Tướng Tuyên: Sẽ bồi dưỡng võ thuật cho CSGT

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Công an trao đổi với PV báo điện tử Infonet về các giải pháp để giải quyết tình trạng chống lại CSGT đang làm nhiệm vụ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Trong những năm gần đây, liên tục xảy ra tình trạng các đối tượng vi phạm giao thông ngang nhiên chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (CSGT) đang làm nhiệm vụ, khiến nhiều cán bộ, chiến sỹ (CBCS) bị thương, thậm chí phải hy sinh gây bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT phải làm việc trong môi trường, thời tiết khắc nghiệt, ngày đêm dầm mưa, dãi nắng, hít bụi, khói xe, không ít CBCS đã mắc bệnh nghề nghiệp như: hen suyễn, thấp khớp...

Hiện nay, tình trạng chống lại CSGT đang làm nhiệm vụ diễn biến hết sức phức tạp. Với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng vi phạm rất manh động, có lời nói thô bạo, lăng mạ, mạt sát, liều lĩnh tấn công lại lực lượng CSGT, điều khiển phương tiện đâm thẳng vào cảnh sát, thậm chí dùng dao, gậy, gạch, đá tấn công CSGT.

Nhiều đối tượng điều khiển phương tiện vi phạm giao thông, khi CSGT phát hiện, dừng phương tiện kiểm soát đã bỏ chạy, cho xe ôtô, mô tô chèn ép lực lượng cảnh sát khi bị truy đuổi. Khi bị bắt giữ đã kích động, xúi giục, tụ tập đông người kéo đến trụ sở công an, chính quyền địa phương nhằm yêu sách gây rối, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước và ổn định xã hội.

Tướng Tuyên: Sẽ bồi dưỡng võ thuật cho CSGT - 1

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Bộ Công an

Thưa Cục trưởng, trong thời gian qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra bao nhiêu vụ chống lại lực lượng CSGT và có bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ CSGT bị thương, hy sinh trong khi thi hành công vụ?

Chỉ tính từ năm 2008 đến hết năm 2012, cả nước đã xảy ra 388 vụ chống lại lực lượng CSGT khi thi hành công vụ, khiến 156 đồng chí bị thương, 2 đồng chí đã hy sinh. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 24 vụ, làm 8 đồng chí CSGT bị thương.

Tuy nhiên, tôi cho rằng thực trạng chống lại lực lượng CSGT đang thi hành công vụ cũng có những nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

"Một số cán bộ cảnh sát do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không chấp hành quy định, quy trình, thậm chí có lời nói, thái độ thiếu khiêm tốn không đúng mực, đã gây bất bình, bức xúc và kháng cự người vi phạm".

Vậy thưa ông, nguyên nhân chủ quan của thực trạng này là như thế nào?

Theo tôi, trong đó một phần là do trình độ năng lực về nghiệp vụ, của một bộ phận cán bộ cảnh sát, CSGT làm nhiệm vụ còn hạn chế. Khi trực tiếp giải quyết vụ việc, thiếu khôn khéo, gây ức chế tâm lý cho người vi phạm.

Bên cạnh đó, một số cán bộ cảnh sát do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không chấp hành quy định, quy trình, thậm chí có lời nói, thái độ thiếu khiêm tốn không đúng mực, đã gây bất bình, bức xúc và kháng cự người vi phạm.

Ngoài ra, việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng CSGT còn thiếu nên chưa đáp ứng yêu cầu khi có tình huống xảy ra, nên không đủ mạnh để uy hiếp, tấn công trấn áp tội phạm. Việc phối hợp đấu tranh, đặc biệt là xử lý hình sự đối với những người phạm tội chống người thi hành công vụ ở một số vụ chưa nghiêm.

Còn nguyên nhân khách quan của việc chống lại lực lượng CSGT đang thi hành công vụ là như thế nào thưa ông?

Tôi cho rằng, những quy định hiện hành của pháp luật về biện pháp đấu tranh ngăn chặn, cưỡng chế đối với người có hành vi không chấp hành, chống người thi hành công vụ còn chưa cụ thể, gây nhiều khó khăn, vướng mắc làm người thực thi nhiệm vụ lúng túng, bị động, do dự không cương quyết nên dễ bị đối tượng coi thường chống đối. Bên cạnh đó, thiếu cơ sở pháp lý để xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ, đặc biệt đối với CSGT.

Cùng với đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật, cũng như ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, đạo đức xã hội xuống cấp, không chấp hành pháp luật nên coi thường chống đối lại CSGT.

Ngoài ra, do chế tài xử phạt nặng nên các đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông tìm mọi cách trốn tránh, cản trở, chống đối quyết liệt lực lượng CSGT. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về xử lý nghiêm các đối tượng chống lại lực lượng CSGT chưa sâu rộng, chưa tạo được sự lên án mạnh mẽ của dư luận. Trong khi đó có trường hợp báo chí đưa tin về các vụ việc này chưa đúng, thiếu chính xác khiến người dân hiểu lầm.

"Cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, điều lệnh, quân sự, võ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng CSGT".

Như ông vừa nói các vụ chống lại lực lượng CSGT đang thi hành nhiệm vụ đã được xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng này liệu đã nghiêm để đủ sức răn đe ngăn chặn chưa, thưa ông?

Theo tôi, các vụ việc chống lại người thi hành công vụ, đặc biệt là chống lại CSGT có dấu hiệu vi phạm phải khởi tố vụ án và phối hợp với cơ quan tố tụng xử lý nghiêm theo đúng luật, không được xử lý hành chính. Đối với các vụ việc điển hình cần được tổ chức xử lưu động tại khu dân cư để tuyên truyền răn đe, giáo dục chung. Đồng thời, để cho mọi người giám sát đối tượng, tạo dư luận lên án các hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng vi phạm. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng chống lại lực lượng CSGT đang thi hành công vụ.

Để giải quyết được tình trạng chống lại CSGT đang thi hành công vụ, theo ông cần phải có những giải pháp cơ bản như thế nào?

Tôi cho rằng, giải pháp đầu tiên đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, tăng thẩm quyền của người thi hành công vụ đối với lực lượng CSGT.

Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng Nghị định “Quy định các biện pháp phòng, ngăn ngừa và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ” để áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với đối tượng không chấp hành, chống đối. Trong trường hợp cần thiết người thi hành công vụ được áp dụng các biện pháp giữ người có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, điều lệnh, quân sự, võ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng CSGT.

Thêm vào đó, cần tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đi đôi với phòng ngừa đấu tranh, xử lý các các trường hợp không chấp hành chống lại CSGT. Chủ động phương án bố trí lực lượng, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ đảm bảo, bắt giữ kịp thời khi có tội phạm xảy ra. Bên cạnh đó, thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa CSGT và các lực lượng khác khi giải quyết các tình huống chống người thi hành công vụ, tổ chức vận động quần chúng cùng tham gia phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về TTATGT. Thông báo công khai về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức nội dung tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT để người dân đồng tình ủng hộ, giúp đỡ, lên án mạnh mẽ các hành vi chống người thi hành công vụ.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hải (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN