Tướng công an và chuyên gia tội phạm học bày cách phòng ngừa, ứng phó với tội phạm bắt cóc trẻ em

Qua một số vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản gần đây cho thấy, hung thủ không chỉ là đối tượng lạ mặt mà còn là người thân, quen với gia đình nạn nhân, điều này khiến dư luận vô cùng hoang mang. Vậy có cách nào giúp các bậc cha mẹ nhận diện sự nguy hiểm tiềm ẩn, phòng ngừa?

Bé gái 3 tuổi ở Long An trở về với gia đình.

Bé gái 3 tuổi ở Long An trở về với gia đình.

Hành vi bắt cóc manh động, công khai

Điển hình, chiều 2/10, Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, trú tại huyện Thủ Thừa) bắt cóc bé gái 3 tuổi (con của một người bạn), đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng. Công an tỉnh Long An phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an TP.HCM và Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành truy bắt đối tượng. Sau nhiều giờ đồng hồ, Sơn bị bắt giữ khi đang trên xe khách bỏ trốn, lực lượng chức năng giải cứu bé gái an toàn và bàn giao cho gia đình.

Trước đó, ngày 19/9, một bé gái 21 tháng tuổi ở Hà Nội đã bị nữ giúp việc của gia đình bắt cóc, nhắn tin đòi 1,5 tỷ đồng tiền chuộc. Trong khi các lực lượng chức năng đang lần tìm manh mối, lên phương án giải cứu thì nghi phạm đã sát hại cháu bé, ném xuống áo của một nhà dân ở Hưng Yên.

Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục CSHS.

Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục CSHS.

Liên quan đến các vụ việc bắt cóc trẻ em vừa qua, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, qua 3 vụ bắt cóc trẻ em xảy ra gần đây, thì có 2 vụ việc đối tượng là người có quan hệ hoặc được gia đình giao đi đón các cháu. Điều đáng nói, sau khi bắt cóc cháu bé, các đối tượng đã công khai đòi tiền chuộc từ bố mẹ, không giấu giếm tung tích thể hiện sự manh động, công khai…

Nói về quá trình điều tra vụ án, Trung tướng Trần Ngọc Hà khẳng định, không chỉ riêng các vụ việc bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản, mà trong tất cả các vụ án thì lực lượng CSHS toàn quốc cũng tập trung đấu tranh, khám phá trong thời gian sớm nhất, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các cục nghiệp vụ và công an địa phương.

Theo Trung tướng Trần Ngọc Hà, các vụ án đều được huy động toàn bộ lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp giải cứu nạn nhân và truy bắt đối tượng gây án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho các cháu bé.

Hình ảnh tin nhắn đối tượng Sơn gửi cho gia đình đòi tiền chuộc.

Hình ảnh tin nhắn đối tượng Sơn gửi cho gia đình đòi tiền chuộc.

Từ các vụ việc xảy ra, Trung tướng Trần Ngọc Hà khuyến cáo: Để phòng ngừa hành vi bắt cóc trẻ em thì các cơ sở trông giữ trẻ, gia đình khi thuê người chăm sóc trẻ phải có sự nghiên cứu, tin tưởng thì mới giao các cháu cho họ. Ngoài ra, về phía gia đình cũng cần có sự liên kết, giao tiếp qua các phương tiện liên lạc với thầy cô chăm sóc trẻ nhằm đảm bảo "người đi đón các cháu đúng là người được gia đình ủy quyền".

Trung tướng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh, ngoài công tác tuyên truyền, thì chính người dân, bố mẹ các cháu cần nâng cao cảnh giác để bảo đảm an toàn cho con em mình. Đồng thời, quần chúng nhân dân nếu phát hiện có những biểu hiện, dấu hiệu bất thường thì cung cấp cho cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm.

Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học.

Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học.

Không thể đặt lòng tin tuyệt đối vào người lạ

Cũng nêu quan điểm về các vụ việc bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản, Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, Cục truyền thông Bộ Công an cho rằng, những đặc điểm phổ biến của loại tội phạm này là hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào và nạn nhân là trẻ em ở mọi lứa tuổi. Đối tượng gây án là bất kỳ ai, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân…

“Các bậc phụ huynh có con nhỏ không thể đặt lòng tin một cách tuyệt đối với người lạ, trừ những người ruột thịt như anh, chị, em, bố mẹ, ông, bà nội ngoại. Đặc biệt là những người đang có “vấn đề” nợ nần về tài chính thì không thể giao con cho họ và luôn phải có những biện pháp để kiểm soát, tính đến các tình huống xấu xảy ra nhằm bảo đảm an toàn cho con trẻ…” - Tiến sĩ Đào Trung Hiếu khuyến cáo.

Theo Tiến sĩ Hiếu, có thể thấy hung thủ thường là đối tượng túng quẫn về tài chính nhưng có nhu cầu chi tiêu hoặc trả nợ mà không có khả năng giải quyết nên đã nảy sinh ra ý định bắt cóc trẻ em, đưa ra yêu sách để bố mẹ phải đưa tiền thì mới thả nạn nhân. Để bảo đảm không bị gia đình nạn nhân tố cáo, trình báo với cơ quan công an, đối tượng thường gây áp lực tinh thần bằng cách đe dọa sẽ giết hại hoặc cắt chân, tay… “con tin”.

“Tâm lý kẻ phạm tội sau khi bắt cóc trẻ em thường rất sợ bị phát hiện, bắt giữ. Chính nỗi sợ bên trong thúc đẩy đối tượng có sự cảnh giác, thận trọng cao độ khi giao dịch với gia đình nạn nhân. Đối tượng thường sử dụng sim rác trong giao dịch, liên tục thay đổi địa điểm giao tiền, thường yêu cầu để tiền tại các địa điểm công cộng chứ không bao giờ trực tiếp gặp gia đình nạn nhân để nhận tiền, vì sợ bị bắt” - Tiến sĩ Hiếu phân tích.

Làm gì khi trẻ nhỏ có dấu hiệu bị bắt cóc?

Trước câu hỏi mà các bậc cha mẹ, phụ huynh rất quan tâm đó là " Nếu xảy ra trường hợp trẻ bị bắt cóc thì cần phải làm gì?", Tiến sĩ Đào Trung Hiếu đưa ra lời khuyên: Trong trường hợp trẻ vẫn bị sa vào tay bọn tội phạm, thì chỉ còn cách ứng xử khôn ngoan mới đảm bảo đưa nạn nhân trở lại gia đình trong sự an toàn.

Ngay khi phát hiện con em mình đã bị thất lạc, hay bị bắt cóc (qua thông tin đối tượng báo về đòi tiền chuộc), gia đình nhất thiết phải trình báo với cơ quan Công an gần nhất (kể cả bị đối tượng ngăn cản báo Công an). Việc trình báo cần tiến hành bí mật, vì đối tượng có thể đang ở ngay trước nhà để quan sát động thái của gia đình trẻ.

“Khi trình báo, gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của trẻ bị bắt cóc, như họ tên, giấy khai sinh, ảnh, đặc điểm ngoại hình, quần áo, độ tuổi của cháu bé, tên bố mẹ, địa chỉ, số điện thoại của mình, thời gian, địa điểm trẻ bị bắt cóc” - Tiến sĩ Hiếu chia sẻ.

Theo ông Hiếu, khi đối tượng gọi điện để đòi tiền chuộc, nên bí mật ghi âm lại cuộc gọi, lưu số máy gọi đến. Trong khi nói chuyện, cần tỏ ra sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của đối tượng, luôn miệng xin chúng đừng làm hại đứa trẻ. Cần “diễn” cho khéo, tuyệt đối không được đe dọa sẽ báo Công an. Nên tập trung vào việc “mặc cả”, thảo luận về thời gian, địa điểm, cách thức giao nhận tiền… để đối tượng bắt cóc khỏi nghi ngờ.

Sau khi nói chuyện với bọn bắt cóc, cần báo cáo cơ quan công an toàn bộ nội dung đàm thoại, số điện thoại của đối tượng. Hợp tác chặt chẽ với Công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án. Nếu đối tượng hẹn thời gian, địa điểm, cách thức đưa tiền, cần báo cáo và làm theo hướng dẫn của Công an.

Vẫn theo ông Hiếu, thường thì đối tượng không bao giờ gặp mặt trực tiếp nhận tiền, mà “điều” gia đình nạn nhân đến vị trí thích hợp, để lại túi tiền rồi ra về mà sẽ đến lấy sau. Do đó, cha mẹ của trẻ cần tỏ ra "ngoan ngoãn" thực hiện đúng mọi yêu cầu của đối tượng. Lưu ý có vụ án các đối tượng theo dõi nạn nhân ra điểm hẹn, nhưng trên đường đi chúng dàn cảnh cướp giật để lấy túi tiền. Về số tiền chuộc, cần thực hiện theo yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng phá án.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Hành vi nguy hiểm cho xã hội

Về mặt pháp lý, theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp đánh giá, hành vi bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật, rất đáng lên án và cần phải xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật, bởi các đối tượng nhận thức rất rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện.

Luật sư Cường nhận định, trong vụ án bắt cóc bé gái 3 tuổi ở tỉnh Long An vừa qua, hành vi của đối tượng đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại khoản 4, Điều 169 bộ luật hình sự với mức hình phạt có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

“Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội danh có cấu thành hình thức, hành vi phạm tội hoàn thành kể từ thời điểm đối tượng bắt giữ cháu bé và yêu cầu gia đình đưa tiền chuộc, không phụ thuộc vào việc đối tượng có lấy được tiền hay không, lấy được bao nhiêu tiền và có trả lại cháu bé cho gia đình hay không” - luật sư Cường phân tích.

Phó Giám đốc Công an Hà Nội thông tin diễn biến điều tra vụ bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra, nếu không có dấu hiệu của đồng phạm sẽ đình chỉ vụ án bởi bị can gây ra vụ án đã chết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn])
Bắt cóc trẻ em - buôn bán người Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN