Tuyến đường nào "đắt khách" nhất khi quận 1 cho thuê vỉa hè?
Quận 1 đã thu được gần 345 triệu đồng, trong đó phường Bến Thành đóng nhiều nhất với hơn 193 triệu đồng...
Gần 1 tháng thí điểm cho sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh ở 11 tuyến đường thuộc quận 1, TP HCM, đã có hơn 200 hộ đăng ký với tổng mức phí dự kiến đóng trên 800 triệu đồng.
Thông tin trên được Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 Dương Thanh Bình cho biết ngày 5-6.
Ông Bình cho hay tính đến 10 giờ ngày 5-6, đã có 207 trường hợp đăng ký sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán ở 11 tuyến đường mà quận 1 đang thí điểm trên địa bàn. Trong đó 97 trường hợp đã được thông qua, cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè để kinh doanh, mua bán hàng hóa.
Phường Bến Thành có số lượng đăng ký nhiều nhất với 135 trường hợp. Kế đến là các phường Đa Kao, Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Cư Trinh, Cô Giang, Bến Nghé...
Tuyến "đắt khách" nhất trên địa bàn quận 1 là Lê Thánh Tôn với 80 trường hợp đã đăng ký sử dụng một phần vỉa hè; Ảnh: PHAN ANH
Trong đó, tuyến "đắt khách" nhất trên địa bàn quận 1 là Lê Thánh Tôn với 80 trường hợp đã đăng ký sử dụng một phần vỉa hè. Nhiều tuyến đường khác cũng có số lượng đăng ký nhiều sau gần 1 tháng thí điểm như Phan Bội Châu (34 hộ), Phan Chu Trinh (23 hộ), Trần Hưng Đạo (23 hộ)...
Ông Bính cho biết tổng diện tích vỉa hè dự kiến đăng ký sử dụng tạm thời là hơn 1.613 m2; tổng số phí dự kiến thu là hơn 800 triệu đồng. Hiện nay quận đã thu được gần 345 triệu đồng, trong đó phường Bến Thành đóng nhiều nhất với hơn 193 triệu đồng (39 trường hợp).
Quận 1 là địa phương đầu tiên tại TP HCM thí điểm sử dụng một phần vỉa hè để tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa có thu phí. Theo phương án của quận, phần diện tích kinh doanh ở vỉa hè bố trí về phía nhà dân và cho để xe máy tự quản sát mép đường.
Với 11 tuyến đang thí điểm, việc đăng ký sử dụng vỉa hè được quận triển khai qua phần mềm. Trên ứng dụng sẽ cung cấp chức năng hè phố, thủ tục đăng ký, mức phí...
Khi đáp ứng các điều kiện, người dân sẽ được cấp phép và đóng phí tùy theo diện tích, thời gian. Hiện, chỉ chủ hộ hoặc người đang thuê nhà mới được xem xét cho sử dụng vỉa hè.
11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa trên địa bàn quận 1 gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); Hải Triều và Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (phường Bến Thành); Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình); Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho); Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh); Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Việc thí điểm trên được UBND quận 1 triển khai theo Quyết định 32 của UBND TP HCM quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 1-9-2023.
Quyết định này cho một số trường hợp được sử dụng một phần và đóng phí, như: tổ chức hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ...
Vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ôtô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Trên cơ sở này, HĐND TP HCM sau đó ban hành mức phí để áp dụng cho từng trường hợp sử dụng, hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Ngoài quận 1, nhiều quận huyện khác trên địa bàn cũng đang rà soát, lập danh mục các tuyến đủ điều kiện tổ chức các hoạt động có thu phí.
Hiện, mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Nguồn: [Link nguồn]
UBND quận 1, 10 và 11 (TPHCM) vừa đề xuất danh mục khoảng 100 tuyến đường với các đoạn vỉa hè đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, giữ xe máy để thực hiện thí điểm thu phí.