Tượng đài con tàu tập kết ở Sầm Sơn thành hình
Thanh Hóa - Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc với trung tâm là "tượng đài con tàu" sắp hoàn thiện phần thô sau hơn một năm rưỡi khởi công.
Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được xây dựng gần cảng Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, cách TP Thanh Hóa hơn 15 km.
Dự án thực hiện trên quy mô hơn 40.000 m2, do UBND TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Công trình có tổng vốn gần 255 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 76 tỷ đồng, vốn ngân sách TP Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa khác gần 180 tỷ đồng.
Công trình được khởi công cuối tháng 8/2022, nhiều lần tạm hoãn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và khó khăn trong việc huy động vốn.
Toàn bộ khu lưu niệm được chia làm ba phân khu, trong đó khu A rộng khoảng 13.600 m2 được coi là trung tâm với tượng đài hình con tàu và bức phù điêu lớn hình cánh cung.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sầm Sơn, sau hơn một năm rưỡi khởi công, tượng đài và bức phù điêu (tổng giá trị xây lắp hơn 80 tỷ đồng) đã đạt 80% khối lượng, ước tính 64 tỷ đồng. Hạng mục này dự kiến hoàn thành vào tháng 7 để chuẩn bị cho sự kiện 70 năm đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc dịp tháng 10 năm nay.
Mô phỏng tượng đài sau khi hoàn thiện. Tượng đài con tàu tập kết có diện tích khoảng 3.200 m2. Điểm cao nhất là mũi tàu cao 12 m, tương đương căn nhà ba tầng. Đứng ở vị trí này có thể bao quát quang cảnh cảng Hới và một phần trung tâm TP Sầm Sơn, phía sau là hạ nguồn con sông Mã đổ ra biển.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng công trình là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ đồng thời tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách tham quan khi đến Sầm Sơn nghỉ dưỡng.
Sau Hiệp định Genève 1954, Thanh Hóa đã đón tiếp hàng trăm nghìn cán bộ miền Nam, bộ đội, học sinh, sinh viên, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Trong bảy đợt (từ 15/10/1954 đến 1/5/1955) đã có 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình tập kết tại tỉnh này.
Con tàu được làm bằng bêtông cốt thép, hai bên mạn tàu trang trí các bức phù điêu lớn bằng chất liệu đá granite lấy từ Bình Định.
Phù điêu hình cánh cung khoảng 500 m2, làm bằng đồng đúc kết hợp đá khối granite. Ngoài ra, còn có kè chắn bảo vệ và các hạng mục phụ trợ.
Các bức phù điêu trên thân tàu đã được lắp đặt xong đang chờ tinh chỉnh. Phù điêu tái hiện những hoạt động của đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam trong quá trình di chuyển từ quê nhà đến khu vực tập kết phía Bắc, với điểm đến đầu tiên là Sầm Sơn.
Cầu thang đi lên boong tàu có hình xoắn ốc hiện chưa ốp đá hay lắp đặt lan can.
Theo phương án thiết kế được duyệt, sau khi hoàn thiện trong lòng tượng đài sẽ có một bảo tàng thu nhỏ với các hiện vật sưu tầm và mô phỏng nội thất con tàu của Ba Lan, Liên Xô (cũ)... đã tham gia vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Boong tàu khá rộng rãi, có thể tổ chức các buổi hòa nhạc hay biểu diễn nghệ thuật ngoài trời quy mô 40-50 người.
Nằm cạnh tượng đài chếch về hướng Tây Bắc là cầu cảng nhỏ đặt ven bờ sông Mã.
Nhóm công nhân đang hoàn thiện khuôn viên cây xanh, cống thoát nước, hệ thống đường đi dạo bộ... ở khu A.
Ngoài công trình khu A, dự án còn có hai phân khu B và C. Khu B rộng gần 2.000 m2, tái hiện hình ảnh những lán trại, nơi ăn ở sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết.
Khu C được gọi là con đường ký ức bằng gốm sứ dài hơn 1,1 km; công viên chuyên đề gần 24.000 m2. Trong ảnh là con ngõ nhỏ ngay trước tượng đài con tàu tập kết, sau này sẽ được tu sửa, tôn tạo nhằm tái hiện "con đường ký ức". Các dãy bờ tường dự kiến được thiết kế bức bích họa mô phỏng cảnh đồng bào miền Nam tập kết năm 1954 và cuộc sống của ngư dân địa phương...
Tượng đài con tàu tập kết hơn 80 tỷ đồng ở Sầm Sơn. Video: Lê Hoàng
Nguồn: [Link nguồn]
Được đầu từ hơn 30 tỉ đồng, công trình tượng đài Phan Đình Phùng ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), sau nhiều năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp, khuôn viên nhếch nhác.