Tướng cuối cùng chạy khỏi Sài Gòn như thế nào?

Trong cảnh hỗn loạn tan rã của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhiều nhân vật chủ chốt đã tìm đường tháo chạy. Nhiều tướng lĩnh còn lại tự sát sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh.

Cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh viết về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa vừa chính thức ra mắt. Nhà báo Trần Mai Hạnh chính là người có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975.

Cuốn sách được viết dựa trên biên bản các cuộc họp, biên bản trả lời phỏng vấn và tự thú, thư từ, điện tín,... của tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày tháng cuối cùng. Cuốn sách được viết theo trình tự thời gian.

Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014), chúng tôi xin đăng tải một số trích đoạn đặc sắc của cuốn sách.

Sáng 30/4/1975, Dương Văn Minh (Tổng thống mới của Việt Nam Cộng Hòa) họp với những thành viên nội các mới, trong đó có Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng), Nguyễn Văn Huyền (Phó Tổng thống), Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh,...

Dương Văn Minh nói: "Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa đã xảy ra như tại Đà Nẵng (thất thủ trước đó 1 tháng), mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam".

Đến 9h25, lời tuyên bố ngừng bắn và chờ bàn giao chính quyền được Dương Văn Minh (Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa) đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn.

Lúc 10h45, chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng hất tung cánh cổng sắt ở Dinh Độc Lập.

Tướng cuối cùng chạy khỏi Sài Gòn như thế nào? - 1

Dương Văn Minh (Tổng thống mới của Việt Nam Cộng Hòa)

Vào giờ phút lịch sử này, hầu như toàn bộ nhân vật chủ chốt của chính quyền Sài Gòn chỉ còn lại Dương Văn Minh và 16 thành viên nội các. Trước đó, những tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa từ thời của Nguyễn Văn Thiệu (từ chức và tháo chạy cách đó 5 ngày) đã tìm đường di tản theo Mỹ. Nhiều trong số tướng lĩnh đã tự sát trước và sau khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Theo chân Nguyễn Văn Thiệu tháo chạy

Sáng 28/4, máy bay lên thẳng của Hãng hàng không Mỹ đã liên tục đỗ xuống trên mái nhà Sứ quán Mỹ, nhặt đi những nhân vật đứng đầu trong bộ máy của chính quyền Sài Gòn để đưa ra Tân Sơn Nhất, nhét lên những chiếc máy bay Mỹ đã chật ních rồi chuồn ra ngoài. Một trong số đó có Cao Văn Viên (Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn). Đặng Văn Quang (tay chân tâm phúc của CIA, cựu Cố vấn an ninh của Nguyễn Văn Thiệu) sáng đó lồng lộn ở Bộ Tổng tham mưu luôn mồm chửi Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu đã bỏ rơi mình.

Tối hôm trước, theo chỉ thị của Trung ương Cục tình báo Mỹ, Phân cục trưởng CIA tại Sài Gòn đã thu xếp một chuyến bay bí mật chở tay chân của Nguyễn Văn Thiệu sang Philippines. Trong số đó có Nguyễn Bá Cẩn, Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Khắc Bình,...

Trưa 29/4, Nguyễn Cao Kỳ đáp trực thăng riêng xuống sân Bộ tổng tham mưu thì được tin hầu hết nhân vật chủ chốt đã di tản. Mọi hy vọng tiêu tan, Kỳ quyết định ra đi. Kỳ gặp Ngô Quang Trưởng (Cựu Tư lệnh quân đoàn 1), Kỳ rủ Trưởng cùng lên máy bay. Chiếc trực thăng lượn một vòng trên bầu trời Sài Gòn rồi bay ra biển.

Tướng cuối cùng chạy khỏi Sài Gòn như thế nào? - 2

Nguyễn Cao Kỳ

8h sáng 29/4, Trung tướng Trần Văn Đôn (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa) vẫn tới Bộ Tổng tham mưu để “nắm tin tức chiến sự mới nhất”. Đôn được Dương Văn Minh hứa đề bạt ghế Thủ tướng nhưng sau đó gạt ra. Đôn gọi cho Dương Văn Minh, đề nghị cử ngay một Tổng tham mưu trưởng mới thay cho Đồng Văn Khuyên (đã tháo chạy). Dương Văn Minh cảm ơn và cho biết đã cử tướng Vĩnh Lộc đảm nhận chức vụ này.

Gần trưa, Đôn tới dự lễ tuyên thệ nội các Vũ Văn Mẫu. Nội các này đáng lẽ Đôn phải giữ vị trí Thủ tướng mới đúng. Mẫu đang giải thích cho các bộ trưởng về thông báo vừa đọc trên đài phát thanh Sài Gòn, yêu cầu cơ quan tùy viên quốc phòng Mỹ (DAO) phải rút hết khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 tiếng. Lúc ấy, Đôn mới ngã ngửa người. Đôn gọi điện hỏi Martin, đại sứ Mỹ. Ông này dội thêm cho Đôn một gáo nước lạnh chấm dứt cơn mê tham vọng của viên tướng.

“Không chỉ riêng DAO mà toàn thể người Mỹ. Chúng tôi đang sửa soạn rút. Nếu ngài muốn đi thì xin mời ngài có mặt tại sứ quán lúc 14h chiều nay.” – Martin nói.

Trần Văn Đôn quyết định ra đi ngay. Cùng đi với Trần Văn Đôn còn có Trung tướng Dư Quốc Đống (cựu Tư lệnh Quân đoàn 3, Quân khu 3), bại tướng Phước Long – nơi mở màn cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Đôn và Đống là những tướng lĩnh cuối cùng tháo chạy khỏi Sài Gòn. Nhưng chiếc máy bay cuối cùng rời khỏi Sài Gòn là vào 7h30 (30/4), mang theo tốp lính thủy đánh bộ của Mỹ.

Tướng cuối cùng chạy khỏi Sài Gòn như thế nào? - 3

 Tổng thống Lyndon Baines Johnson, Tướng William Westmoreland, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ (ngoài cùng bên phải) năm 1966

Đầu hàng và tự sát

Sáng 29/4, Phạm Văn Phú (Cựu Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2) uống liều thuốc độc cực mạnh, được đưa đi cấp cứu và chết tại bệnh viện vào trưa 30/4.

Sáng 30/4, Chuẩn tướng Mạch Văn Trường (Tư lệnh sư đoàn bộ binh) được lệnh về Sở chỉ huy Quân đoàn 4 gặp Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư lệnh Quân đoàn 4). Một sĩ quan mở máy nghe lại lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh vừa đọc trên đài Sài Gòn. Xung quanh òa khóc.

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tuyên bố: Chúng ta tuân lệnh Tổng thống, ngừng bắn tại chỗ, tuy nhiên nếu bị tấn công thì có quyền chống lại.

Mạch Văn Trường cự lại: Nhưng chúng ta đang thắng! Lực lượng quân đoàn nguyên vẹn, chưa sứt mẻ gì, sao buông súng?

Tướng Nam nói: Đồng minh đã tháo chạy. Chúng ta không còn bao nhiêu đạn dược, cố gắng cũng không được bao lâu.

Mạch Văn Trường vẫn cố xin tiếp tục chiến đấu. Tướng Nam gằn giọng: Trách nhiệm với 16.000 quân sĩ và 16.000 gia đình của họ, tôi ra lệnh cho anh buông súng.

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng (Tư lệnh phó Quân đoàn 4) cũng yêu cầu Trường tuân lệnh. Trường hỏi: Chuẩn tướng chịu để địch bắt?

"Không bao giờ địch bắt được tôi!" - Tướng Hưng nói.

Tướng cuối cùng chạy khỏi Sài Gòn như thế nào? - 4

Chiếc xe tăng thần tốc tiến vào Dinh Độc lập lúc 11h30 trưa 30/4/1975

Đến chiều, tướng Nam gọi điện chỉ thị các tướng lĩnh trực thuộc Quân đoàn 4, Quân khu 4, trực tiếp liên lạc với quân đội của Mặt trận giải phóng để chuyển giao trong vòng trật tự, ổn định và duy trì tối đa an ninh cho dân chúng”.

5h30 chiều, Nam mặc quân phục chỉnh tề đi thăm Quân y viện. Khoảng 200 thương binh nặng không thể tự di chuyển được nằm lại, còn tất cả đã tùy nghi di tản. Mắt đỏ hoe vì xúc động, Nam thăm và nắm tay tường người.

Khoảng 11h đêm, Tướng Nam nhận tin báo, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng (Tư lệnh phó Quân đoàn 4) vừa bắn vào tim mình tự sát tại nhà. 6h sáng 1/5, có tin báo, Nguyễn Khoa Nam (viên tướng gốc Huế, Tư lệnh Quân đoàn 4) đã tự sát bằng viên đạn bắn xuyên mang tai.

Cùng đó, Chuẩn tướng Trần Văn Hai (Tư lệnh sư đoàn 7 bộ binh, phụ trách Châu Đốc, An Giang, Sa Đéc, Kiên Giang, Kiến Tường), Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ (Tư lệnh Sư đoàn 5) cũng tự sát.

___________________________

Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo: Cuộc họp nội các và quốc sách "4 không" của Tổng thống Thiệu” vào 10h00 ngày 1/5.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên (lược ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN