Tướng CA muốn nhà mạng khóa điện thoại để giảm cướp giật
Phó Giám đốc Công an TP.HCM vừa có đề xuất nhà mạng khóa các dịch vụ mạng đối với điện thoại bị mất cắp, từ đó kéo giảm tình trạng cướp giật.
Một vụ cướp giật xảy ra vào đầu năm 2016. (Ảnh cắt từ camera an ninh)
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP.HCM vào ngày 1.3, thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP, cho biết: Công an thành phố ghi nhận các đối tượng trộm cắp, cướp giật thường nhắm vào các thiết bị điện tử phổ biến như điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad,... Mỗi thiết bị này đều có một số IMEI (mã số định danh quốc tế của thiết bị) riêng biệt.
Do đó, thiếu tướng Phan Anh Minh đề xuất, Công an thành phố sẽ thu thập những số liệu này từ trình báo mất cắp của các nạn nhân, rồi chuyển qua Sở Thông tin và Truyền thông. Từ số liệu này, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nhà mạng chặn, không cho các thiết bị này sử dụng với bất cứ SIM di động nào.
“Nếu làm được điều này, tôi khẳng định tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản sẽ giảm trên 50%”, thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định.
Một vụ giật túi xách làm nạn nhân ngã nhào ở gần cầu Sài Gòn. (Ảnh cắt từ camera giám sát của xe ô tô chạy phía sau)
Trao đổi với PV về vấn đề khóa các dịch vụ mạng trên điện thoại di động thông qua IMEI, ông Nguyễn Minh Đại - Tổng Giám đốc Viện Máy tính Việt Nam cho biết: “Trên lý thuyết vẫn có thể làm được, nhưng đó là một điều không khả thi tại Việt Nam. Nếu muốn thực hiện, sẽ cần rất nhiều thời gian và phải đầu tư nhiều thứ”.
Ông Đại giải thích: Ở Việt Nam, hiện các nhà mạng chỉ quản lý chiếc SIM do mình bán ra chứ không quản lý từng thiết bị, từng mã IMEI. Riêng với các thiết bị do chính nhà mạng nhập về và bán ra (hay tặng khách hàng) thì tất nhiên họ sẽ lưu trữ IMEI lại. Do đó, nhà mạng chỉ có thể khóa các dịch vụ trên SIM, chứ không thể có các tác động với chiếc điện thoại không phải do mình tung ra thị trường.
“Hơn nữa, theo tôi được biết, hiện nay gói tin kích hoạt SIM gửi tới máy chủ nhà mạng ở Việt Nam không chứa mã IMEI của chiếc điện thoại di động đang gắn SIM đó. Do đó, không thể đủ thông tin để kiểm tra một chiếc điện thoại đang trong danh sách “đen”, dù là thiết bị do chính nhà mạng bán ra”, ông Đại nói.
Ông Nguyễn Minh Đại - Tổng Giám đốc Viện Máy tính Việt Nam, một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cứu dữ liệu và anh ninh mạng.
Cũng theo ông Đại, thực tế còn có rất nhiều bất cập khác. Chẳng hạn, không phải người dùng nào cũng biết số IMEI là gì, không phải ai cũng nhớ số IMEI điện thoại của mình và nhiều người không còn giữ hộp điện thoại, giấy mua hàng, bảo hành (có ghi số IMEI).
Bên cạnh đó, việc xây dựng một website hay cơ sở dữ liệu lưu trữ các mã IMEI của điện thoại mất cắp còn làm nảy sinh chuyện “phá rối”. “Một người khi biết IMEI điện thoại của ai đó thì hoàn toàn có thể giả thông báo mất cắp để phá phách”, ông Đại nói.
“Bây giờ, công nghệ thay đổi mã IMEI của điện thoại cũng không có gì khó khăn. Kẻ trộm chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng là đã có thể thay đổi IMEI điện thoại trước khi sử dụng”, ông Đại thông tin thêm.
Ngoài ra, theo ông Đại, ở Việt Nam, không phải chỉ có một nhà mạng di động, lớn nhất phải kể đến là Mobifone, Viettel, Vinaphone,… và nhiều nhà mạng khác. Các nhà mạng này hoạt động với cơ sở dữ liệu độc lập nhau cũng là một rào cản trong kỹ thuật khóa dịch vụ mạng trên điện thoại từ IMEI.
Với kinh nghiệm nhiều năm học tập, công tác ở nước ngoài, ông Đại cho biết: Ở Mỹ, các nhà mạng như AT&T, Verizon,… đều “bắt tay” với nhau để hỗ trợ Cục Điều tra Liên bang (FBI) ngay khi có yêu cầu. Tuy nhiên, họ có một đặc thù riêng đó là hầu hết đều sử dụng thuê bao trả sau gắn liền với chiếc điện thoại.