Tuổi kết hôn cao, Việt Nam có lạc hậu?

Ý kiến cho rằng, Việt Nam nên “hội nhập” hạ tuổi kết hôn khi nhiều nước trên thế giới đã cho phép kết hôn độ tuổi 15-16 tuổi.

Ngược lại, quan điểm tuổi kết hôn không nên hạ so với tuổi trưởng thành vẫn được cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ.

Hạ tuổi kết hôn: Xin đừng!

Dẫn ra quy định của nhiều nước tiên tiến đã hạ tuổi kết hôn xuống 16 tuổi như Pháp, Nhật, Nga…, ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư Pháp) đặt vấn đề: Các nước họ đều có xu hướng hạ, nếu Việt Nam giữ nguyên tuổi kết hôn liệu có bị coi là không hội nhập, lạc hậu?

Bác bỏ lập luận này, bà Bùi Thị Thanh Hằng (Khoa Luật - ĐH Quốc Gia HN), cho rằng tuổi kết hôn cần được căn cứ vào đời sống thực tiễn và bối cảnh pháp luật của Việt Nam. “Nhiều nước cho phép hạ tuổi kết hôn, nhưng ẩn sau đó là cả một hệ thống bảo hiểm lớn, một nền luật pháp chặt chẽ. Vậy so với Việt Nam, liệu chúng ta có nên hạ tuổi kết hôn để chấp nhận nuôi nấng một thế hệ có tố chất yếu, sức khỏe không đảm bảo?”, bà Hằng nói.

Mặt khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên quy định độ tuổi kết hôn của nam và nữ như nhau (đủ 18 tuổi) để đảm bảo bình đẳng giới.

Tuổi kết hôn cao, Việt Nam có lạc hậu? - 1

Chú rể 14 tuổi cùng cô dâu 17 tuổi trong ngày cưới ở Long An (Ảnh: Gia đình & Xã hội)

Tuy nhiên, theo ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh TAND tối cao, thay đổi tuổi kết hôn thế nào cần phải có căn cứ khoa học rõ ràng, không nhất thiết phải để nam-nữ bằng độ tuổi, bình đẳng không có nghĩa là cào bằng.

Theo bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Ban Chính sách pháp luật (TƯ Hội Phụ Nữ Việt Nam) những nước phát triển cho phép kết hôn sớm vì người dân có quan niệm quan hệ tình dục không đồng nghĩa với việc sinh con. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thời gian kết hôn gắn liền với thời gian sinh con. Y học đã chứng minh có thể tuổi phát triển tính dục là sớm nhưng tuổi làm cha làm mẹ thì nữ phải từ 18-22 tuổi, nam từ 18 tới 25 tuổi. Như vậy nếu hạ tuổi kết hôn, chưa nói tới chất lượng thế hệ tương lai bị ảnh hưởng mà bản thân cặp làm cha mẹ “trẻ” cũng chưa chuẩn bị tâm lý tốt để nuôi dạy con cái”, bà Vân phân tích.

Theo bà Vân, luật pháp không nhất thiết phải giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, nhất là khi thay đổi không để làm gì. “Phải mất thời gian dài để đưa Luật mới vào thực tiễn, trong khi người dân đã quen thuộc với tuổi kết hôn hiện nay. Thống kê từ thực tế cho thấy, xu hướng tuổi kết hôn tại Việt Nam đang ở độ tuổi cao, tại sao lại phải đánh tụt xuống?”, bà Vân nói.

Dân tộc thiểu số có được “ngoại lệ”?

Theo ông Dương Đăng Huệ, cho tới nay, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về tuổi kết hôn. Toà án nhân dân các cấp cũng có nhiều quan điểm về vấn đề này. Chủ yếu ý kiến đóng góp đồng tình với 3 phương án: Từ đủ 20 tuổi đối với nam và đủ 18 tuổi đối với nữ; nam nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; giữ nguyên tuổi kết hôn như hiện hành (nam 20 tuổi trở lên và nữ 18 tuổi trở lên).

Ngay cả giữa những thành viên trong tổ biên tập Dự thảo cũng có nhiều ý kiến khác nhau khi quy định tách biệt: độ tuổi kết hôn theo luật định và độ tuổi kết hôn của nam, nữ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

“Từ trước tới nay, chúng ta vẫn phải rất đau đầu với tình trạng tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng cũng chưa có cách để giải quyết do tập quán sinh hoạt của họ là vậy”, ông Huệ bày tỏ.

Tuổi kết hôn cao, Việt Nam có lạc hậu? - 2

Tảo hôn được cho là gắn liền với phong tục tập quán người dân tộc thiểu số

Vì vậy, Dự thảo đã dành ra một phương án xem xét tới việc hạ độ tuổi kết hôn đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, tuổi kết hôn chung là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tuổi kết hôn của nam là đủ 18 tuổi, tuổi kết hôn của nữ là từ đủ 16 tuổi.

Không đồng tình với phương án này, nhiều ý kiến cho rằng như vậy, vô hình trung nhà nước đã “bảo hộ” cho tập tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, càng khiến khu vực này chậm phát triển.

Bà Hà Thị Thanh Vân đưa ra 3 đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số để chứng minh hạ tuổi kết hôn với đối tượng này là không phù hợp: Thứ nhất là dân trí thấp, kiến thức chăm sóc gia đình hạn chế; thứ hai là sức khoẻ dinh dưỡng thấp, nếu sinh con ở độ tuổi 16, 17, nhất định ảnh hưởng tới chất lượng nòi giống; thứ ba là hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

“Khi hành động bảo hộ theo nghĩa cản trở sự phát triển sẽ mang lại hậu quả tiêu cực. Có thể bây giờ chỉ một bộ phận dân tộc thiểu số tảo hôn, nhưng nếu được cho phép, tình trạng này sẽ diễn ra ồ ạt. Với đặc điểm khó khăn trong đời sống của họ, những cặp vợ chồng trẻ duy trì gia đình đã khó chứ đừng nói chuyện chăm sóc con cái có chất lượng”, bà Vân nhận định.

Theo Luật sư Nguyễn Chiến (Đoàn Luật sư Hà Nội), Luật Hôn nhân và gia đình đã tính tới chuyện công nhận phong tục tập quán, nhưng không vì thế mà phải quy định riêng tuổi kết hôn của dân tộc thiểu số. “Nên giữ một phương án chung là nam từ đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi, không nên quy định khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên phải có quy định tuổi đăng ký kết hôn với đối tượng này. Làm như vậy vừa giải quyết được vấn đề phong tục tập quan mà vẫn bình đẳng”, ông Chiến nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN