Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước

Gây ra cái chết đau đớn cho 6 con người, Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến phải nhận mức án cao nhất.

19h25: Phiên tòa kết thúc.

Trực tiếp xét xử vụ thảm sát ở Bình Phước

Xét xử Nguyễn Hải Dương

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 3

Công an dẫn giải các bị cáo ra xe đặc chủng về trại giam.

19h15: HĐXX sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Phước tuyên án các bị cáo: Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến cùng lĩnh án tử hình; Trần Đình Thoại 16 năm tù.

Cụ thể: Bị cáo Dương chịu hình phạt tử hình đối với hành vi giết người, 8 năm tù đối với hành vi cướp tài sản; tổng hợp hình phạt là tử hình. Bị cáo Tiến chịu hình phạt tử hình với tội giết người và 7 năm tù tội cướp tài sản; tổng hợp hình phạt là tử hình. Bị cáo Thoại lĩnh 13 năm tù vì tội giết người và 3 năm tù tội cướp tài sản; tổng hợp hình phạt là 16 năm tù.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 4

HĐXX công bố mức án.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 5

Các bị cáo đứng nghe HĐXX tuyên án.

18h14: HĐXX bắt đầu đọc toàn văn bản án.

18h10: HĐXX chuẩn bị tuyên án.

17h21: Trong lúc chờ HĐXX nghị án, bị cáo Nguyễn Hải Dương đã nhiều lần ngước về sau nhìn người thân trong gia đình.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 6

16h50: Kết thúc tranh luận, chuyển sang nghị án.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 7

3 bị cáo trong vòng an ninh của công an

16h35: Đại diện VKS cho biết, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm 16-18 năm tù cho bị cáo Thoại.

Được nói lời sau cùng, các bị cáo Dương, Tiến, Thoại lần lượt nói, tất cả đều có lời xin lỗi gửi tới các nạn nhân và thân nhân những người thiệt mạng. Riêng bị cáo Tiến kính mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ.

Bị cáo Dương nói lí nhí trước vành móng ngựa lời xin lỗi gia đình bị hại. Ngoài ra, Dương cũng mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Tiến. Theo bị cáo Dương, bị cáo Tiến phạm tội do Dương khống chế tinh thần.

Clip: Lời nói sau cùng của 3 bị can:

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 8

Đại diện VKSND tỉnh Bình Phước giữ nguyên quan điểm đề nghị mức án với bị cáo Trần Đình Thoại về 2 tội "Giết người" và "Cướp tài sản".

16h17: Luật sư bào chữa cho bị cáo Thoại xin HĐXX xem xét lại. Nguồn gốc dẫn tới việc bị cáo Dương và Thoại ra tòa ngày hôm nay là do Dương rủ Thoại đi cướp chứ không phải đi giết người. Kế hoạch phạm tội hoàn toàn là do bị Dương nói với Thoại, và Thoại chỉ nghe chứ không bàn lại.

"Về mặt logic của sự việc, hoàn toàn dễ hiểu. Thoại hoàn toàn không có xích mích gì với gia đình nạn nhân, thì không có lý gì lại đồng ý với Dương đi giết một lúc nhiều người", luật sư bào chữa cho bị cáo Thoại trình bày.

16h11: Luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến xin nói thêm: VKS cho rằng bị cáo Tiến dùng dây siết cổ các nạn nhân là đã tước đoạt mạng sống các nạn nhân, là chưa phù hợp. Ngoài ra, qua lời khai của các bị cáo cho thấy, cách siết chỉ là để khống chế chứ không phải giết người. Các nạn nhân bất tỉnh vì bị cáo Dương dùng gối đè lên.

"Ngay khi vào cổng, Tiến không bóp cổ nạn nhân, mà hành động này được thực hiện bởi Dương. Tôi cũng không đồng ý với nhận định về hành vi man rợ, côn đồ, bởi bị cáo Tiến không có ý định giết người", luật sư bào chữa cho bị cáo Tiến tranh luận.

16h: Đại diện VKS cho biết, Dương đã bàn với Thoại rất chi tiết kế hoạch gây án. Sau đó, Dương và Thoại đã gây án theo đúng kế hoạch này.

Theo đại diện VKS, có luật sư cho rằng tình tiết không giết cháu Na là tình tiết giảm nhẹ. Luật pháp và thực tế đều không thể xem đây là tình tiết giảm nhẹ.

Về bị cáo Thoại, đại diện VKS cho biết, bị cáo này không trực tiếp tham gia gây án là do nguyên nhân khách quan chứ không phải chủ quan. Thoại cũng là người giúp sức cho Dương khi hướng dẫn mua khẩu súng điện.

Còn với bị cáo Tiến, theo đại diện VKS, Tiến đã hợp tác cùng Dương trực tiếp gây án. "Tiến vào nhà dùng dây siết cổ nạn nhân cũng đủ khiến nạn nhân chết rồi chứ không cần phải Dương dùng dao đâm", đại diện VKS nói.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 9

Đông đảo người dân chăm chú theo dõi phiên xử.

15h53: Luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại bắt đầu phần trình bày: Với vụ án này, Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới đều quan tâm, không thể nào xoa dịu được.

Theo vị luật sư này, nếu không có bị cáo Tiến thì Dương không thể gây ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng như vậy. Riêng trường hợp của Thoại, nếu đêm hôm trước tới nhà nạn nhân mà gặp điều kiện thuận lợi (Vỹ ra mở cửa) thì hậu quả có thể cũng không khác hôm nay.

"Tôi không đồng ý với mức án đề nghị 16-18 năm tù với bị cáo Thoại. Bị cáo không thể hiện sự hối hận, ăn năn hối cải. Tôi đề nghị cách biệt hẳn đối tượng khỏi cuộc sống xã hội như các bị cáo Dương và Tiến", vị luật sư nói. "Tôi đề nghị mức án phạt dành cho cả 3 bị cáo là như nhau - án tử hình, tổng mức bồi thường là 480 triệu. Đề nghị thu chiếc xe của bị cáo Dương để thực hiện thi hành án sau này".

15h50: Theo luật sư Anh, bị cáo Thoại chỉ là đồng phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

"Để thực hiện tội phạm, ngoài chuẩn bị dụng cụ thì điều kiện cần thiết là cháu Vỹ phải ra mở cổng", luật sư Anh nói. Còn về các tình tiết giảm nhẹ là bị cáo đã ăn năn hối lỗi, nhân thân tốt, có trình độ văn hóa thấp, chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc.

15h39: Cũng theo luật sư Anh: Trong sáng 4.7 Dương đã gọi điện thoại cho bị cáo Trần Đình Thoại rủ đi uống cà phê. Dương nói với Thoại: “Có hùn khoảng 700-800 triệu mua gỗ cao su với một người ở Bình Phước, nhưng họ không chịu trả nên nhờ Thoại giúp lên cướp lại số tiền đó”. Nghe Dương nói, Thoại thắc mắc: “Người ta thiếu lên đó đòi lại, chứ sao phải cướp?”. Dương trả lời: “Làm ăn không có giấy tờ, giờ người đó không trả nên phải cướp”.

Nghe đến đây, Thoại hỏi: “Biết nhà có tiền không mà cướp?”. Dương đáp: “Em nghe nhà đó mới bán lô gỗ cao su tới mấy tỷ, anh giúp em cướp lại đi. Em lấy đủ số tiền của em thôi, còn bao nhiêu cho anh hết. Em lên kế hoạch hết rồi. Lúc trước em lên nhà đó chơi, giờ còn liên lạc với thằng nhỏ ở đó. Khi mình lên đến nơi, điện thoại nó ra mở cổng rồi xử thằng nhóc luôn”. Thoại hỏi: “Sao lại phải xử thằng nhóc?”. Dương đáp: “Xử thằng nhóc đó mới vào nhà được nhà” và được Thoại đồng ý.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 10

Luật sư Nguyễn Quốc Anh - Đoàn luật sư TP.HCM, bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thoại - trình bày trước HĐXX.

15h34: Luật sư Anh cho rằng, bị cáo Thoại nghĩ sau khi không đi và không đưa dao cho Dương, Dương chỉ có một mình sẽ không đi được.

15h29: Luật sư Nguyễn Quốc Anh - Đoàn luật sư TP.HCM - bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thoại trình bày trước HĐXX.

Luật sư cho rằng, việc bị cáo Thoại tự rút lui sau khi tham gia lần đầu giết người, cướp tài sản bất thành, vì bị cáo Thoại cho rằng hành vi của Dương quá tàn ác. Bị cáo Thoại từ chối không tham gia cùng Dương đi tiếp, mà nói về quê.

Theo luật sư bào chữa cho Thoại: Dương đã mua súng bắn bi sắt, súng điện, găng tay..., tất cả việc này đã hoàn thành trước ngày gây án. Như vậy, tính đến ngày 4.7.2015, bị cáo Thoại không giúp sức gì cho bị cáo Dương. Nhìn chung, vai trò của Thoại trong vụ án này là rất ít.

15h26: Phần trình bày của luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến kết thúc.

15h25: Luật sư bào chữa cho bị cáo Tiến cho rằng, với những hành vi mà bị cáo Tiến đã gây ra đối với những người vô tội, thì việc bị cáo Tiến phải nhận mức án nặng nhất không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, sau khi xem xét một cách khách quan, toàn diện vụ án, tách bạch vai trò của từng bị cáo trong đồng phạm, quan tâm xem xét đến nhân thân, tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật, cần thiết phải trừng trị thích đáng đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu, mất tính người, nhưng vẫn rộng lượng, khoan hồng đối với người lầm lỡ, còn nhân tính, nhằm giảm bớt nỗi đau, xoa dịu lòng người.

Luật sư nhận thấy, cần đặc biệt lưu tâm, xem xét liệu rằng đối với bị cáo Tiến có cần thiết phải loại trừ ra khỏi xã hội hay không? Hay cho bị cáo con đường sống, cách ly bị cáo khỏi xã hội để cải tạo, giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Chiếu cố cho bị cáo để suốt đời phải phấn đấu chuộc lại lỗi lầm mà mình đã gây ra cho người vô tội.

15h22: Luật sư bào chữa bị cáo Tiến cho rằng: "VKS truy tố bị cáo Tiến về tội “Giết người” theo điểm a, c, g, i, n khoản 1 Điều 93 BLHS. Tuy nhiên, tôi nhận thấy không có cơ sở để áp dụng tình tiết “thực hiện tội phạm một cách man rợ” và “có tính chất côn đồ” quy định tại điểm i, n khoản 1 Điều 93 BLHS đối với bị cáo Tiến. Bởi: Bị cáo Tiến thực hiện tội phạm với vai trò giúp sức, khống chế các nạn nhân cho bị cáo Dương với mục đích tra hỏi tiền (bằng việc bịt miệng, trói tay, siết cổ), chứ bị cáo không hề có ý định sát hại các nạn nhân, cũng như không trực tiếp ra tay sát hại các nạn nhân, vì giữa các nạn nhân và bị cáo hoàn toàn không có bất cứ một mâu thuẫn gì".

Luật sư Nam cho biết đã nhiều hỏi bị cáo Tiến: “Tại sao bị cáo khóc, bị cáo có oan ức gì không? Hay bị cáo sợ chết, nếu có cơ hội sống bị cáo sẽ làm gì?”. Tiến lau nước mắt trả lời: “Bị cáo khóc vì Dương quá tàn ác với bị cáo, vì không làm gì được để tự cứu mình, vì tội lỗi đã gây ra, vì không thể báo hiếu cha mẹ, bị cáo không cam tâm nếu phải chết như thế này. Nếu được sống, bị cáo nguyện suốt đời này sẽ chuộc lỗi lầm đã gây ra, tạ tội với thân nhân những người đã chết”.

15h15: Luật sư bào chữa cho Vũ Văn Tiến nhận định, mặc dù không có động cơ, mục đích giết người, không nghĩ rằng bị cáo Dương sẽ giết người, nhưng khi rơi vào hoàn cảnh đã rồi, bị cáo Tiến đành “đâm lao phải theo lao”. Chính vì đang phải làm một việc trái với lương tâm, trái với ý muốn nên bị cáo Tiến đã ngăn cản (đối với lần ra tay đầu tiên của Dương với Vỹ), nhiều lần đòi về, từ chối giúp đỡ Dương, không thực hiện hành vi phạm tội nữa.

Luật sư Nam cho biết, với những tình tiết nêu trên cho thấy bị cáo Tiến dù phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng khác với bị cáo Dương là bị cáo Tiến còn có tính người, biết nhận thức được cái đúng, cái sai, bản tính lương thiện, tu chí làm ăn, nhưng vì quá yếu đuối, thiếu bản lĩnh, không thể vượt qua sự cám dỗ, lợi dụng của kẻ xấu, dẫn đến không thể tự cứu mình, cứu người khác thoát khỏi sự sát hại. Đối với bị cáo Tiến cần được xem xét, đặc biệt chiếu cố cách lý khỏi xã hội để cải tạo, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

15h13: Luật sư Nam cho rằng, ngay cả khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Tiến không hề biết việc Dương giết cả nhà ông Mỹ là vì thù tức cá nhân, mà bị cáo Tiến chỉ nghĩ rằng Dương muốn lấy lại tiền, nên mới nhờ Tiến khống chế các nạn nhân để tra hỏi chỗ cất giữ tiền và nếu có ai trong gia đình nạn nhân khai ra chỗ cất giữ tiền thì bị cáo Tiến tin rằng bị cáo Dương sẽ không giết người. Hơn nữa, trong suốt quá trình giúp sức cho bị cáo Dương, thì bị cáo Tiến thực hiện hành vi bịt miệng, trói tay, siết cổ, với thái độ e dè, sợ sệt, không dám nhìn mỗi khi bị cáo Dương vung dao đâm các nạn nhân, phần lớn các hành vi khống chế, giết người các nạn nhân đều do bị cáo Dương thực hiện

15h: Theo luật sư Lê Văn Nam - bào chữa cho bị can Vũ Văn Tiến: Bị cáo Tiến không trực tiếp ra tay sát hại các nạn nhân; không biết, không bàn bạc, không lên kế hoạch; không chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội; không có ý định giết người. Bị cáo Tiến có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Trình độ văn hóa thấp, nhận thức kém, thiếu tự chủ; nhân thân tốt; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình giàu truyền thống cách mạng, có công với đất nước…

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 11

Luật sư Lê Văn Nam bào chữa cho bị can Vũ Văn Tiến.

14h55: Sau khi Viện KSND tỉnh Bình Phước đề nghị mức án, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo bào chữa các tình tiết giảm nhẹ.

Trong đó, luật sư bào chữa cho Vũ Văn Tiến nhận định: Tiến có 5 tình tiết giảm nhẹ là chỉ bị Dương lôi kéo, không dứt ra được; 5 lần kêu rút nhưng bị áp lực tinh thần; bị cáo chỉ giúp Dương tra hỏi lấy tiền; không biết trước kế hoạch giết người, không chuẩn bị hung khí; đã thể hiện sự ăn năn, hối cải.

14h37: Ông Lê Viết Xuân - đại diện VKSND tỉnh Bình Phước giữ quyền công tố tại phiên tòa bắt đầu đọc bản luận tội và đề nghị mức mức án dành cho các bị cáo.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 12

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 13

Ba bị cáo đứng nghe đại diện VKS đề nghị mức án.

VKS đề nghị mức án tử hình đối với 2 bị cáo Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến, 16-18 năm tù với bị cáo Trần Đình Thoại.

Cụ thể, đại diện VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị Nguyễn Hải Dương tử hình về tội giết người và 6-8 năm tội cướp tài sản; tổng hình phạt là tử hình. Vũ Văn Tiến bị đề nghị tử hình về tội giết người, 5-7 năm về tội cướp tài sản; tổng hình phạt là tử hình. Trần Đình Thoại bị đề nghị từ 16-18 năm cho 2 tội giết người và cướp tài sản.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 14

Đại diện VKSND tỉnh Bình Phước đọc bản luận tội và đề nghị mức mức án dành cho các bị cáo.

Đại diện VKS cho rằng hành vi của Dương hết sức man rợ, mất nhân tính.

14h25: Luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại kết thúc phần xét hỏi cùng lúc 3 bị cáo.

14h20: Luật sư hỏi "Bị cáo còn lương tâm không?". Dương trả lời "Còn", cả khu vực xét xử cười ồ lên. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại nói rằng "Hận tình giết hại 6 mạng người trong gia đình. Tội ác quá chiến tranh".

Dương nói sau khi giết hại 6 mạng người chuẩn bị tẩu thoát thì phát hiện bé Na - con gái út ông Mỹ - khóc nên đã dỗ và ru bé ngủ, nên bị cáo còn lương tâm.

14h13: Luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại hỏi bà Trinh (dì của Dương): "Chị suy nghĩ sao về vụ án này".

- "Tôi rất xin lỗi...", bà Trinh nói.

Luật sư hỏi tại sao ba lô của Dương gửi trong nhà trọ của bà Trinh nhưng sao bà không biết? Bà Trinh trả lời là đồ của con cháu, gửi đồ để trong nhà nên không quan tâm và cũng không để ý. Khi được bị can Dương rủ đi đến nhà một người bạn để lấy đồ, bà Trinh cho rằng con cháu nhờ nên đi cùng và cũng hỏi Dương nhưng Dương không nói nên cũng không biết.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 15

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại.

Bà Trinh khai có nhắn tin chứ không gọi điện cho Thoại, hỏi về vấn đề chiếc xe. Điều này ngược với lời khai của Dương là "dì Trinh có hỏi về vụ án".

14h12: Bị cáo Tiến cho biết, chấp nhận bồi thường nhưng "bị cáo không có tiền".

14h08: Dương khai có hỏi Thoại về việc mua súng điện và Thoại nói "lên mạng mà tìm mua, nhiều lắm!".

13h59: Bị cáo Thoại cho biết, lúc đầu được Dương rủ đi cướp. Trong lúc nói về kế hoạch, Thoại chỉ hỏi lại do không đồng tình chứ không bàn bạc.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 16

13h57: Khi được Tòa hỏi có oan ức gì không, bị cáo Tiến nói chỉ ức chứ không oan.

"Bị cáo chết không đáng, bị cáo ức chứ không phải oan. Bị cáo không muốn giết người nhưng bị Dương bắt làm theo", Tiến trả lời chủ tọa.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 17

13h53: Bị cáo Tiến trả lời xét hỏi của luật sư. "Lúc đầu bị cáo không biết Dương sẽ giết người, nhưng sau khi Dương đâm người thì bị cáo mới biết", Tiến nói.

Luật sư cho rằng Tiến đã có rất nhiều cơ hội bỏ chạy, tri hô nhưng lại không thực hiện. Tuy nhiên, Tiến cho biết, bị chi phối tinh thần. "Mỗi lần kêu Dương đi về thì Dương cứ cầm dao và cặp mắt cứ nhìn bị cáo", Tiến nói về nỗi sợ hãi khi đi cùng Dương.

13h49: Dương cho biết, do sợ bị công an xét hỏi dọc đường nên rủ dì Trinh (cho thành một nam- một nữ như hai vợ chồng) cùng đi lên Bình Phước. Bị cáo Dương cho rằng, các dụng cụ thực hiện hành vi phạm tội được để trong ba lô nên không lo bị dì Trinh phát hiện.

