tôi chọn cũng phải có bề dày trong sự nghiệp”, sư Chauel nói.
Cụ Phan Thanh Liêm cho biết cụ chọn người trẻ để mong có một luồng gió mới cho đất nước - Ảnh: Q.T
Ngược lại với sư Chauel, cụ Phạm Thanh Liêm (ngụ tại 128/2 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3) cho biết, tiêu chí của cụ chọn là người trẻ. “Tôi năm nay 85 tuổi, đi bầu cử không thiếu một mùa nào. Mỗi mùa bầu cử tôi luôn trông chờ đến ngày để chọn lựa lãnh đạo các cấp. Đặc biệt năm nay không khí gia đình tôi hồ hởi hơn bởi rất nhiều ứng cử viên trẻ. Tôi chọn người trẻ, giỏi để mong có những lãnh đạo đem lại luồng gió mới cho đất nước”, cụ Phạm Thanh Liêm nói.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bầu cử
Đúng 6g30 Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Tất Thành Cang cùng gia đình đã đến khu vực bỏ phiếu số 72, đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường 10 quận 3 (TP.HCM) để bầu cử.
Cử tri Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực thành ủy đến sớm trò chuyện, trao đổi với cử cùng khu vực bỏ phiếu. Ảnh: Việt Hoa
Sau khi dự lễ chào cờ và khai mạc chương trình, gia đình Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang đã cùng đông đảo cử tri phường 10 bỏ phiếu để lựa chọn những đại Quốc hội, HĐND quận và phường.
Đông đảo cử tri cũng đã xếp hàng để chờ đến lượt bỏ phiếu. Theo ông Nguyễn Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường 10, khu vực bỏ phiếu bầu cử số 72 có 1.150 cử tri, thời gian bỏ phiếu sẽ bắt đầu từ 7g sáng đến 7g tối.
Phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bỏ phiếu
Bà Ngô Thị Huệ - Phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bỏ phiếu bầu cử tại đơn vị bầu cử số 21, quận 3. Ảnh: HOÀNG GIANG