Từ vụ “võ sư” đánh vợ: Đấm, tát vợ có thể đi tù?

Sự kiện: Thời sự

Độc giả bày tỏ thắc mắc, chồng đánh vợ ở mức độ nào thì bị xử phạt hành chính, trường hợp nào thì bị xử lý hình sự?

Hình ảnh chị Lý bị chồng đánh đập khiến nhiều người bức xúc. (Ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh chị Lý bị chồng đánh đập khiến nhiều người bức xúc. (Ảnh cắt từ clip)

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh chị Lý (SN 1992, ở Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đang bế trên tay con gái 2 tháng tuổi nhưng vẫn bị chồng võ sư tên Vinh đánh ngã nhiều lần.

Trước đó vài ngày, trên mạng xã hội cũng lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh, một người vợ bế đứa con nhỏ trên tay đi ra phía ngoài cửa thì bị chồng lao ra tát tới tấp vào mặt vợ rồi mắng: “Tao nói cho mày biết, tao nhịn mày nhiều rồi đấy”.

Chưa dừng lại, người chồng tiếp tục dùng chân đá vào người và đánh vào mặt dù người vợ một tay bế con, tay còn lại cố gắng che đầu đỡ trận đòn. Cậu con trai lớn thấy bố đánh mẹ nhưng không dám can ngăn.

Người vợ sau đó không muốn đứng lại chịu đòn nên định bế con vào trong nhà, tuy nhiên, người chồng vẫn không chịu để yên, tiếp tục xông ra tát mạnh vào mặt vợ.

Các đoạn clip trên sau đó được chia sẻ chóng mặt, nhiều người xem bày tỏ ý kiến gây phẫn nộ trước hành vi bạo hành phụ nữ đang nuôi con nhỏ.

Nhiều độc giả cũng bày tỏ thắc mắc, chồng đánh vợ ở mức độ nào thì bị xử phạt hành chính, trường hợp nào thì bị xử lý hình sự?

Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thanh viên khác trong gia đình.

Pháp luật Việt Nam hiện hành đã đặt ra các quy định nhằm phòng chống, xử lý các hành vi bạo hành trong gia đình. Trong đó, Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp, cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

Về việc xử phạt hành chính, luật sư Lê Văn Kiên cho biết, người có hành vi xâm phạm tới sức khoẻ thành viên trong gia đình, cụ thể là chồng dùng tay chân, đánh vợ gây thương tích chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 1-1,5 triệu đồng theo điều 49 (quy định xử phạt về Hành vi xâm phạm sức khoẻ thành viên trong gia đình) của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

“Nếu người chồng sử dụng công cụ gậy gộc, cốc chén, hay ném đá gây thương tích cho vợ hoặc không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình (trừ trường hợp nạn nhân từ chối) thì người chồng sẽ bị phạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

Ngoài ra, người chồng phải xin lỗi công khai nếu người vợ bị bạo hành có yêu cầu”, luật sư Kiên cho biết.

Theo luật sư Lê Văn Kiên, nhiều trường hợp vợ bị đánh không trình báo cơ quan chức năng vì xấu hổ hoặc sợ bi bạo hành thêm nên chính quyền sở tại khó xử lý các hành vi bạo hành.

Tuy nhiên, nếu lực lượng chức năng có clip hoặc có căn cứ chứng minh người chồng có hành vi bạo hành vợ thì hoàn toàn có thể xử phạt mà không cần đơn yêu cầu từ phía bị hại.

Về việc xử lý hình sự, luật sư Lê Văn Kiên cho biết, sau khi bị bạo hành người vợ có đơn gửi cơ quan điều tra, đề nghị xử lý hành vi của người chồng và đi giám định thương tích thì người chồng có thể bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”.

“Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như dùng hung khí nguy hiểm, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, dùng a-xít sunfuric hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Như vậy, giả sử người chồng chỉ dùng tay, chân đánh đập vợ nhưng gây thương tích cho vợ từ 11%-30%, hoặc gây cố tật nhẹ thì người chồng sẽ bị khởi tố, xử lý hình sự. Trường hợp người chồng sử dụng dao, kéo, gậy gộc đánh vợ thì nếu thương tích dưới 11% người chồng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự và ngồi tù”, luật sư Kiên phân tích.

Luật sư Lê Văn Kiên cho rằng, việc người chồng ra tay đánh vợ dù với bất kỳ ký do gì cũng không thể chấp nhận được, đó là một hành động tồi và đáng bị lên án.

“Hành động của người chồng không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của người vợ mà còn gián tiếp gây những ảnh hưởng xấu lên chính đứa con chứng kiến hành vi bạo hành đó”, luật sư Kiên nói.

Diễn biến bất ngờ vụ “võ sư” đánh vợ trẻ đang bế con

Cơ quan công an vừa thông tin về động thái bất ngờ từ phía người vợ trẻ bị chồng bạo hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Tuấn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN