Tướng không quân: "Nhói đau trái tim quân nhân"

“Dù thiết bị có tối tân đến đâu nhưng trong thực tiễn khi bay vẫn tồn tại những yếu tố bất thường có thể ảnh hưởng đến hiệu suất bay, cũng như độ an toàn của tổ bay”, Trung tướng – Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ.

Tướng không quân: "Nhói đau trái tim quân nhân" - 1

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt – Nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng PK-KQ. Ảnh: Cao Tuân

Trong hai ngày 14 và 16/6, lần lượt hai máy bay tiêm kích Su-30 MK2 số hiệu 8585 và máy bay tuần thám biển CASA-212 mang số hiệu 8983 bị mất tích trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ khiến hàng triệu trái tim người Việt bàng hoàng và cùng nguyện cầu điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Hiện tại, cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện và đưa vào bờ thi thể của phi công, thượng tá Trần Quang Khải – người lái chiếc máy bay Su-30 MK2 để về quê an táng.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt – Nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) bày tỏ sự chia buồn sâu sắc tới gia đình phi công Trần Quang Khải – người đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện.

Từng tham gia chiến đấu từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tướng Phiệt cho biết, đối với mỗi người lính PK-KQ, trước khi chuẩn bị bước vào nhận nhiệm vụ mới đều xác định tư tưởng phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, cho dù là nhiệm vụ chiến đấu hay huấn luyện chiến đấu cũng như tìm kiếm cứu nạn.

"Sự cố xảy ra đối với chiếc máy bay SU-30 MK2, CASA-212 cùng với số phận của 10 cán bộ, chiến sĩ trên đó là vô cùng đáng tiếc và khiến nhói đau trái tim của quân nhân cùng người dân Việt Nam. Các anh đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ”, ông nói.

Tướng không quân: "Nhói đau trái tim quân nhân" - 2

Phi công, Thượng tá Trần Quang Khải sinh năm 1971 ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Anh là Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn 371. Ảnh: BQP

Tướng Phiệt cũng nhấn mạnh, Su-30 MK2 là dòng máy bay tiêm kích hiện đại do Nga sản xuất và được bàn giao cho Việt Nam từ năm 2015 để tiến hành bay huấn luyện chiến đấu.

Dù thiết bị có tối tân đến đâu nhưng trong thực tiễn khi bay vẫn tồn tại những yếu tố bất thường có thể ảnh hưởng đến hiệu suất bay, cũng như độ an toàn của tổ bay.

Riêng đối với máy bay tuần thám biển CASA-212, tướng Phiệt cho hay, dù thuộc biên chế của lực lượng Cảnh sát biển nhưng việc huấn luyện bay và bố trí phi công vẫn do Lữ đoàn không quân 918 đảm nhận.

Tướng không quân: "Nhói đau trái tim quân nhân" - 3

Một chiếc Su-30 MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: BQP

Đồng thời, vị tướng PK-KQ khẳng định: “Tác chiến trên không khác hoàn toàn so với trên mặt đất bởi còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Trước khi bay khoảng 30 phút, đều phải tổ chức bay trinh sát khí tượng trước, nhất là trong bay huấn luyện. Còn trước đây, khi có chiến tranh và yêu cầu cần kíp thì đôi khi phải bay luôn chứ không thể có thời gian để bay trinh sát như hiện nay”.

Tướng không quân: "Nhói đau trái tim quân nhân" - 4

Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng tập hợp các mảnh vỡ của máy bay CASA212 vớt được. Ảnh: BQP

“Hiện nhà chức trách đã tìm thấy thi thể phi công, thượng tá Trần Quang Khải bị dù cuộn chặt vào người. Có thể khi nhảy dù, anh Khải bị ngất và không kịp cắt dây dù để nhảy vào thuyền hơi cứu sinh như người đồng đội của mình nên đã hy sinh. Việc cần thiết bây giờ là khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn lại trên máy bay CASA-212 cùng với 2 chiếc hộp đen để đem phân tích các dữ liệu mới rõ được nguyên nhân vụ tai nạn”, tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ.

Diễn biến sự việc:

Ngày 14/6, Cục Cứu hộ, cứu nạn - Bộ Quốc phòng chính thức xác nhận máy bay Su-30 MK2 của Không quân Việt Nam gặp sự cố và mất liên lạc vào khoảng 7h50 sáng 14/6, khi đang hoạt động ngoài khơi tỉnh Nghệ An. Trên máy bay khi đó có 2 phi công.

Đến sáng 15/6, một tàu đánh cá đã phát hiện phi công Nguyễn Hữu Cường - 1 trong 2 phi công trên chiếc tiêm kích Su-30MK2. Trong buổi chiều cùng ngày, anh Cường được đưa về đất liền an toàn và lập tức tham gia tìm kiếm đồng đội là Thượng tá Trần Quang Khải.

Ngày 16/6, trong lúc tìm kiếm Thượng tá Khải, chiếc máy bay cứu nạn CASA 212 đã mất liên lạc. Thông tin mới nhất cho thấy máy bay này đã gặp nạn và chìm dưới biển cách khu vực đảo Bạch Long Vĩ khoảng 44 hải lý về phía Tây Nam. Hiện nay công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đang được các lực lượng chức năng nỗ lực tiến hành hết sức khẩn trương, hy vọng tìm thấy các cán bộ chiến sĩ một cách nhanh nhất.

Danh sách các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) trên máy bay CASA212 bị nạn:

1. Lê Kiêm Toàn - đại tá, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 (quê quán Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội).

2. Nguyễn Đức Hảo - thượng tá, phi đội trưởng Lữ đoàn 918 (quê quán Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội).

3. Nguyễn Văn Chính - thiếu tá, chính trị viên phi đội, Lữ đoàn 918 (Mỹ Hà, Bình Lục, Hà Nam).

4. Nguyễn Ngọc Chu - thiếu tá QNCN, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918 (Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Dương).

5. Lê Văn Đình - đại úy QNCN, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Hoành Bồ, Hạ Long, Quảng Ninh).

6. Đỗ Văn Mạnh - thượng úy QNCN, Phó đại đội trưởng kỹ thuật hàng không Lữ đoàn 918 (Bồ Sao, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

7. Lê Đức Lam - trung úy QNCN, nhân viên cơ giới trên không Lữ đoàn 918 (Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương).

8. Nguyễn Văn Thái - trung úy QNCN, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An).

9. Nguyễn Bá Thế - trung úy QNCN, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân – Đình Tuệ (Báo Gia đình & Xã hội)
Máy bay Su-30MK2 và CASA 212 gặp nạn trên biển Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN