Tướng Đồng Sỹ Nguyên phản đối phá cầu Chương Dương
Thời điểm cầu Chương Dương được xây dựng (1983-1985), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đang giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông là người đưa ra quyết sách cho việc xây dựng cầu Chương Dương.
Sáng 11/4, chúng tôi có cuộc trao đổi với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về cây cầu này.
PV - Ông có thể nói rõ hơn về thiết kế của cầu Chương Dương (Hà Nội), tuổi thọ của công trình là bao nhiêu năm?
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Cầu Chương Dương được thiết kế là cầu dầm thép vĩnh cửu, tuổi thọ ít nhất cũng phải 40-50 năm. Chỉ có một trụ phía Bắc cầu (phía Long Biên) là đóng cọc thép do vị trí nền đất yếu, thời điểm đấy công nghệ của mình chưa thể xử lý được bùn lún, nhưng dù đóng cọc thép vẫn phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng. Còn các trụ còn lại đều là bê tông vĩnh cửu, nên chất lượng vẫn còn rất đảm bảo, không vấn đề gì.
Thời điểm xây dựng cầu, do yêu cầu cấp thiết phải có ngay cây cầu để chia sẻ gánh nặng cho cầu Long Biên, nên cầu Chương Dương được quyết định xây dựng nhanh, và để sớm có cầu thì lựa chọn dầm thép là tối ưu nhất.
Đồng thời, công nghệ của ta thời điểm đấy chỉ làm được dầm thép dự ứng lực khẩu độ tối đa là 30m, nên phải sử dụng dầm thép mới đáp ứng được yêu cầu. Chứ nếu có dầm bê tông khẩu độ dài hơn, chắc chắn cũng sẽ quyết định làm dầm bê tông.
Về trọng tải, cầu Chương Dương được thiết kế chịu tải H30 (xe tối đa 30 tấn), còn xe tăng là 60 tấn. Tất cả tiêu chuẩn kỹ thuật đều theo tiêu chuẩn quốc tế, giống cầu Thăng Long.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không đồng tình với phương án phá bỏ cầu Chương Dương
- Cầu được thi công với tốc độ nhanh, thời gian ngắn liệu có ảnh hưởng tới chất lượng của nó không thưa ông?
Cầu được hoàn thành sau 18 tháng thi công, chất lượng cầu không bị ảnh hưởng bởi tiến độ, vì thời điểm đó gần như đình chỉ các cầu khác để tập trung máy móc, thiết bị, con người cho xây dựng cầu Chương Dương, nên thi công nhanh. Còn nếu làm rời rạc, phân tán thì 2 - 4 năm mới xong. Thời điểm đó nếu cho tôi tự quyết thì chỉ 1 năm là xong. Chất lượng hay không không phải ở thời gian, mà ở biện pháp, cách làm và kỹ thuật. Còn xuống cấp, hư hỏng là do bảo dưỡng thế nào và khai thác ra sao.
- Bộ GTVT nói rằng cầu có biểu hiện xuống cấp, cần sửa chữa, nâng cấp thậm chí là xây mới, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Giờ phải khảo sát lại toàn bộ cầu, nếu xuống cấp thì sửa lại. Vì dầm thép nên hao mòn là tất yếu, hoen rỉ là khó tránh, độ rung lắc cũng khác dầm bê tông, nên việc sửa chữa là bình thường chứ không vấn đề gì. Còn các trụ cầu là bê tông vĩnh cửu nên không lo về chất lượng.
Chỉ phía Bắc có một trụ cầu là đóng cọc thép, nếu thấy cần thiết có thể thay mới bằng công nghệ bê tông khoan nhồi, mà thời xưa chưa làm được. Những cái đó đâu có khó gì.
- Có ý kiến cho rằng Bộ GTVT muốn xây cầu mới để đẹp hơn, tương xứng với tầm vóc Thủ đô, ông nghĩ sao?
Muốn sửa dầm thép thì sửa, có thể thay thế bằng dầm bê tông, còn muốn đẹp thì chỉ cần có thời gian độ 1, 2 năm tháo dầm thép ra đem uốn lại cho đẹp, giữ nguyên các mố trụ hiện nay, chứ có khó khăn gì. Lúc xây dựng tôi cũng định uốn cho đẹp như kiểu cầu Long Biên, nhưng nếu làm thế thì phải mất thêm 1, 2 năm thi công nữa, lúc đấy do yêu cầu bức thiết, chậm một ngày tôi còn không cho phép chứ nói gì tới vài năm.
Muốn thay đổi cho đẹp thì nhiều cách làm không cần phải đập đi xây mới. Còn nếu cứ để thế đi thì có 30 năm nữa cũng không vấn đề gì. Còn nếu ai đó muốn đặt vấn đề thay thế thì chắc là muốn phá đi để làm cầu khác, nên đặt lý do thế.
Tôi không đồng ý phá dỡ nó, cầu Chương Dương dù có hơi xấu, nhưng nó đi vào lịch sử, kỷ niệm một thời đất nước gian truân, đáp ứng yêu cầu về giao thông bức thiết lúc bấy giờ, và còn nhiều năm về sau, những cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì cũng mới chỉ có vài năm nay. Giờ nó có khuyết điểm gì thì khắc phục. Cầu dầm thép nên việc này không khó. Còn muốn làm cầu đẹp thì thiếu gì chỗ khác để làm.
- Để đảm bảo chất lượng cầu và sử dụng lâu dài, theo ông chúng ta cần làm gì?
Ngành giao thông có thể tổ chức lại phương tiện qua cầu, giờ Hà Nội có nhiều cầu, nên có thể chuyển các xe tải, xe khách trọng tải lớn sang đi cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì… còn cầu Chương Dương chỉ cho xe nhẹ dưới 13 tấn qua, như xe du lịch, xe cá nhân, xe máy… thì có lẽ khai thác cả trăm năm cũng được, không vấn đề gì phải bàn.
Tôi cũng đề nghị trước khi quyết định làm gì thì phải hỏi ý kiến tôi trước, vì tôi là tác giả của cầu đấy, nó đã đi vào lịch sử. Còn giờ muốn phá lịch sử thì không nên.
Tới giờ chưa thấy ai hỏi tôi gì cả.
- Xin cảm ơn ông!