Tục tặng quan tài ngày cưới ở Quảng Nam

Đến các bản làng của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn, từ vùng cao (Cơ Tu Dal) cho đến vùng thấp (Cơ Tu Phương), nếu để ý, du khách sẽ thấy những cổ quan tài (T’rang) thường được để ở dưới gầm nhà hoặc ở chái sau hè...

Già Làng Đinh Văn Bớt (65 tuổi) ở thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) cho hay, quan tài của dân tộc Cơ Tu được làm ra từ thân gỗ tròn có đường kính từ 0,5m trở lên, cắt làm từng đoạn vừa đủ cho một người nằm khi đã qua đời. Mỗi quan tài có nắp đậy, phần ở trên là quan tài bố (T’rang conh) và ở dưới là quan tài mẹ (T’rang căn). Đồng bào Cơ Tu còn biếu quan tài từ người khoẻ mạnh cho người đang đau ốm, dưỡng bệnh hoặc từ người có của ăn, của để sang người nghèo khó.

Tục tặng quan tài ngày cưới ở Quảng Nam - 1

Quan tài được xem là món quà quý mà đồng bào Cơ Tu tặng cho những người mình rất quý trọng.

Đây không phải là sự thể hiện có hàm ý mong cho người nhận quan tài sớm qua đời, mà là tình cảm cao quý để nhường cho người khác hưởng lại những gì mình cần nhất trong cuối đời. Già làng Bhr’iu Nga (53 tuổi), ở thôn Aliêng, xã Ating (Đông Giang) còn đưa chúng tôi đi xem một cỗ quan tài bình thường và nói: “Người dân Cơ Tu có truyền thống lâu đời là người làm quan tài chủ yếu biếu, tặng người đã có công giúp và nuôi dưỡng mình như con rể làm cho cha mẹ vợ, con làm cho cha mẹ mình, cô, chú, bác ruột. Có nhiều trường hợp, trong làng có người chết nghèo khó, thì quan tài của một người tốt bụng trong làng sẽ mang tới cho không.

Ngoài ra, quan tài được xem là món quà biếu khi trong gia đình có tổ chức đám cưới hoặc đám hỏi giữa nhà trai và nhà gái, quan tài được nhà trai biếu cho nhà gái như của hồi môn”. Tuy nhiên, ngoài dịp cưới không phải lúc nào cũng có thể biếu nhau bằng quan tài được, mà phải tùy trong từng hoàn cảnh cụ thể, tức khi nhà gái có tang lễ. Do đó, quan tài thường được xem là vật quý, có giá trị trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Sơn (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN