Tục phóng sinh: Phóng sinh hay sát sinh?

Nhiều con vật phóng sinh như chim, cá, cua, ốc… không thể sống sót sau khi được người dân thả ra ngoài thiên nhiên.

Tục phóng sinh: Phóng sinh hay sát sinh? - 1

Phóng sinh bắt nguồn từ ý tưởng tốt đẹp của Phật giáo vào những ngày rằm, lễ, tết. Ảnh Đông Thịnh.

Phóng sinh bắt nguồn từ ý tưởng tốt đẹp của Phật giáo mang tính từ bi hỷ xả và trở thành một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt. Vào các ngày rằm, lễ, tết, người dân thường hay mua chim, cá, cua, ốc… về làm vật phóng sinh.

Tuy nhiên, nhiều người đang thực hiện không đúng với ý nghĩa cao đẹp của tục phóng sinh. Nhiều chú chim chết ngay sau khi được phóng sinh hoặc yếu không thể bay đi, bị chó mèo tha. Cá, cua, ốc… được thả xuống những dòng kênh đen ngòm hoặc thả cùng cả túi nylon…

Nhiều người cho rằng, phóng sinh không đúng phương thức, thực hiện sai tâm từ bi của Phật thì chẳng khác nào sát sinh.

Về vấn đề này, sư thầy Thích Vân Phong - Ủy viên Ban Thông tin Truyền thông (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) chia sẻ: “Nói phóng sinh sai phương thức là sát sinh không hoàn toàn chính xác bởi, đa số những con vật phóng sinh đều sống sót, chỉ một số ít những con vật thả ra mà không sống được”.

Tục phóng sinh: Phóng sinh hay sát sinh? - 2

Việc phóng sinh không đúng cách khiến nhiều con vật phóng sinh bị chết. Ảnh Hồ Bác.

Sư thầy Phong phân tích, trường hợp, nếu ta không phóng sinh thì tất cả những con vật ấy đều bị giết hại. Vậy không thể vì một số ít con vật bị chết mà hoàn toàn phủ nhận nghĩa cử cao đẹp của việc phóng sinh.

Hơn nữa, trong những con vật thả ra, dù có bị chết thì ít nhất cũng được chết trong tự do, chết trong môi trường thiên nhiên quen thuộc, cũng còn tốt hơn là bị cắt xẻo, bị chiên dầu, trải qua cực hình nước sôi, lửa đốt mà chết, đau khổ gấp trăm ngàn lần.

“Đối với những con vật khi phóng sinh thả ra được sống thì chúng ta vui mừng vì đã tạo cho chúng cơ hội sống còn. Những con vật không may chết đi thì chúng ta nên thành tâm cầu nguyện sự tốt lành cho chúng.

Trong kinh Phật có dạy rằng, nếu không giết hại, làm việc phóng sinh thì được tuổi thọ dài lâu; giữ giới không giết hại thì giải trừ được mọi oán thù, nuôi dưỡng được tâm từ bi, làm nảy nở hạt giống Bồ đề”, sư thầy Phong nói.

Tục phóng sinh: Phóng sinh hay sát sinh? - 3

Phóng sinh cũng làm nở rộ dịch vụ kinh doanh, buôn bán vật phóng sinh. Ảnh Hồ Bác.

Sư thầy Thích Thọ Lạc – Phó ban văn hóa (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cũng cho rằng, nói phóng sinh không đúng cách là sát sinh thì chưa chính xác, bởi trong phóng sinh thì có người làm đúng và có người không làm đúng với tinh thần Phật giáo.

“Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc.

Ngoài ra, phóng sinh còn là cố gắng mua những con sinh vật tùy duyên. Bỏ số tiền trong khả năng của mình có để giúp con vật phóng sinh có khả năng sống sót được sống, được tự do”, sư thầy Lạc nói.

Ngày nay, dịch vụ bán đồ phóng sinh đang nở rộ. Nhiều chợ chim, cá hình thành vào các ngày rằm, lễ, tết chỉ để bán đồ phóng sinh cho người dân. Thậm chí, nhiều người còn đặt cọc tiền để thuê người đi bắt chim, cá, cua, ốc… về làm lễ phóng sinh.

Sư thầy Thích Thọ Lạc cho hay: “Đặt cọc để người ta đi bắt chim, cua, cá, ốc… thì chẳng khác nào khuyến khích người ta khống chế sự tự do của vật phóng sinh”.

Sư thầy Thích Vân Phong lại cho rằng: “Người phóng sinh có công đức của việc phóng sinh. Kẻ bắt giết có tội lỗi của việc bắt giết. Chúng ta là người tạo công đức của chính mình, người khác bắt giết gây ra tội lỗi của chính họ.

Mọi việc trong thế gian đều tương đối tồn tại: Có thiện tất có ác, có ngay thẳng tất có gian tà. Lẽ nào vì hành động tội lỗi của kẻ khác bắt giết mà chúng ta lại không làm thiện hạnh phóng sinh hay sao?”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Ngày ông Công ông Táo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN