Từng hủy quy định “cấm ngực lép lái xe”

Quy định “ngực lép không được lái xe” đã được Bộ Y tế hủy bỏ sau khi Cục Kiểm tra Văn bản “tuýt còi”.

Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa công bố những sự kiện nổi bật về xử lý văn bản trái pháp luật 10 năm qua, trong đó có quy định “ngực lép không được lái xe”.

“Mỗi người chỉ được đứng tên một xe máy”, “muốn thanh toán bảo hiểm, phải có xác nhận không vi phạm giao thông” là những quy định oái oăm đã từng bị Cục Kiểm tra Văn bản QPPL “tuýt còi”.

“Cởi trói” cho hàng vạn học sinh

Năm 2007, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) gửi tới các trường Văn hóa Nghệ thuật trên toàn quốc một công văn với nội dụng: cấm học sinh sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật biểu diễn tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke...

Tuy nhiên theo Cục Kiểm tra Văn bản, tạo điều kiện cho các em biểu diễn là để nâng cao năng khiếu, sở trường, cải thiện cuộc sống và cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội. Do vậy, Cục Kiểm tra Văn bản đã tuýt còi, giúp “cởi trói” cho hàng vạn học sinh, sinh viên.

Từng hủy quy định “cấm ngực lép lái xe” - 1

Quy định “ngực lép không được lái xe” đã được Bộ Y tế hủy bỏ sau khi Cục Kiểm tra Văn bản “tuýt còi”.

Mỗi người được mua nhiều xe máy

Năm 2003, Bộ Công an ra Thông tư quy định “mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe môtô hoặc xe gắn máy". Sau một thời gian thực hiện, quy định này đã không nhận được sự đồng tình từ dư luận.

Theo Cục Kiểm tra Văn bản, Thông tư này đã hạn chế quyền sở hữu của công dân, vi phạm Hiến pháp và Pháp luật  là công dân có quyền sở hữu tài sản không bị hạn chế về số lượng, giá trị.

Sau khi Cục Kiểm tra Văn bản kiến nghị, cuối năm 2005, Bộ Công an đã ra Thông tư hủy bỏ quy định nói trên.

Nhiều lần “tuýt còi” Bộ Y tế

Năm 2008, Bộ Y tế ban hành 2 văn bản quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người điều kiển phương tiện giao thông. Trong đó có quy định mà người dân thường gọi là “ngực lép không được lái xe”.

Theo Cục Kiểm tra Văn bản, các quyết định trên đã vi phạm thẩm quyền ban hành văn bản cũng như đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn sức khỏe không phù hợp, làm hạn chế quyền của công dân được sử dụng phương tiện giao thông. Sau đó, quy định nói trên đã được Bộ Y tế hủy bỏ.

Năm 2009, Bộ Y tế và Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm y tế. Trong đó, phần quy định mức bảo hiểm y tế đối với trường hợp bị tai nạn giao thông có nội dung: “khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền thì người bệnh mang chứng từ đến Bảo hiểm xã hội để thanh toán theo quy định”.

Theo Cục Kiểm tra Văn bản QPPL, việc buộc người bệnh phải xin xác nhận “không vi phạm giao thông” là trái với quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Sau khi bị Cục “tuýt còi”, năm 2011, Bộ Y tế đã bỏ quy định này. Do vậy các trường hợp TNGT vào viện mà chưa xác định được vi phạm pháp luật về giao thông hay không, đều được bảo hiểm thanh toán.

Lệnh cấm của Hà Nội, Đà Nẵng đều sai

Năm 2011, Cục Kiểm tra Văn bản QPPL đã “tuýt còi” Nghị quyết của HĐND TP. Đà Nẵng khi địa phương này ra quy định: “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án tiền sự”.

Cục Kiểm tra Văn bản cho rằng Nghị quyết này trái với Luật cư trú. Việc xử lý văn bản này đã bảo đảm quyền cư trú hợp pháp của công dân.

Mới đây, Cục Kiểm tra Văn bản tiếp tục “tuýt còi” Đà Nẵng khi thành phố này “cấm vận chuyển gia súc gia cầm bằng xe máy, xe đạp, xe thô sơ vào nội thành”. Theo Cơ quan này, quy định đã ngăn cản việc lưu thông hàng hóa bình thường. Trường hợp phải xử lý một số hành vi vi phạm, Nhà nước đã có quy định cụ thể, không cần sử dụng biện pháp cực đoan “cấm vận chuyển”.

Năm 2009, Hà Nội cũng từng ra quy định cấm như trên và đã bị Cục Kiểm tra Văn bản QPPL “có ý kiến”. Sau đó, Hà Nội đã phải bỏ quy định này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN