Tương lai nữ sinh vỡ vụn sau cú tông xe của “ma men”

Sự kiện: Tin nóng

Từ một nữ sinh xinh xắn, đầy hoài bão trong tương lai bỗng chốc trở thành người thực vật nằm một chỗ, cười nói ngây dại…

Cháu Trần Thị Lê Na trở thành người sống thực vật sau cú tông xe của ‘’ma men’’

Cháu Trần Thị Lê Na trở thành người sống thực vật sau cú tông xe của ‘’ma men’’

Cú tông xe của “ma men” đã để lại hậu quả khó có thể đong đếm.

Gặp nạn trên đường đi học

Những ngày cuối tháng 12/2020, không khí Giáng sinh tràn ngập mọi gia đình, khu dân cư người công giáo ở Tổ dân phố 6, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng, ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Trần Sỹ Hoài (45 tuổi, Tổ dân phố 6) vẫn như mọi ngày, không cây thông, không đèn trang trí và cũng chẳng có nến…

Hỏi ra mới biết gia đình anh đã thật sự khánh kiệt sau 2 năm chạy vạy khắp nơi chữa trị cho cô con gái đầu là Trần Thị Lê Na (16 tuổi) bị TNGT. Và cũng bởi, anh không còn tâm trí để trang trí nhà cửa khi mấy ngày qua trời chuyển rét đậm, rét hại, con gái kêu đau mỏi khắp người, vợ chồng anh phải thay nhau ngồi bên xoa bóp.

Nhìn con gái nằm một chỗ, chân tay co quắp, cười nói ngây dại, hai dòng nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt người đàn ông kham khổ. Anh kể trong nước mắt, gia đình anh có 3 người con (2 gái, 1 trai), hàng ngày anh làm bốc vác ở ga Yên Trung, còn vợ bán rau củ quả ngoài chợ.

Kinh tế tuy không khá giả nhưng cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc, các con chăm ngoan học giỏi. Thế rồi, ngày 13/4/2018, tai ương bỗng đâu ập xuống gia đình anh.

“Lúc đó khoảng 19h, cháu Na được bạn chở đi học thêm. Khi đi đến trước ga Yên Trung thì bị một thanh niên trong xóm uống rượu về tông từ phía sau. Nghe tin, tôi chạy ra thì người ta đã đưa cháu xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. Chiều hôm đó, đóng tiền điện thừa 50.000 đồng, tôi cho cháu để đi học thêm, thèm ăn gì thì mua. Nào ngờ đó là lần cuối cùng con gái còn tỉnh táo để gặp cha…”, anh Hoài nghẹn ngào.

Sau khi được đưa xuống bệnh viện huyện, Lê Na được giới thiệu chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An rồi chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để tiếp tục điều trị. “Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị chết 1/3 não. Dù được nhiều chuyên gia kiểm tra nhưng tất cả đều lắc đầu”, anh Hoài kể tiếp.

Tương lai vỡ vụn

Căn nhà nhỏ của gia đình anh Trần Sỹ Hoài nằm ngay phía trong chân đê sông La đoạn qua cầu đường sắt Thọ Tường. Mang tiếng là sống ở thị trấn nhưng trong nhà anh Hoài không có một thứ gì giá trị.

Căn nhà lợp bằng ngói bờ rô xi măng cũ nát, hễ mưa là dột. Sau đợt mưa lũ vừa qua, ông chủ nơi anh Hoài làm bốc vác thương tình cho xi măng, anh gọi một người bạn về giúp sửa sang lại gian phía trên cao. Gian dưới thấp phía sau chưa có tiền nên vẫn để nguyên như cũ.

Nói là gian nhà phía sau nhưng thực chất đến tường nhà cũng không có, mà chỉ được quây bằng tôn. Hai phòng ngủ (1 trên cao, 1 dưới thấp) chỉ rộng khoảng hơn 10m2 cũng được quây lại bằng tôn. Phòng dưới thấp để dành cho Lê Na nằm, còn phòng phía trên thì cả nhà (vợ chồng anh Hoài và 2 con nhỏ) nghỉ ngơi.

Anh Hoài kể, trước khi Lê Na gặp nạn khoảng 3 tháng, anh bàn với vợ đem số tiền tích cóp được từ trước tới nay rồi vay thêm bạn bè sửa lại nhà cửa. Trước là để thoát khỏi cảnh ngồi trong nhà hứng nước ngày mưa, thứ nữa các con lớn rồi có chỗ để sinh hoạt.

Ý định chưa kịp thực hiện thì con gái đầu gặp tai nạn, mọi tiền bạc trong nhà cũng theo con mà đi. Túng quá, nhà chưa làm được bìa đỏ, anh Hoài nhờ bạn thế chấp vay thêm 150 triệu đồng để chữa trị cho con, hy vọng có thể vớt vát.

Thế nhưng, khoảng 700 triệu đồng đổ vào, con gái vẫn chỉ nằm một chỗ, mọi hoạt động từ ăn uống, vệ sinh đều phải nhờ người thân giúp đỡ.

Vừa rồi, nghe có thầy ở trong Quảng Trị giỏi, gia đình khăn gói vào tìm, cả tiền điều trị, ăn ở mỗi ngày 1 triệu đồng. Sau 50 ngày điều trị, các khớp chân tay Lê Na có tiến triển tốt hơn nhưng tiền cạn, gia đình lại phải đưa em về.

Vừa xoa bóp cho con, chị Nguyễn Thị Loan (42 tuổi, mẹ Lê Na) nói trong nước mắt: “Tiền mất còn có thể kiếm được nhưng tương lai của cháu thì đã mất hoàn toàn rồi. Giờ chúng tôi chỉ ước con có thể ngồi dậy, đi lại và tự vệ sinh cá nhân… nhưng sao khó quá”.

Chị Loan cho biết thêm, kể từ khi con gái đầu gặp nạn, cuộc sống gia đình bị xáo trộn hoàn toàn. Vợ chồng chị không thể đi đâu xa, công việc cũng phải tranh thủ được một lúc rồi chạy về để nấu ăn, xoa bóp, vệ sinh cho con.

Hai em của Lê Na (em gái học lớp 9, em trai học lớp 3) ngày càng lớn, tiền học hành, chi tiêu ngày một nhiều nên cuộc sống gia đình càng túng quẫn hơn.

Gia đình thanh niên gây tai nạn cho Lê Na cũng nghèo nên chỉ đến thăm hỏi, quà cáp chẳng đáng bao nhiêu. Bản thân gia đình chị Loan cũng không yêu cầu họ bồi thường.

Nghe vợ kể chuyện, anh Hoài tiếp lời: “Công việc bốc vác của tôi vốn đã bấp bênh, nay dịch Covid-19 lại càng ít việc. Những ngày có việc thì cũng chỉ tranh thủ được một lúc là phải chạy về với con. Việc buôn bán của vợ cũng vậy, bán ở chợ mà chỉ tranh thủ được quá trưa và tối, những giờ còn lại phải ở nhà chăm cho con. Hậu quả mà gia đình tôi phải gánh là quá lớn, mong mọi người hãy nhìn vào đó để khi uống rượu rồi thì tuyệt đối không lái xe. Xin đừng phá nát tương lai của con trẻ, đừng để khi chuyện đã rồi thì có hối hận cũng đã quá muộn màng…”.

2 mẹ con gào khóc bên người thân bị tai nạn dưới trời mưa

Chứng kiến cảnh chồng, cha bị tai nạn giao thông (TNGT) tử vong, hai mẹ con ngồi bệt xuống đường dưới trời mưa lạnh,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Hòa ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN