Tự ý cẩu xe người khác chắn cửa nhà mình: Coi chừng "rước họa vào thân"

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, hành vi tự ý cẩu xe người khác chắn cửa nhà mình có thể bị xử lý phạt hình chính, thậm chí là hình sự.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại sự việc ô tô Mazda 3 màu trắng đỗ chắn cửa bị chủ hộ gia đình thuê xe cẩu vào một bụi cây để "dằn mặt".

Các chuyên gia pháp lý cho rằng chủ nhà không nên tự ý cẩu xe ô tô của người khác đỗ trước cửa nhà mình

Các chuyên gia pháp lý cho rằng chủ nhà không nên tự ý cẩu xe ô tô của người khác đỗ trước cửa nhà mình

Sau khi sự việc này xảy ra, nhiều người thắc mắc trong vụ việc này chủ nhà làm như vậy là đúng hay sai và nếu sai thì có thể bị xử lý thế nào?

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, đầu tiên cần phải nhận biết việc chiếc xe Mazda 3 này đỗ trước cửa của chủ hộ gia đình kia có vi phạm luật giao thông đường bộ hay không.

"Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, không quy định về việc xử phạt đối với hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp xe ô tô đỗ sai quy định luật đường bộ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật", luật sư Bình nói.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Ông Diệp Năng Bình cho biết, trong trường hợp này kể cả khi chủ nhân của chiếc Mazda 3 có vi phạm (có nghĩa là đường này cấm ô tô dừng đỗ) thì chủ nhà cũng không có quyền cẩu xe, di chuyển chiếc xe này đi nơi khác.

"Về việc chủ nhà có hành vi xâm phạm vào chiếc ô tô là tài sản cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hay có các hành động can thiệp như cẩu xe, thậm chí không ít những trường hợp quá khích đã có hành động tạt sơn, đập phá ô tô... đều có thể bị coi là vi phạm pháp luật", ông Bình nhận định.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, nhiều tình huống có thể xảy ra với chủ nhà khi người này tự ý cẩu chiếc xe ô tô đỗ chắn của nhà mình bởi quyền sở hữu tài sản cũng được pháp luật bảo vệ, như chiếc xe ô tô trong quá trình bị di chuyển xảy ra trầy xước, hỏng hóc... thì chủ nhà hoàn toàn phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe.

Đặc biệt, khi dịch chuyển đến địa điểm mới, không ai trông coi xe ô tô xảy ra mất trộm, chủ nhà có thể sẽ bị vướng vào vòng lao lý với hành vi "Trộm cắp tài sản" bởi cho dù tình có ngay, thì lý vẫn gian. Còn về chi phí thuê phương tiện, người đến cẩu ô tô trên, chủ nhà hoàn toàn phải tự chi trả.

Để giải quyết những tình huống này "hợp tình, đúng lý", luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, chủ nhà cần phải liên hệ với chủ xe để có sự thống nhất.

Nếu chủ xe cố tình không hợp tác thì chủ nhà có thể liên hệ với cơ quan chức năng như CSGT, công an phường đến xử lý vụ việc. Nếu tuyến đường cấm dừng đỗ thì chủ chiếc xe chắc chắn sẽ bị xử lý và phải di chuyển chiếc xe đi.

Đầu tháng 8/2022, Công an TP. Thủ Đức (TP.HCM) vừa ra quyết định bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Huỳnh Phước Thọ (41 tuổi, ngụ ở địa phương) để điều tra về hành vi cố ý làm hư hại tài sản của người khác.

Tại cơ quan công an, Thọ khai, lúc 15h chiều ngày 31/7, khi đi nhậu về, Thọ nhìn thấy ô tô anh Lộc đậu cạnh cổng nhà mình nên bức xúc.

Thọ vào nhà bếp lấy 3 thanh gỗ ra ngoài đường đập phá ôtô của anh Lộc. Thọ cầm thanh gỗ đập kính chắn gió, cần gạt nước phía sau, vỡ kính chiếu hậu hai bên, vỡ đèn xi nhan bên phải, móp méo, trầy xước đuôi sau xe bên phải, móp phía trên vè bánh xe bên trái.

Nguồn: [Link nguồn]

Có được cấm người khác đỗ xe trên đường phố trước cửa nhà mình?

Nhiều chủ nhà treo biển cấm người khác đỗ xe ở đường phố vị trí trước nhà mình, thậm chí khoá bánh hoặc xịt sơn vào những chiếc xe đỗ đậu ở đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Nóng trên mạng xã hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN