Tướng Nhanh nói về “hiệp sĩ đường phố”

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh chia sẻ một số vấn đề liên quan đến mô hình “hiệp sĩ đường phố” tại một số tỉnh phía Nam.

Sau khi các "hiệp sĩ" tại Bình Dương bị Công an triệu tập cách đây không lâu, nhiều ý kiến đặt ra về mô hình “hiệp sĩ đường phố” này. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội, người từng đưa ra mô hình phối hợp “liên quân” 141 rất hiệu quả ở Hà Nội.

Cũng như những lần trước, Tướng Nhanh đều từ chối, không muốn trả lời phỏng vấn vì ông nói rằng mình đã nghỉ hưu. Tuy nhiên ông thừa nhận, “rất nể” báo chí. Nên sau nhiều lần phóng viên liên hệ, ông đã tiếp chúng tôi tại Câu lạc bộ Thể thao – nơi hàng ngày ông vẫn đến tập thể dục.

Thưa Trung tướng, ông đánh giá thế nào về mô hình hoạt động của các “hiệp sĩ đường phố” ở một số tỉnh phía Nam thời gian qua?

Hiệp sĩ đường phố hay CLB phòng chống tội phạm thực chất đều là phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chính phủ đã có Nghị định và Bộ Công an hàng năm đều có kế hoạch chỉ đạo phong trào này.

Tướng Nhanh nói về “hiệp sĩ đường phố” - 1

 Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, nguyên GĐ Công an TP. Hà Nội

Chúng ta đều biết, sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc muốn thành công, dứt khoát phải có sự đóng góp của cộng đồng, của mỗi người dân trong đó lực lượng công an là nòng cốt.

Khi tôi là GĐ Công an TP. Hà Nội, đã chỉ đạo công an các quận huyện tập trung xây dựng ở cấp phường những đội tự phòng, tự quản để hỗ trợ công an cấp phường cấp quận trong việc phát hiện, vây bắt tội phạm. Tổ chức những đội giống với mô hình săn bắt cướp tự nguyện, hiệp sĩ đường phố như ở các tỉnh thành phía Nam. Và trên thực tế đều phát huy hiệu quả.

Có ý kiến cho rằng, đã có công an là lực lượng chuyên nghiệp đấu tranh tội phạm, tại sao còn phải có mô hình hiệp sĩ?

Như tôi nói ở trên, lực lượng công an là nòng cốt nhưng không thể thiếu tai mắt của người dân. Không thể thiếu được sự đóng góp của người dân. Cho nên tôi đánh giá phong trào quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm là hết sức quan trọng.

Chúng ta không nên đặt vấn đề chuyên nghiệp hay phong trào quần chúng. Bởi lực lượng chuyên nghiệp làm việc của chuyên nghiệp, nhưng nhân dân cũng phải được động viên để tham gia phong trào phòng chống tội phạm.

Nhiều người vẫn biết, ông là "cha đẻ" của Kế hoạch 141 do Công an Hà Nội thực hiện và thu được kết quả tốt. Phải chăng, chúng ta nên nhân rộng mô hình này sẽ phát huy hiệu quả hơn là hiệp sĩ đường phố, một lực lượng thiếu chuyên nghiệp?

Không nhất thiết các địa phương đều triển khai như nhau. Và cũng tùy thời điểm, tùy theo tình hình từng tỉnh, thành phố có thể vận dụng.

Sở dĩ Hà Nội thành lập lực lượng 141 bởi lúc đó xuất hiện nhiều đối tượng càn quấy trên đường phố, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm thậm chí mang dao kiếm, mã tấu, súng. Khi va chạm giao thông, các đối tượng này sẵn sàng manh động, gây án, sẵn sàng gây ra những vụ giết người thương tâm. Và chúng sẵn sàng chống lại lực lượng CSGT. Mỗi năm xảy ra mấy trăm vụ chống đối CSGT. Với tình hình như vậy, nên buộc phải thành lập lực lượng thực hiện kế hoạch 141.

Lúc đó chúng tôi nghĩ, nếu một mình lực lượng CSGT không kham nổi. Nên phải đưa thêm CSCĐ, CSHS vào cuộc. Mỗi lực lượng có một nghiệp vụ riêng. Khi kết hợp đã tạo nên sức mạnh. Sau một năm, kế hoạch 141 đã đem lại niềm tin cho người dân và trở thành nỗi khiếp sợ cho bọn tội phạm.

Nếu thời gian tới mà tình hình an ninh trật tự tốt hơn, không còn những kẻ đua xe, côn đồ trên đường phố nữa, thì mô hình hoạt động 141 có thể không cần thiết. Chứ không nhất thiết tỉnh này có thì tỉnh kia cũng phải có.

Thời gian qua, đặc biệt là sau vụ việc hiệp sĩ Bình Dương, nhiều người cảm thấy dường như hiệp sĩ đường phố, những người trong phong trào quần chúng, đang làm thay việc của công an. Ông nghĩ sao về điều này?

Hiệp sĩ đường phố hay các đội nhóm trong phong trào quần chúng không thể làm thay nhiệm vụ của công an được. Họ không thể ra ngoài đường chặn xe ô tô, kiểm tra giao thông, kiểm tra tràn lan. Lực lượng này không thể ra chặn bắt người nọ người kia. Điều đó là không được!

Họ chỉ có tính chất hỗ trợ lực lượng công an. Ví dụ, có thể hỗ trợ công an phường, cảnh sát hình sự bí mật phục kích trên một địa bàn nào đó. Khi phát hiện cướp giật, họ cùng lực lượng công an truy đuổi, hỗ trợ vây bắt, áp giải. Nếu họ làm thay công an là vi phạm pháp luật.

Theo ông, nên triển khai như thế nào để mô hình hiệp sĩ cũng như các CLB phòng chống tội phạm mang lại hiệu quả cao mà không vi phạm pháp luật?

Theo tôi, cần huấn luyện cho lực lượng này kỹ năng vây bắt tội phạm. Ví dụ hướng dẫn cách phát hiện những đối tượng nghi vấn, truy đuổi như thế nào? phối hợp với lực lượng công an ra sao?

Ngoài ra, phải trang bị cho họ kiến thức pháp luật để trong quá trình vây bắt tội phạm, họ có đủ chứng cứ xứ lý và bản thân họ không trở thành kẻ phạm tội.

Sau cùng, mô hình ấy phải được quản lý thế nào? Ai là người quản lý? Điều đó phải được hợp thức bằng văn bản của nhà nước chứ không phải là ngẫu hứng mà tự thành lập ra rồi để mặc người ta tự quản lý. Ngay cả lực lượng 141 của Hà Nội chúng tôi vẫn luôn phải kiểm soát chặt chẽ, tháng nào cũng phải họp giao ban, rút kinh nghiệm. Bởi chỉ cần thiếu sự phối hợp, làm sai thì thành tích không thấy đâu mà lại rất tai tiếng, mất danh dự.

Xin cảm ơn Trung tướng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN