Tướng tài Nguyễn Chí Vịnh: Người kiến tạo sách lược quốc phòng "4 không"
Theo Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu quốc tế (Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng), với trọng trách là Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách công tác đối ngoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không chỉ là người kiến tạo hoạch định chính sách đối ngoại quốc phòng mà còn trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động quan trọng này.
Nhãn quan chiến lược nhạy bén
Đại tá Vũ Văn Khanh kể: Trong cuộc đời quân ngũ, ông có may mắn được làm việc cùng vị tướng tình báo từ lúc Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mang quân hàm Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác đối ngoại (từ tháng 8/2009). Những lần được làm việc cùng tướng Vịnh kể cả ở trong nước và nước ngoài, ông càng nhận thấy tầm trí tuệ sâu sắc, nhãn quan chiến lược nhạy bén, sự chỉ đạo tỉ mỉ, quyết liệt của một vị tướng tài, một nhà ngoại giao xuất sắc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (thứ hai từ phải qua) cùng cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng trong buổi làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tháng 12/2016. Đại tá Vũ Văn Khanh là người đầu tiên từ trái qua.
Theo ông Khanh, dưới sự chỉ đạo của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, lần đầu tiên chính sách quốc phòng “3 không” được đưa vào Sách trắng Quốc phòng 2009. Tiếp đó là chính sách quốc phòng “4 không” và “1 tùy” (theo cách gọi khái quát) được đưa vào Sách trắng Quốc phòng 2019.
“Anh Vịnh cũng là người tích cực tham mưu với Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng, đưa Cảng quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động, trở thành biểu tượng cụ thể và sinh động về chính sách quốc phòng của Việt Nam. Sự tấp nập của Cảng quốc tế Cam Ranh hiện nay đã chứng minh chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Đây là cơ sở dịch vụ hậu cần, kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng, chủ quyền là của Việt Nam và Việt Nam có khả năng giám sát tình hình”, ông Khanh cho biết.
Về chỉ đạo tổ chức triển khai hoạt động đối ngoại quốc phòng, ngay sau khi nhận chức vụ Thứ trưởng phụ trách công tác đối ngoại, tướng Vịnh được lãnh đạo Bộ Quốc phòng giao phụ trách công tác tổ chức các hội nghị quốc phòng, quân sự ASEAN trong năm Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN 2010.
Dưới sự chỉ đạo của ông, các hội nghị quốc phòng quân sự ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Retreat), Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFIM), Hội nghị Tư lệnh Lục quân ASEAN (ACAMM), Hội nghị quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM), Hội nghị Chính sách an ninh khu vực ARF (ARF/DoD)... đã được tổ chức và thành công tốt đẹp.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giới thiệu Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, tại lễ công bố sách trắng do Bộ Quốc phòng tổ chức, ngày 25/11/2019. Ảnh: TTXVN
Kiến trúc sư của hợp tác an ninh khu vực
Cùng với những đột phá trên, điều khiến Đại tá Vũ Văn Khanh ấn tượng nhất chính là sự chỉ đạo quyết liệt của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên tại Hà Nội, ngày 12/10/2010.
Thành công của ADMM+ lần thứ nhất được coi là mốc đánh dấu sự phát triển mới trong hợp tác quốc phòng của ASEAN nhằm tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN đã có cuộc họp với những người đồng cấp từ 8 nước đối thoại là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ.
“Quốc phòng và an ninh là những lĩnh vực nhạy cảm, song tại hội nghị, các bộ trưởng đã thẳng thắn nói hết những gì họ nghĩ và được trình bày theo cách rất ôn hòa, cầu thị và có trách nhiệm cao. Các bộ trưởng đã tìm kiếm và nhấn mạnh những điểm tương đồng, và cũng đã chủ động đưa ra những vấn đề mà mình quan tâm, những điểm khác biệt. Ý kiến phát biểu của các bộ trưởng được trình bày trong một không khí chan hòa tình hữu nghị và đoàn kết vì mục tiêu chung là xây dựng châu Á - Thái Bình Dương thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển”, ông Khanh nhớ lại.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình tổ chức ở New York (Mỹ), năm 2019. Ảnh: B.T
Những cái bắt tay và những lời chúc mừng của các đoàn khách quốc tế về thành công của hội nghị, Tuyên bố chung với 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác của ASEAN và các nước đối tác đối thoại về: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR); an ninh biển; chống khủng bố; quân y và hoạt động gìn giữ hòa bình; cũng như những lời cảm ơn về sự thân thiện, mến khách của nước chủ nhà Việt Nam… là những hình ảnh nổi bật sau hội nghị “then chốt” này.
Đại tá Khanh kể: Ít ai biết rằng, để đạt được thành công đó là những trăn trở, suy nghĩ và sự làm việc không biết mệt mỏi của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng. Quá trình tham vấn trước khi hội nghị diễn ra, một số nước lớn đã nhất trí ủng hộ Việt Nam tổ chức ADMM+, nhưng sau đó, vì một lý do nào đó như tính toán lợi ích của các nước này hay bất đồng của họ trong cạnh tranh với nước khác, nên đã có một số thay đổi so với ban đầu. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho nước chủ nhà Việt Nam.
“Chính anh Vịnh là người đã đi lại như con thoi gặp gỡ lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước đó để thuyết phục họ ủng hộ sáng kiến tổ chức ADMM+ của Việt Nam. Sự tham gia ADMM+ lần thứ nhất của những nước này ở cấp cao nhất là minh chứng cho thấy họ rất tôn trọng và tin tưởng Việt Nam”, ông Khanh chia sẻ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng lãnh đạo Quân đội hai nước Việt Nam và Campuchia chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu giữa Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng Việt Nam) với Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quân sự (Quân đội Hoàng gia Campuchia), tháng 1/2017. Ảnh do Đại tá Vũ Văn Khanh cung cấp.
Theo Đại tá Vũ Văn Khanh, hiện nay, với vai trò là bộ phận quan trọng của cấu trúc an ninh khu vực, ngoài đối thoại mở và xây dựng, ADMM+ còn đóng vai trò là một diễn đàn cho sự hợp tác thực chất, hiệu quả và có ý nghĩa giữa ASEAN và các nước ngoài khu vực trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh vì lợi ích chung.
Đồng thời, ADMM+ sẽ bổ sung cho các diễn đàn khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), các tiến trình ASEAN+ và Đối thoại Shangri La, đóng góp một cách hiệu quả vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực. Nhắc đến ADMM+, nhiều nhà phân tích quốc tế coi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những kiến trúc sư của hợp tác an ninh khu vực.
Việt Nam hòa hiếu nhưng quyết tâm bảo vệ chủ quyền Đại tá Vũ Văn Khanh cho biết: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng là người trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh Đối thoại chính sách/chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đây là một kênh quan trọng nhằm xây dựng lòng tin để thế giới và đối tác hiểu chính sách quốc phòng của Việt Nam, thấy rõ chính nghĩa của ta; một nước Việt Nam hòa hiếu nhưng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và độc lập tự chủ của Tổ quốc. Thông qua các cơ chế đối thoại, tham vấn quốc phòng, tiếp tục làm cho các nước hiểu rõ hơn về những vấn đề có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, qua đó, nhận được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam. Nhờ có sự chỉ đạo tích cực của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tính đến nay, Việt Nam đang thực hiện cơ chế Đối thoại chính sách/chiến lược quốc phòng với khoảng 20 nước. (còn nữa) |
Nguồn: [Link nguồn]
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những người con cách mạng tiêu biểu, suốt đời phụng sự vì cơ đồ Việt Nam.