Tướng Giáp - Người mà đối thủ cũng phải nể phục
"Tôi thấy ai cũng phục Đại tướng. Nhân dân thế giới nể phục, kẻ thù cũng khen người đã chiến thắng mình".
LTS: Mới đây, ông Nguyễn Văn Sự chuyển ngữ tác phẩm "Võ Nguyên Giáp – Chiến thắng bằng mọi giá" mà GS Sử học Cecil B. Currey – người Mỹ viết về Đại tướng. Sau khi đăng tải một số trích đoạn trong cuốn sách, nhiều độc giả băn khoăn về tên tác phẩm và nội dung đề cao Đại tướng của một nhà Sử học quân sự Mỹ – từng là đối phương trong trận chiến với Tướng Giáp. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Văn Sự. |
Chiến thắng bằng sự khôn ngoan, ít tổn hại nhất
Thưa ông! Có nhiều ý kiến không đồng tình với tên cuốn sách “Chiến thắng bằng mọi giá" bởi nó không phản ánh đúng con người Đại tướng. Ông nghĩ sao?
Bản thân tôi cũng không đồng tình với tên “Chiến thắng bằng mọi giá". Ai cũng hiểu rằng, Đại tướng là người quý trọng từng giọt máu của quân và dân nên sẽ không bao giờ dùng “mọi giá’ để chiến thắng. Vì khi ông Giáp đánh trận, biết khó thắng là không tiến.
Việc giữ tiêu đề ấy là việc tôn trọng tác giả và nguyên bản tác phẩm của GS Sử học Cecil B. Currey – người Mỹ viết về Đại tướng. Tuy nhiên, nguyên văn đầy đủ là: "Võ Nguyên Giáp - Thiên tài của Thế kỷ 20 - Chiến thắng bằng mọi giá".
Vậy theo ông, dưới góc nhìn của ông Currey tựa đề chiến thắng bằng mọi giá được hiểu thế nào?
Chiến thắng bằng mọi giá không có nghĩa là giành thắng lợi bằng bất cứ giá nào mà phải chiến thắng bằng sự khéo léo, khôn ngoan nhất, chiến thắng với sự hy sinh, tổn hại ít nhất. Đó chính là nghệ thuật quân sự của Đại tướng.
Theo ông, điểm đặc biệt tác giả này thể hiện trong cuốn sách là gì?
Tác giả, GS Sử học Cecil B. Currey là người Mỹ nhưng trong cuốn sách đã đề cao Võ Nguyên Giáp - người chiến thắng Đế quốc Mỹ. Đây là điều rất đáng ghi nhận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng tiếp ông ở nhà riêng 2 lần.
Ông Currey là Giáo sư lịch sử quân sự, từng giảng dạy 34 năm tại Đại học South Florida, Hoa Kỳ. Ông viết về Việt Nam từ những năm 1980. Ông là tác giả của nhiều đầu sách về lịch sử chiến tranh, quân đội Hoa Kỳ, và đặc biệt là cuộc chiến ở Việt Nam.
Dịch giả Nguyễn Văn Sự
Đối phương cũng phục Đại tướng
Ông có thể cho biết nguyên do nào ông tiếp cận được với cuốn sách và chuyển ngữ sang tiếng Việt?
Năm 1998, một người bạn ở Pháp tặng tôi một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi thấy hay quá, người Mỹ thua trận trong chiến tranh Việt Nam mà viết sách đề cao Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phải có lý của nó.
Tác giả là người Mỹ nhưng lại ca tụng Tướng Giáp - đối phương của quân đội Mỹ. Ngoài ra, cuốn sách có dấu ấn cá nhân của tác giả. Điều này làm nên sự khác biệt giữa rất nhiều ấn phẩm viết về Đại tướng.
Như ông nói, tác giả Currey có cách nhìn lịch sử Việt Nam khác người Việt?
Đúng, vì ông ta là người Mỹ nhưng vẫn đề cao chiến thắng của người Việt và tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, ông Currey cũng có những nhìn nhận, đánh giá khác biệt về lịch sử so với những gì trước đây chúng ta vẫn nghĩ. Tuy nhiên, theo tôi nên đọc cuốn sách với thái độ cởi mở, tiếp nhận cái mới song cũng cẩn trọng trước mỗi đánh giá của tác giả.
Là người dịch nhiều cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông thấy các tác giả nước ngoài đánh giá thế nào về Đại tướng?
Các tác giả nước ngoài đều ca tụng Đại tướng là nhà lãnh đạo tài năng, biết tổ chức, biết kiên nhẫn, ý chí bất khuất, thuyết phục hàng triệu đồng bào kiên nhẫn giành thắng lợi.
Đó là các tác giả, tôi thấy ai cũng phục Đại tướng. Nhân dân thế giới nể phục, kẻ thù cũng khen người đã chiến thắng mình.
Ông dịch nhiều sách về Đại tướng nên có lẽ ông hiểu rõ con người, phong cách của Đại tướng, khi Đại tướng mất, ông có suy nghĩ gì?
Tôi là người có cơ may dịch nhiều về Đại tướng và được làm lính của “anh Văn” từ năm 17 tuổi.
Khi tôi được báo tin, tôi bàng hoàng, lạnh người. Tôi đã khóc, khóc thật sự. Sáng hôm sau tôi đến số nhà 30 Hoàng Diệu chia buồn với chị Hà (vợ Đại tướng) và xin được viếng Đại tướng.
Tôi đã viết vào cuốn lưu bút tại nhà Đại tướng bằng tất cả cảm xúc: Một nhân cách lớn đã ra đi, đối phương ai cũng khâm phục – Đại tướng Tổng tư lệnh. Đại tướng yêu hòa bình, nhân văn.
Đến nay, tuy tuổi đã cao (85 tuổi-PV) nhưng tôi vẫn có ý định xin theo đoàn tang lễ về quê Quảng Bình để tiễn đưa Đại tướng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
"Đại tướng là người biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh", Thượng tướng Trần Văn Trà viết trong lời đề dẫn cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá”. |