Túng quẫn, Hy Lạp đòi Đức bồi thường chiến tranh
Phó Thủ tướng Đức cho rằng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại chiến tranh từ cách đây 70 năm của Hy Lạp là "ngu ngốc".
Ngày 7/4, Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp Dimitris Mardas đã tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng theo tính toán của Văn phòng Tổng Kiểm toán trưởng, Đức đang nợ Hy Lạp số tiền 278,7 tỉ euro, trong đó có khoản nợ 10,3 tỉ euro mà Đức Quốc xã đã buộc Ngân hàng Hy Lạp cho vay cách đây hơn 70 năm.
Tuyên bố trên của ông Mardas được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Hy Lạp đang rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Phát biểu trước yêu cầu đòi nợ trên của Hy Lạp, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đã gọi đòi hỏi này của Athens là “ngu ngốc”.
Ông này cũng cảnh báo rằng Hy Lạp đang có xu hướng “nhập nhèm” giữa các cuộc đàm phán giữa Athens và các tổ chức tín dụng quốc tế về vấn đề hỗ trợ tài chính với những yêu cầu tiền khắc phục hậu quả chiến tranh từ Thế Chiến II, đồng thời cho rằng hai vấn đề này “không hề liên quan đến nhau”.
Ông Eckhart Rehberg, người phát ngôn về chính sách ngân sách cho đảng Dân chủ Công giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cảnh báo về việc Hy Lạp tìm cách “đánh bùn sang ao” bằng việc đưa ra các yêu cầu đòi bồi thường chiến tranh trong các cuộc đàm phán tín dụng. Ông này cho rằng vấn đề bồi thường chiến tranh đã “đóng lại cả về mặt chính trị và pháp lý” đối với nước Đức.
Trước đây Berlin cũng đã nhiều lần bác bỏ các yêu cầu đòi bồi thường của Hy Lạp và nhấn mạnh rằng các khoản bồi thường này đã được xử lý xong theo hiệp ước thống nhất hai miền nước Đức vào năm 1990.
Trong khi đó, phe đối lập ở Đức thì lại có cách nghĩ khác. Nhiều nghị sĩ đối lập Đức đã lên tiếng kêu gọi chính phủ nước này trả lại khoản tiền 10,3 tỉ USD mà Đức vay của Hy Lạp trong Thế Chiến II.
Ông Manuel Sarrazin, người phát ngôn về các vấn đề châu Âu của đảng Xanh cho rằng cả Đức và Hy Lạp cần phải yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế xem xét bất cứ yêu cầu đòi bồi thường nào mà Hy Lạp đưa ra.
Những tranh cãi trên diễn ra trong lúc Hy Lạp đang nỗ lực đàm phán để đạt được một thỏa thuận có lợi với các tổ chức tín dụng quốc tế là Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để tiếp tục được hưởng các khoản hỗ trợ tài chính để giúp nền kinh tế nước này không bị sụp đổ.
Mặc dù chính phủ Hy Lạp chưa chính thức đưa ra yêu cầu đòi bồi thường nào, tuy nhiên các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy yêu cầu đòi nợ này đang nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân Hy Lạp.
Thủ tướng mới đắc cử của Hy Lạp Alexis Tspiras cũng tuyên bố rằng nước này có thể sẽ bắt đầu tịch thu các tài sản của Đức ở Hy Lạp nếu Berlin từ chối trả khoản tiền trên. Báo chí Đức đã gọi tuyên bố này của ông Tspiras là “kỳ quái và xấc xược”.