Tưởng niệm nạn nhân tử vong TNGT - hành động vì người đang sống

Sự kiện: An toàn giao thông

Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.

Hành động vì an toàn của người đang sống

Tối 21/11, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”. Lễ tưởng niệm được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có gần 1,3 triệu người tử vong và gần 50 triệu người bị thương do TNGT gây ra.

Ở Việt Nam, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, TNGT trong những năm qua luôn giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ tưởng niệm - Ảnh: Tạ Hải

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ tưởng niệm - Ảnh: Tạ Hải

Tuy vậy, hàng năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do TNGT, cùng với trên 11.000 người bị thương tật suốt đời. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm nay, TNGT đã cướp đi hơn 5.000 người. Thiệt hại không gì bù đắp được.

“Hơn thế nữa, phía sau những vụ TNGT là hàng vạn mái ấm gia đình bị tổn thương; hàng ngàn cháu nhỏ vĩnh viễn mất đi cha, mẹ; bậc phụ lão mất đi chốn nương tựa cho những năm tháng cuối đời. Nỗi đau này là lời nhắc nhở cho tất cả mọi người về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh tinh thần “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, đây cũng chính là thời điểm mỗi người chúng ta tự hỏi chính mình: "Làm gì để kéo giảm TNGT? Làm gì để mọi người không phải âu lo trước nguy cơ TNGT và rủi ro lây nhiễm bệnh dịch trong mỗi chuyến đi? Làm gì để mọi nhà đều được đầm ấm, sum vầy bên mâm cơm mỗi khi chiều về?".

Để trả lời những câu hỏi trên, Phó Thủ tướng kêu gọi các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đơn vị, tổ chức quyết liệt và kiên trì thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, toàn thể nhân dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông; thực hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; "Không phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe"; "Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy"; "Luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô"; "Nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông"… để cùng nhau tạo lập một môi trường giao thông an toàn, thân thiện. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về phòng chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông.

Gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc của Chính phủ đến tất cả các gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị mỗi người hãy cùng chia sẻ, cùng chung tay xoa dịu những nỗi đau mà TNGT đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình của họ.

“Hãy vì niềm xót thương những người đã mất mà hành động vì sự an toàn của những người đang sống”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh và khán giả trường quay dành một phút tưởng niệm nạn nhân của TNGT - Ảnh Tạ Hải

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh và khán giả trường quay dành một phút tưởng niệm nạn nhân của TNGT - Ảnh Tạ Hải

Đường phố tạm nghỉ ngơi còn con người thì không

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi ngày, khi ra đường vẫn có những người không trở về nhà, hành trình của họ, của người thân thêm nhiều những giọt nước mắt. Nhưng tất cả những điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta coi mỗi người cùng đi trên đường là những người bạn đường, cùng nhau đi hành trình của mỗi người một cách có văn hóa. Đây là thông điệp của Người bạn đường năm 2021.

Xuyên suốt chương trình Người bạn đường nổi bật là tôn vinh sự hy sinh, công hiến của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kép vừa làm công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo ATGT. Bên cạnh đó là sự đóng góp của những tình nguyện viên, doanh nghiệp hỗ trợ người dân, địa phương chống dịch bằng những chuyến xe 0 đồng.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ và tiêu cực lên mọi mặt đời sống xã hội. Giao thông cũng không ngoại lệ. Nhiều tháng giãn cách xã hội, đường sá thông thoáng hơn, tai nạn giao thông giảm đáng kể, tuy nhiên các lực lượng chức năng vẫn phải căng mình làm việc vừa thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATGT vừa thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Đường phố tạm nghỉ ngơi còn con người thì không, đặc biệt là các lực lượng chức năng. Họ vừa phải trực chốt, đảm bảo ATGT và chống dịch.

Những hy sinh thầm lặng

Đã có rất nhiều câu chuyện về những nỗ lực, cố gắng của lực lượng CSGT được ghi nhận trong suốt thời gian qua.

Từ ngày 5/10, sau khi nhiều tỉnh thành phía Nam nới lỏng giãn cách, nhiều người dân bắt đầu rời nơi làm việc, sinh sống ở vùng dịch tự phát trở về quê. Mỗi ngày số lượng người trở về đi trên xe máy lên tới cả ngàn người.

Khoảng 22h30 đêm 6/10, hàng ngàn người hồi hương với hàng trăm xe máy đã được CSGT dẫn đoàn chạy trong hầm đường bộ Hải Vân dài 6km để về tỉnh Thừa Thiên Huế.

Là một trong lực lượng tuyến đầu chống Covid-19, các cán bộ, chiến sĩ đã phải căng mình để “chiến đấu” quả cảm với đại dịch, có những cán bộ, chiến sĩ đã “ngã xuống” vì bình yên của nhân dân.

Các đại biểu và khán giả trường quay dành một phút tưởng niệm nạn nhân của TNGT - Ảnh Tạ Hải

Các đại biểu và khán giả trường quay dành một phút tưởng niệm nạn nhân của TNGT - Ảnh Tạ Hải

Đơn cử vào đêm 2/8, truy đuổi một thanh niên vì hành vi chống người thi hành công vụ, thượng úy Phan Tấn Tài (29 tuổi, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6, TP.HCM) đã bị người này ép ngã và hy sinh vào tối cùng ngày.

Gần đây nhất, 28/10, sau ca trực tại chốt kiểm dịch, trên đường về nhà, nữ bác sĩ Y Bre (41 tuổi, ở P.Lê Lợi, TP.Kon Tum) gặp tai nạn và tử vong. Bác sĩ Y Bre là Trạm phó Trạm y tế xã Chư Hreng (TP.Kon Tum) tham gia trực tại chốt kiểm soát dịch Sao Mai đã 4 tháng nay.

Thiếu tá Phạm Minh Quân, cán bộ đội CSGT số 14 chia sẻ, điều ấn tượng nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch là tình cảm của người dân đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại đây. Nhiều người dân đã tiếp tế lương thực cho lực lượng làm nhiệm vụ. Những tình cảm đó giúp anh em làm nhiệm vụ giảm bớt mệt mỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

"Nhiều lúc nhớ con, muốn được ôm con vào lòng nhưng để gia đình an toàn và thực hiện nhiệm vụ. Bệnh dịch có qua đi mỗi gia đình mới có hạnh phúc trọn vẹn, sự nhớ nhung chỉ gửi gắm qua các cuộc điện thoại", Thiếu tá Quân nói.

Và có rất nhiều những người bạn đường khác vẫn phải di chuyển trong những ngày này, đảm bảo mạch giao thông phục vụ kinh tế xã hội, chở hàng cứu trợ hay để giúp đỡ đồng bào trong gian khó.

Và sự hỗ trợ nhiệt thành

Nhiều doanh nghiệp cũng hỗ trợ những chuyến xe đón công dân về quê, hỗ trợ chống dịch của các địa phương chống dịch. Tiêu biểu như Công ty Phương Trang cung cấp các chuyến xe đưa đón các đoàn tình nguyện hỗ trợ TP.HCM chống dịch, vận chuyển bệnh nhân F0 và đưa y bác sĩ đi làm nhiệm vụ. Công ty Mai Linh hoán cải xe taxi thành xe cấp cứu hỗ trợ chở bệnh nhân.

Với ý tưởng muốn sử dụng phương tiện lúc rảnh rỗi để chở miễn phí những bệnh nhân nghèo vừa xuất viện từ Hà Nội về các tỉnh, cặp vợ chồng Nguyễn Bình Minh - Đào Thu Mai, trú tại phố Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) cùng một số bạn trẻ thiện tâm đã thành lập nhóm “Những chuyến xe yêu thương” trên mạng xã hội facebook.

Nhóm đã có hơn 200 thành viên hoạt động thường xuyên và trong những ngày tháng Covid-19 căng thẳng, nhóm đã hỗ trợ xét nghiệm PCR, thủ tục đi lại và chuyên chở nhiều chuyến xe miễn phí cho các bệnh nhân.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2021 là năm đặc biệt, Việt Nam cùng thế giới đối diện tác động “vô tiền khoáng hậu” đến mọi mặt đời sống, thay đổi nhu cầu giao thông, tác động văn hóa tham gia giao thông.

Những người tham gia giao thông giãn cách nhau hơn, việc tham gia giao thông công cộng cũng trật tự hơn. Bên cạnh việc người đi xe máy đội mũ bảo hiểm, ai cũng đeo khẩu trang. Ủy ban ATGT Quốc gia thêm thông điệp đi mô tô, xe máy bên cạnh việc đội mũ bảo hiểm cần đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, cũng có những tác động tiêu cực, một bộ phận người dân tin rằng lực lượng chức năng đang bận làm công tác phòng chống dịch, không xử lý nên đã tham gia giao thông một cách tự do, uống rượu bia tham gia giao thông, đã xảy ra một số vụ tai nạn, vẫn còn có hiện tượng thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngã vào gầm xe đầu kéo, 2 thiếu niên tử vong thương tâm

Ngã vào gầm xe đầu kéo trên QL 1A sau va chạm, 2 thiếu niên 14 tuổi tại Lạng Sơn tử vong thương tâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Duy ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN