Tương lai u ám chờ đợi Snowden ở Nga

Ngay cả khi được tị nạn tạm thời ở Nga, Snowden sẽ phải đối mặt với một tương lai u ám, và có thể sẽ "không làm nên trò trống gì" ở đất nước này.

Những xét nghiệm kiểm tra HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục, một chiếc giường tại một nhà trọ tị nạn tỉnh lẻ và một chút cơ hội kiếm được công ăn việc làm tử tế, đó là những gì đang chờ đợi cựu nhân viên NSA Edward Snowden khi anh này được phép rời khỏi sân bay Sheremetyevo bằng quy chế tị nạn tạm thời.

Ngày 29/7, trên các tờ báo xuất bản ở Nga tràn ngập những bài viết và bình luận đưa ra những dự đoán về tương lai của “kẻ phản bội nước Mỹ” ở trên đất Nga.

Tương lai u ám chờ đợi Snowden ở Nga - 1

"Kẻ phản bội nước Mỹ" Edward Snowden

Những bài báo này đưa ra nhận định rằng thay vì lựa chọn phải đưa quyết định về việc dẫn độ Snowden về Mỹ hay chấp nhận đơn xin tị nạn tạm thời của anh này, Moscow đang cố tình kéo dài thời gian với hy vọng chính Snowden sẽ đưa ra quyết định chấm dứt tình cảnh bế tắc kéo dài cả tháng trời của anh tại khu quá cảnh sân bay Sheremetyevo.

Sau khi đặt chân đến Nga hôm 23/6, Snowden đã bị Mỹ hủy bỏ hộ chiếu, và anh này không thể đi qua cửa kiểm soát sân bay để vào Nga, cũng không thể mua vé để đi bất cứ nơi nào khác.

Tờ Russia Today bình luận: “Snowden đã sống tại khu quá cảnh Sheremetyevo hơn một tháng, và hiển nhiên việc thiếu không khí trong lành, chế độ ăn uống kham khổ và không được tự do đi lại đã gây cho anh ta rất nhiều căng thẳng.”

Bài báo cho rằng ngay cả khi đơn xin tị nạn tạm thời của Snowden được chấp nhận, “anh ta sẽ phải trải qua cuộc kiểm tra y tế đặc biệt dành cho người nhập cư, trong đó có xét nghiệm kiểm tra HIV, bệnh lao, bệnh phong và các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Snowden sẽ phải đăng ký địa chỉ thường trú với cảnh sát và sẽ bị buộc phải tìm một phòng trọ trong khu dành cho người tị nạn ở khu vực cách xa thủ đô Moscow.

Luật sư nhân quyền Elena Ryabinina cho biết: “Ở Moscow không có khu tị nạn nào như vậy, còn các khu tị nạn ở gần đó lại đang tràn ngập những người Syria bỏ xứ.” Luật sư này cho biết khu tị nạn gần nhất dành cho Snowden có lẽ là Perm, cách Moscow gần 1000 km, nơi có những nhà tù khét tiếng nhất ở Nga.

Bức tranh về viễn cảnh ảm đạm của Snowden trong việc đi lại và ăn ở càng thêm xám xịt trước tuyên bố của Cục Di trú Liên bang Nga, cơ quan đang xem xét đơn xin tị nạn tạm thời của anh.

Theo đó ông Vladimir Volokh, người phát ngôn của cơ quan này cho biết: “Tôi không nghĩ rằng việc đi lại tự do trên đất Nga là điều tốt cho Snowden vì anh ta là người đang bị phía Mỹ truy nã”, đồng thời nhận định rằng an toàn của Snowden sẽ không được đảm bảo bên ngoài sân bay.

Đây là câu nói ám chỉ việc các đặc vụ Nga không thể bảo vệ được cho Snowden trước các chiến dịch kiểu CIA do những nghi phạm khủng bố thực hiện trên đường phố.

Đồng thời bài báo này cũng chỉ ra rằng những điệp viên đào tẩu từ thời Liên Xô và đến tị nạn ở Nga đều phải chịu số phận hẩm hiu.

Nhắc lại về những điệp viên hai mang của Anh đào tẩu đến Moscow vào thập niên 1960, bài báo này viết: “Kim Philby và Guy Burgess đã nốc rượu đến chết trong những căn hộ được nhà nước phân cho, chờ đợi một cuộc cách mạng thế giới không bao giờ xảy ra.”

Hãng Itar-Tass cũng đưa ra những cảnh báo tương tự khi dẫn lời những người đứng đầu ngành công nghệ thông tin Nga về triển vọng việc làm của Snowden trong lĩnh vực phân tích dữ liệu nếu như anh này được ra khỏi sân bay. Theo đó các công ty IT vốn ít nhiều có liên quan đến các cơ quan an ninh và tình báo Nga sẽ “không vội vàng tạo công ăn việc làm” cho cựu nhân viên NSA này.

Bà Yelena Semenova, phó giám đốc quản lý nhân sự công ty Informzaschchita, một công ty về thông tin quốc phòng cho biết: “Nguy cơ của việc tuyển dụng Snowden là việc anh này đã từng thể hiện sự bất trung với người tuyển dụng.”

Các công ty công nghệ hàng đầu khác ở Nga cho hay họ chưa biết gì về trình độ của Snowden, và tất cả những gì họ biết về anh này là những gì mà anh tiết lộ bất chấp các quy định an ninh trong công việc mà anh này làm cho nhà thầu Booz Allen Hamilton của NSA ở Hawaii.

Nhà phân tích chính trị Fyodor Lukyanov cho rằng Snowden bị mắc kẹt ở sân bay “bởi anh ta đã mắc bẫy”. Ông này nhận định: “Nhiều khả năng phần đời có ý nghĩa nhất của Snowden đã trôi qua sau lưng, và rất có thể Snowden sẽ chẳng làm nên trò trống gì ở Nga.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo LATimes) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN