Tường trình của người chú xích bé trai vì trộm tiền chơi điện tử
Mẹ mất khi N mới được 6 tháng tuổi, do cuộc sống quá khó khăn, bố N gửi con cho bà nội chăm sóc để đi làm ăn xa.
Bà P kể về đứa cháu hư hỏng bên ngôi nhà xập xệ. Ảnh: N.Hưng
Lớn lên trong vòng tay của bà, đói nghèo cùng với sự thiếu thốn tình cảm từ bố mẹ khiến cháu N nhiễm những thói hư, tật xấu từ lúc nào không hay. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn thường mò mẫm hằng đêm đi tìm cháu tại các quán game. Nước mắt bà đã rơi rất nhiều vì đứa cháu nhỏ mồ côi, hư hỏng.
Sự thật đau lòng phía sau những hình ảnh phản cảm
Sau khi hình ảnh một bé trai bị xích quấn nhiều vòng quanh cổ xuất hiện trên Facebook, rất nhiều ý kiến phê phán, lên án hành động nhẫn tâm, ngược đãi trẻ em. Tuy nhiên, phía sau hình ảnh khiến dư luận phẫn nộ ấy là những sự thật đau lòng.
Theo đó, bé trai bị xích là L.B.N (SN 2005, hiện đang học lớp 5 của một trường tiểu học ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do cháu N ăn trộm vàng và bỏ nhà đi chơi điện tử. Sau khi biết cháu N lấy trộm vàng của chú đi chơi điện tử, gia đình đã đi tìm khắp nơi. Chiều 27/2, người thân tìm được cháu N đưa về nhà.
Trưa 28/2, bà N.T.P (90 tuổi, bà nội cháu N) nhờ con trai dùng xích khoá cháu N lại để N không bỏ đi nữa. Trước khi đi làm, anh L.B.C (chú ruột cháu N) đành phải xích cháu lại. Tuy nhiên, khi anh C vừa đi thì cháu N đã trốn khỏi nhà.
Sau sự việc, chúng tôi tìm về gia đình bà P. Trong căn nhà ngói lụp xụp, cũ kĩ chỉ còn lại bà ở nhà với khuôn mặt già nua, khắc khổ, sầu não... Gia đình bà P thuộc diện nghèo nhất xóm, trong nhà không có thứ gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế đã cũ. Ngoài tiền trợ cấp 270.000 đồng/tháng, hai bà cháu không còn khoản thu nhập nào thêm.
“Cuộc sống của bà cháu tôi cực khổ lắm. Ngày trước khỏe mạnh, tôi còn làm được mấy sào ruộng, trồng rau để có thêm thu nhập. Bây giờ già cả mắt mờ, chân run không làm thêm được gì. Hiện chi tiêu của hai bà cháu chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp hàng tháng”, bà P nghẹn ngào.
Cũng theo bà P, cháu N ham chơi, không chịu học hành. Thương cháu nhưng bà cũng chẳng thể làm gì được. Bà P chua xót: “Nhiều hôm mưa gió, tôi vẫn phải chống gậy đi tìm cháu mà tìm không được. Tôi thương cháu vì nghĩ mẹ cháu mất sớm, bố đẻ và mẹ kế cháu thì cũng đều đi làm xa, chỉ có mình tôi trông nom cháu từ thuở lọt lòng. Tôi luôn dạy bảo cháu làm điều hay lẽ phải, rồi cháu “dạ”, “vâng”, nhưng nào có nghe. Tôi khổ tâm lắm. Sức khỏe tôi yếu rồi, đâu thể dạy dỗ, kèm cặp cháu được mãi”.
Vì nghiện game, cháu N sinh ra tật trộm cắp vặt. Ban đầu là trộm con gà, con chó trong nhà đem đi bán, rồi thấy bà có đồng nào giấu trong nhà đều bị cháu phát hiện lấy mất, sau còn trộm vàng của chú ruột đi chơi.
“Có lần tôi bán được bó rau, con gà được vài trăm đồng bạc để dành tích cóp chi tiêu lúc bà cháu ốm đau nhưng cháu N cũng lấy mất. Tôi cất tiền chỗ nào cháu cũng tìm được. N không đi học mấy ngày liền, đi 3- 4 bữa mới thấy cháu về, rồi nằm dài ra, nhìn xanh xao. Tôi hỏi thì cháu bảo qua nhà bạn chơi, ăn cơm ở đó luôn.
Trước Tết, cháu lấy 2 chỉ vàng (là nhẫn cưới của chú thím) và dây chuyền bạc của hai con chú thím đem bán lấy tiền chơi điện tử. Tôi biết xích cháu lại như thế là không nên, mang tiếng với làng xóm là ngược đãi cháu, nhưng gia đình không còn cách nào khác cả. Chúng tôi chỉ muốn xích cháu lại để cai nghiện game thôi. Cháu N do tay tôi chăm bẵm từ nhỏ, thương cháu đứt ruột, nhưng tôi già cả rồi, cũng không biết sống chết lúc nào. Chỉ mong cháu sớm từ bỏ những thói hư tật xấu, để tôi có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng”, bà P bất lực nói.
Cuộc sống khốn khó của hai bà cháu
Nói đến bà P, người dân địa phương đều thương cảm trước hoàn cảnh éo le của gia đình. Ở độ tuổi "xưa nay hiếm", lẽ ra bà phải được con cháu phụng dưỡng, nhưng bà P vẫn đang phải gánh chịu bao khó khăn để nuôi cháu.
Một người hàng xóm kể: “Gia đình bà P có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm. Biết hoàn cảnh bà đáng thương nhưng ở nông thôn, người dân hầu hết là khó khăn nên chẳng ai giúp đỡ được nhiều. Còn cháu N hư hỏng có tiếng tại địa phương. Thỉnh thoảng cháu đến nhà tôi chơi, tưởng là cháu chơi với con gái tôi nhưng không ngờ cháu có tính ăn cắp vặt. Có lần bắt được, tôi dọa báo cho gia đình biết nhưng cháu vẫn tỉnh bơ tỏ vẻ không sợ”.
Liên quan đến vụ việc này, anh C đã có tường trình gửi cơ quan công an. Theo đó, cháu N mở tủ lấy trộm một đôi nhẫn cưới, 2 lắc bạc và 2 dây chuyền bạc của con gái anh, cùng 2 nhẫn cưới của bố và dì cháu gửi. Dù rất bực, anh C cũng không hề đánh mắng N, chỉ khuyên nhủ cháu bán cho ai để gia đình đi chuộc về.
“Vì thiếu hiểu biết, mà cháu lại nghịch ngợm, hay bỏ nhà đi, còn mẹ tôi thì già yếu, không quản lý được cháu nên tôi cũng nghe lời mẹ, xích cháu lại cho bà quản lý. Tôi chỉ nghĩ xích lại để cháu ở nhà chứ không có ý thức là hành hạ cháu. Mong được pháp luật tha thứ vì hành vi thiếu hiểu biết pháp luật của bản thân. Tôi hứa sẽ không tái phạm và giáo dục cháu bằng phương pháp khác”, anh C trình bày.
Trao đổi về vụ việc, ông Nguyễn Văn Trung - Trưởng Công an xã cho biết: “Bản thân anh C nghe lời mẹ, chỉ nghĩ xích lại để cháu khỏi đi chơi điện tử vì mẹ già không quản lý được, chứ không biết làm như vậy là vi phạm pháp luật. Đến nay, được sự tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan công an về việc làm như thế là sai, vi phạm pháp luật, ngược đãi trẻ em, anh C đã biết sai và chỉ mong được các cơ quan chức năng tạo điều kiện để sửa chữa, có cơ hội sửa chữa sai lầm và cùng gia đình chăm sóc, dạy dỗ cháu”.
Cô Hiệu trưởng trường tiểu học nơi cháu N theo học cho biết: “N là học sinh cá biệt ở trường, thường xuyên nghỉ học. Ban giám hiệu đã đề nghị cô giáo chủ nhiệm thường xuyên liên lạc với gia đình để dạy bảo, uốn nắn, nhắc nhở cháu nhưng đều không gặp được gia đình. Qua sự việc lần này, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với gia đình dạy dỗ, quan tâm tới cháu nhiều hơn nữa”. |
Cuối giờ chiều nay (28.2), trên mạng xã hội Facebook phát tán một clip ghi lại cảnh một bé trai khoảng hơn 10 tuổi bị gông...