13h45: Luật sư bào chữa cho bị cáo Tiến tham gia xét hỏi. Trả lời luật sư, Dương khẳng định Tiến không biết trước kế hoạch giết người của mình. Mục đích hỏi "Tiền ở đâu?" mỗi khi giết một người là để lấy tiền trả ơn cho Tiến.

"Bị cáo Tiến hoàn toàn do bị cáo rủ rê cướp tài sản. Bị cáo Tiến hoàn toàn không biết gì, và bị cáo cũng có hành động ép buộc bị cáo Tiến cùng thực hiện hành vi phạm tội với mình", Dương nói.

13h43: Luật sư tham gia tố tụng, hỏi mục đích của Dương khi giết Vỹ. Dương cho biết có 3 mục đích, đó là bịt đầu mối, giết người và cướp của.

Dương xác nhận rủ các bị cáo khác tham gia là đánh vào lòng tham của họ.

13h41: Đại diện VKS hỏi lại các bị cáo, yêu cầu các bị cáo xác nhận lại thông tin. VKS đánh giá quá trình xử án khách quan.

13h39: HĐXX hỏi bị cáo Tiến: "Bị cáo xác nhận lại là mình có sợ không khi tham gia vụ thảm sát cùng Dương? HĐXX cần sự thành khẩn". Bị cáo Tiến vẫn khẳng định là có sợ.

13h35: Dương khai nhận hình thức gây án là tự nghĩ ra chứ không học ai cả.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 18

13h31: HĐXX hỏi bị cáo Dương về thời gian qua lại nhà ông Mỹ. Theo Dương, các nạn nhân có thể nghe giọng nói và dáng người thì sẽ nhận ra ngay bị cáo.

13h30: Xe dẫn giải các bị cáo đã tới khu vực xét xử.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 19

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 20

Xe chở các bị cáo đến phiên xử buổi chiều.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 21

Bị cáo Thoại được áp giải đến phiên xử buổi chiều.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 22

Công an tháo còng cho các bị cáo.

Sáng 17.12, TAND tỉnh Bình Phước đã tổ chức phiên xét xử lưu động gây chấn động dư luận cả nước. Các bị cáo trong vụ thảm án ở Bình Phước gồm: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long), cả ba đều bị truy tố ở khung tử hình.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 23

3 bị cáo trong vụ án.

Khi thấy bị cáo Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) cùng đồng phạm là Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) được công an đưa tới phiên tòa, người thân của 6 nạn nhân bị sát hại gào khóc trong đau đớn.

Phía bên ngoài, nhiều người dân thốt lên “Ác gì mà ác dữ. Quỷ đội lốt người!”.

Đặc biệt, khi xe chở phạm nhân chạy vào khu vực xét xử, nhiều người quá bức xúc với hành động tàn độc của Dương và đồng phạm, đã lao đến định đánh nhưng được công an can ngăn.

Sau phần đọc cáo trạng, Dương được chủ tọa, thẩm phán hỏi những vấn đề liên quan trong vụ án. Dương cho biết, chỉ vì bị ngăn cấm tình cảm với chị Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con ông Lê Văn Mỹ) nên đã lên kế hoạch sát hại 6 mạng người trong gia đình bạn gái để trả thù tình. Mục đích chính của Dương là giết người, còn cướp tài sản là phụ.

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 24

Cây súng bắn bi là vật chứng trong vụ án, do Dương đưa cho Tiến cầm.

Với khuôn mặt lạnh lùng, Dương nói: “Bị cáo thừa nhận đúng những hành vi của bị cáo trong cáo trạng đã nêu”. Trong khi đó, Tiến và Thoại có vẻ suy sụp tinh thần. Tiến cho biết, bị cáo chỉ cùng Dương đi cướp tài sản chứ không biết Dương lên kế hoạch giết người. Đặc biệt, Tiến trả lời chủ tọa rằng “lời khai của Dương chưa rõ ràng, đầy đủ”.

Đến hơn 11h, trời nắng gắt nhưng vùng đất rộng cả ngàn mét vuông - nơi tổ chức phiên xét xử vẫn có nhiều người ùn ùn kéo đến để theo dõi phiên tòa và nhìn tận mặt nhóm sát thủ. Có người đi từ 2h sáng từ Tiền Giang, Long An lên Bình Phước để theo dõi phiên tòa.

Cũng trong buổi xét xử sáng nay, nhiều người chấp nhận đội nắng hàng giờ đồng hồ, trèo lên ngọn cây, chui vào bụi cây để theo dõi. Tuy không được vào bên trong phiên tòa để nhìn mặt các bị cáo, nhưng qua cáo trạng nghe được cũng như phần xét hỏi của phiên tòa, nhiều người cho biết họ "rùng cả mình".

Tuyên án tử hình 2 bị cáo gây thảm án ở Bình Phước - 25

Người nhà nạn nân ôm di ảnh bước đi từng bước nặng nề sau khi phiên tòa tạm kết thúc.

Đến gần 11h45 cùng ngày, buổi xét xử cơ bản đã hoàn thành phần thẩm vấn các bị cáo và nghe các nhân chứng nói. Đến 13h chiều cùng ngày, phiên tòa sẽ tiếp tục. Lúc ra về tạm nghỉ, các thân nhân của gia đình nạn nhân ôm di ảnh, gào khóc.

Đại diện gia đình bị hại đề nghị điều tra thêm về lời khai của bà Trần Thị Trinh (dì của Dương). Ngoài ra, gia đình thống nhất mức bồi thường 80 triệu đồng/người (tức tổng cộng 480 triệu đồng); còn hình phạt, đề nghị HĐXX tuyên đúng người đúng tội.

Trong buổi xét xử, cả 3 bị cáo đều nhận tội theo cáo trạng đã nêu. Theo đó, Dương là người trực tiếp ra tay sát hại cả 6 mạng người trong vụ án; trong khi Tiến trợ giúp Dương khống chế các nạn nhân. Còn Thoại, dù không trực tiếp có mặt tại đêm xảy ra thảm án, nhưng đã cùng Dương tới nhà ông Mỹ vào đêm hôm trước, sau đó Thoại là người mua dao đưa cho Dương gây án theo sự nhờ vả của Dương.

Theo cáo trạng, do có mâu thuẫn tình cảm với Nguyễn Thị Ánh Linh nên Dương đã lên kế hoạch sát hại cả gia đình bạn gái.

Trước khi vụ thảm sát xảy ra, Dương rủ Thoại đến nhà ông Lê Văn Mỹ (cha của chị Linh) để giết người, cướp tài sản và được Thoại đồng ý.

Rạng sáng 5.7, cả hai chạy xe máy từ huyện Hóc Môn, TP.HCM đến nhà ông Mỹ, nhưng do không thể đột nhập vào bên trong nên cả hai ra về.

Tuy nhiên, hôm sau, Thoại không tham gia cùng Dương nữa với lý do về quê. Trước khi về quê, Thoại đưa cho Dương một con dao Thái Lan do Thoại mua để gây án (sau này Dương dùng để đâm bà Nga tử vong).

Rạng sáng 7.7, Dương và Tiến vào nhà ông Mỹ ra tay sát hại 6 mạng người trong gia đình nạn nhân và cướp một số tài sản.

Trong vụ án này, Dương và Tiến chiếm đoạt số tài sản gồm 5 chiếc điện thoại, 1 iPad, 1 máy tính xách tay, hơn 4 triệu đồng tiền mặt cùng một số đồ vật khác (tổng trị giá hơn 49 triệu đồng).

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tâm thần đối với Dương và Tiến, kết quả khẳng định cả hai đều không có bệnh tâm thần, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự trước, trong và sau khi gây án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh - Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Thảm sát 6 người chết ở Bình Phước Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN