Tung tin giả ăn theo COVID-19, những "anh hùng bàn phím" lĩnh phạt thật

Năm 2020, không ít người đã bị triệu tập, xử phạt chỉ vì tung tin đồn thất thiệt về COVID-19 để "câu like". “Câu like” để được nổi tiếng, để bán được hàng, hay chỉ với dụng ý "đùa vui"... là lý do để một số người bào chữa cho hành động của mình.

Nữ điều dưỡng sửa kết quả xét nghiệm COVID-19 để "trêu chọc" người khác

Chiều 2/12/2020, mạng xã hội lan truyền một giấy xác nhận kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 của bà N.T.K.A (SN 1976, ngụ quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Tuy nhiên, sự thật là giấy xác nhận trên đã bị chỉnh sửa trước khi rò rỉ trên mạng xã hội.

Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 giả. 

Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 giả. 

Trên thực tế, ngày 2/12/2020, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu có ban hành giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cho bà A. Bà A. tham gia một lớp học điều dưỡng tại Bệnh viện Đà Nẵng nên phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi vào bệnh viện.

Khi bà A. để giấy xác nhận tại nơi làm việc là khoa Nhi của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu thì một nữ điều dưỡng tên  N.T.T.M đã chụp lại. Sau đó, nữ điều dưỡng này sửa kết quả từ âm tính sang dương tính để gửi vào một nhóm trò chuyện trên Zalo của các điều dưỡng ở khoa Nhi với mục đích "trêu chọc". 

Ngày 3/12/2020, Ban lãnh đạo trung tâm Y tế quận Liên Chiểu - TP Đà Nẵng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 2 nữ điều dưỡng này  N.T.T.M  và bà N.T.K.A.

Tung tin 'Hà Nội sắp vỡ trận vì dịch COVID-19'

Tháng 3/2020, qua công tác nắm tình hình, lực lượng chức năng phát hiện một số tài khoản Facebook tung tin, bịa đặt về cuộc họp khẩn giữa chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành. Đồng thời đưa ra bối cảnh 'Hà Nội sắp vỡ trận vì dịch COVID-19' khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Qua xác minh, cơ quan công an đã triệu tập chủ nhân của các tài khoản này là N.T.H. (22 tuổi, trú tại Kim Giang, Thanh Xuân) và Đ.T.Đ. (25 tuổi, trú tại tổ dân phố 1 La Khê, Hà Đông) để làm rõ sự việc.

Thông tin thất thiệt Hà Nội "vỡ trận" được đăng tải trên mạng xã hội.

Thông tin thất thiệt Hà Nội "vỡ trận" được đăng tải trên mạng xã hội.

Tại cơ quan công an, hai người này thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, do thiếu hiểu biết nên đã đăng tải, chia sẻ những thông tin suy diễn, thất thiệt ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố Hà Nội.

Với hành vi đăng thông tin thất thiệt, N.T.H. và Đ.T.Đ. đã bị cảnh sát lập hồ sơ xử lý. Cả hai cũng cam kết không tái phạm và gỡ bỏ bài viết.

Cô gái phao tin Trung Quốc dùng máy bay thả COVID-19 để kiếm like

Giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, L.T.Đ (24 tuổi, trú tại xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) lại đăng tải thông tin sai sự thật là "Trung Quốc đang cho máy bay thả virut corona xuống VN" và nhắc mọi người mua loại thực phẩm chức năng mà mình đang bán online.

Vào cuộc xác minh Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với các đơn vị liên quan xác định nội dung thông tin trên là sai sự thật, mời L.T.Đ đến làm việc. Tại cơ quan công an, Đ. thừa nhận việc đăng tải thông tin này nhằm mục đích câu like để bán hàng.

Công an làm việc với L.T.Đ về việc tung tin sai sự thật dịch COVID-19. Ảnh: CACC

Công an làm việc với L.T.Đ về việc tung tin sai sự thật dịch COVID-19. Ảnh: CACC

Với vi phạm nêu trên, tháng 3/2020, Công an xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng đối với L.T.Đ.

Cô giáo lên mạng quảng cáo thuốc kháng virus Corona

Tháng 3/2020, Công an huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã quyết định xử phạt hành chính cô Lâm Thị Thúy D. (23 tuổi, giáo viên mầm non, thường trú ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn) về hành vi đưa tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên mạng xã hội.

D. tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

D. tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Cô D. được xác định đăng trên facebook cá nhân nội dung: "Khẩu trang, nước rửa tay thôi thì không đủ đâu ạ. Em oder từ tiệm thuốc Thái Lan về nên mọi người yên tâm. Vừa tới cô bán thuốc bảo các bác sĩ Thái Lan chế tạo ra được thuốc kháng sinh virus Corona nghe mừng hết lớn. Đó là kháng sinh Covid-19 có tên FAI - TALAI JONE….". Cô D. cho rằng mục đích đăng tin là để bán được thuốc, kiếm lời.

Sau đó, cô D. đã gỡ bài viết này, đăng lời xin lỗi cộng đồng mạng. Tại cơ quan Công an, D. thừa nhận hành vi sai trái của mình.

Thanh niên bịa tin bệnh nhân 17 nhiễm COVID-19 nguy kịch

Ngày 6/3/2020, Đ.T (21 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đăng tải hình ảnh của một cô gái nằm trên giường bệnh, người chằng chịt dây. T. chú thích đây là nữ bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 17 (cô gái trú tại phố Trúc Bạch).

Thông tin trên nhanh chóng khiến nhiều người hoang mang. Ngay sau đó, Đội An ninh Công an quận Ba Đình triệu tập T. lên làm việc.

Chủ tài khoản facebook Đ.T tại trụ sở công an. (Ảnh: Công an TP.Hà Nội)

Chủ tài khoản facebook Đ.T tại trụ sở công an. (Ảnh: Công an TP.Hà Nội)

Tại cơ quan công an, T. khai nhận thông tin và hình ảnh trong bài viết là sai sự thật. T đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận, tự xóa bỏ bài đăng và cam kết không tái phạm.

Bị xử phạt 10 triệu đồng vì tung tin 33 người chết vì COVID-19

Ngày 18/2/2020, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. Cần Thơ đã ký quyết định xử phạt C.T.N.H. (29 tuổi, ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng) số tiền 10 triệu đồng về hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tính của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

H. (áo vàng) tại cơ quan công an

H. (áo vàng) tại cơ quan công an

Theo cơ quan chức năng, H. sử dụng tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19. Ngày 17/2, trên trang cá nhân H. chia sẻ thông tin sai sự thật rằng Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM có 33 người chết do dịch bệnh COVID-19. Thông tin này khiến nhiều người lo lắng và gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Cơ quan an ninh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xác minh, mời H. lên làm việc. H. thừa nhận nhận hành vi vi phạm của mình đồng thời gỡ bỏ thông tin sai sự thật trên trang Facebook cá nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ điều dưỡng sửa kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 từ âm tính sang dương tính nhằm mục đích gì?

Nữ điều dưỡng này đã sửa kết quả từ âm tính sang dương tính để gửi vào một nhóm trò chuyện kín trên Zalo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hòa ([Tên nguồn])
Sự kiện nổi bật năm 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN