Tương lai nào cho "cặp vợ chồng rổ rá"

Anh chồng có đôi chân nhỏ như đứa trẻ lên ba từ khi mới sinh ra đến giờ. Tính ra, anh ta đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề ăn mày tại ngã tư Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang). Sẽ không có nhiều để nói nếu như người đàn ông tật nguyền này không gánh trên vai người vợ đang thoi thóp từng ngày và đứa con mới hơn 10 tuổi (bằng với tuổi nghề của anh ta).

Khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng anh Trần Văn Khiển (52 tuổi) và chị Nguyễn Thị Tuyên (43 tuổi) ở thôn Tân Giáp, xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang, thì Khiển đi vắng, chỉ có bà mẹ già gần 80 tuổi đang loay hoay bán hàng tạp hóa ở cửa hàng nhỏ.

Bà bảo: Không có cửa hàng này thì chết đói lâu rồi. Số tôi số khổ, chừng ngày tuổi vẫn phải còng lưng lo cho con, cho cháu. Còn vợ Khiển, chị Tuyên đang ngồi co ro trên chiếc giường trong căn phòng nhỏ. Dáng người gầy đét, gương mặt hốc hác, lộ rõ sự mỏi mệt.

Tương lai nào cho "cặp vợ chồng rổ rá" - 1

Anh Trần Văn Khiển với đôi chân teo tóp, đi ăn xin ở trị trấn Đồi Ngô, Bắc Giang

Những ngày này giọng nói chị đứt quãng không ra hơi. Mọi sinh hoạt gói gọn trong căn phòng ước chừng bằng manh chiếu. Mùi tanh hôi bốc lên đến lợm giọng. Chiếc ảnh chụp sẵn treo ở đầu giường theo phong cách "ảnh thờ" càng làm cho người ta có cảm giác thần chết đang lơ lửng trên đầu chị.

Tôi hỏi chuyện, nhưng cố gắng lắm cũng không thể hiểu được chị muốn nói gì. Tất cả chỉ là những thanh âm hỗn độn phát ra từ cổ họng. Ánh mắt yếu ớt gắng gượng nhìn vào người khách lạ với vẻ tuyệt vọng. Dường như chị hiểu những điều tôi hỏi, nhưng bất lực trong việc diễn đạt cho tôi hiểu.

Tương lai nào cho "cặp vợ chồng rổ rá" - 2

Mẹ anh Khiển chắt chiu từng đồng

Mẹ của anh Khiển kể: Vợ nó chục năm nay có làm ăn gì được đâu. Tất cả sinh hoạt là nhờ đứa em dâu bế đi hầu hạ tắm rửa, cơm nước. Không có nó thì tôi chết. Tuổi này tôi không hầu được. Chồng nó bị tật từ lúc mới sinh ra. Quê gốc tôi ở mãi tận Đông Giao, Hải Dương. Năm đó tôi sinh ngược, đẻ được gần tuần thì cả nhà dắt díu lên đây khai hoang. Cũng không nghĩ gì đến việc chữa trị nên chân nó cứ quắt queo từ đó đến giờ.

Hai vợ chồng anh Khiển quen nhau cách đây 11 năm. Anh ăn xin ở chợ Đồi Ngô, còn Tuyên ở tận Vĩnh Phúc cũng lưu lạc đến Đồi Ngô, làm nghề bán hàng sáo ở chợ. Người ta thương cảnh hai đứa một mình, liền dắt mối, thế là hai người nên đôi. Ngày đầu đưa Tuyên về ra mắt, mẹ Khiển nằng nặc chối đây đẩy. “Ngày nó đưa về, tôi thấy tay chân co quắp, bê thau nước cứ run bần bật, rồi đánh đổ lênh láng. Tôi mới bảo “Không lấy được đâu. Người này về không làm ăn gì được đâu”.

Tương lai nào cho "cặp vợ chồng rổ rá" - 3

Chị Nguyễn Thị Tuyên, người vợ bệnh tật của anh

Thế rồi anh chị cũng lấy nhau, gia đình và người làng cũng đành tặc lưỡi "Nồi tròn vung tròn, nồi méo vung méo. Nào muốn gì hơn nữa". Từ đó, anh chị thành vợ thành chồng. Hai con người không lành lặn những tưởng sẽ có thể hợp thành một gia đình hoàn hảo. Nhưng trời chả chiều theo lòng người. Ngày ấy chị vợ dù quặt quẹo, khoèo tay nhưng còn đi lại được. Ấy thế mà 1 năm sau khi sinh đứa con đầu lòng, chị gần như liệt hẳn. Miệng lắp bắp không nói nổi một câu trọn vẹn. Đứa con một tay nhờ chị em trong nhà nuôi giúp. Hồi đó, ông nội còn sống, đặt tên cho đứa bé trai là Trần Văn Được. Bà mẹ của anh giải thích ý nghĩa cái tên đơn giản rằng “thì nhặt được mẹ nó rồi sinh được nó, nên đặt cho là Được”. Nghe qua cứ man mác như thời “Vợ nhặt” của Kim Lân.

Năm nay thằng cu Được đã 10 tuổi. Bà mẹ anh Khiển bảo: Nó thông minh lắm, nhưng mà nghịch ngợm. Học lớp 6 rồi nhưng không được giấy khen vì nghịch quá”.

Khi chúng tôi đến, Khiển vẫn “đi làm”. Nói đi làm cho sang, chứ thực ra anh vẫn ngày ngày vượt hơn 20 cây số từ nhà lên Đồi Ngô ăn xin để lo cho cái gia đình cùng cực ấy. Cứ buổi sáng, đứa cháu trai lại chở anh đi làm bằng xe máy, rồi chiều tối lại nhọc nhằn lăn xe về.

Rời căn nhà nhỏ, chúng tôi tìm đến ngã tư Đồi Ngô để gặp anh Khiển khi nắng lên đến đỉnh đầu. Loanh quanh mãi ở Đồi Ngô, chúng tôi mới gặp được anh. Anh đang len lỏi tại một quán chè bên vỉa hè. Thân hình ngắn ngủn lọt thỏm giữa những hàng ghế san sát nhau. Anh di chuyển trên chiếc xe lăn người ta chế riêng cho, mà anh mua với giá 1 triệu. Cứ thế thay cho đôi chân, anh lê lết hết đoạn đường.

Tương lai nào cho "cặp vợ chồng rổ rá" - 4

Anh Khiển lao ra đường ăn xin với chiếc xe tự chế

Đôi chân teo tóp vắt gọn gàng trên chiếc xe lăn nhỏ nhắn. Trong chiếc mũ cối để phía trước xe, chỉ nhõn vài đồng tiền lẻ. Giọng nói của anh như người đầy lưỡi cũng khiến chúng tôi khó có thể nghe hết được. Anh vừa nói vừa dùng đôi tay ra dấu để phụ họa cho tôi hiểu: Mỗi ngày ăn xin thế này, ít thì được dăm chục, nhiều thì 100 nghìn đồng. Vợ thì bệnh tật thế, anh cũng chẳng giúp gì được nhiều. Chỉ biết đi xin để mỗi tháng có tiền mua thuốc cho vợ, rồi cho con đi học. Anh bảo: Vẫn thương vợ lắm! Nhưng không biết vợ bị bệnh gì. Đưa đi khám thì bảo bị bệnh tâm thần. Cứ 16 hàng tháng lại đi lấy thuốc về uống cho qua ngày. Chẳng biết có khỏi được không mà sức thì cứ yếu dần đi.

Chúng tôi để lại ít tiền vào chiếc mũ cối, anh Khiển gật gật tỏ ý cảm ơn, rồi lại “xỏ” dép vào tay làm điểm tựa lăn xe đi tiếp. Anh lao xe xuống con đường nhựa, rồi thận trọng lách giữa hàng xe ô tô vun vút lao tới để qua được phía vỉa hè bên kia, tiếp tục cuộc kiếm cơm trong 1 ngày nắng như đổ lửa. Chắc chẳng mấy người biết, người đàn ông tội nghiệp này đang chở thêm cả một gia đình với nỗi lo chưa bao giờ đầy hơn thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN