Từ vụ thất lạc nguồn phóng xạ: Nỗi đau người bị nhiễm xạ
Nguồn phóng xạ hoạt tính cao có thể gây tác hại như thế nào đối với những người vô tình tiếp xúc, là điều công chúng cần được biết. Sự cố gần 30 năm trước di hại đến bây giờ, mà ông Ngọc tự trào là “trả thuế ngu cho phóng xạ”, được ông kể giúp phòng tránh cho lớp hậu sinh…
Rất ít người biết ông còn là một nạn nhân của phóng xạ! Gần ba mươi năm qua ông vẫn từng ngày, từng giờ phải tự tìm mọi cách chống chọi với sức công phá của phóng xạ, chung sống với tình trạng tế bào trong cơ thể bị hủy hoại không ngừng vì nhiễm xạ.
Khoảng năm 1986, 1987, ông đang công tác ở Tổng cục Cảnh sát, được Tổng cục An ninh điều động tham gia tổ chuyên án điều tra về một đường dây mua bán trái pháp luật những thỏi nghi là chất phóng xạ to nặng, mà người dân lúc bấy giờ thường nhầm lẫn gọi là đồng đen, hoạt độ cao. Thời đó, ông Ngọc cùng cộng sự đưa ra một thắc mắc: “Vì sao những thỏi phóng xạ có dấu hiệu xuất xứ từ Mỹ này lại rơi vào miền Trung nước Việt, nhiều nhất ở mấy tỉnh phía nam Hà Tĩnh, Quảng Bình?”.
Thắc mắc này tới nay vẫn chưa ai trả lời được, chỉ một điều rất rõ là những thỏi phóng xạ cực độc đó lại bị lén lút ngấm ngầm mua bán, gây ra những mối đe dọa khôn lường trong xã hội.
Trước lúc vào địa bàn thực thi nhiệm vụ, ông Ngọc lúc bấy giờ lãnh trọng trách phó ban chuyên án (đồng phó ban chuyên án lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Hưởng, sau này lên Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an… đã sang Viện Vật lý Hạt nhân tìm hiểu về hình thù, tác hại, cách sử dụng các loại máy đo dò phóng xạ, cách đề phòng bảo quản trên đường vận chuyển như thế nào đối với các thỏi uranium.
Một tiến sĩ hạt nhân giải đáp tỉ mỉ cả tiếng đồng hồ, trấn an rằng nguồn phóng xạ luôn được bao bọc bởi lớp vỏ chì rất dày nên khá an toàn. Trong trí nhớ của đại tá Ngọc, khi chuyên án thắng lợi, thu về được cỡ 1,2 tạ tang chứng, gồm những khối thỏi được cho là chất phóng xạ bọc chì hình thang, to như cục gạch, nặng khoảng 9,7 kg/tảng.
Có 20 người tham gia chuyên án, sau khi thu gom được hết số vật chứng họ lại tiếp tục nhận nhiệm vụ áp tải, vận chuyển số hàng quốc cấm này từ vùng giáp biên giới Lào, thuộc huyện Hưng Nguyên - Nghệ An ra Hà Nội.
Đinh ninh uranium bọc chì an toàn, hễ thu được thỏi nào là các thành viên ban chuyên án lại cho vào túi dết đeo cạnh người, bỏ vào bao chất sau xe, mang về phòng thì quẳng dưới gầm giường. Họ lênh đênh cả tháng người đâu tang vật đó trước khi kết thúc chuyên án, áp tải trọn vẹn cả khối tang vật về nộp cho Nhà nước.
Sau đó, từng thành viên nhóm chuyên án được phát hiện có những biểu hiện về sức khỏe, được đưa vào bệnh viện quân đội làm các xét nghiệm. Các bác sỹ xác định cả nhóm đều bị “dính” phóng xạ. Ông Ngọc bị nhiễm nặng nhất, với dấu hiệu là bạch cầu tăng vọt, hồng cầu giảm, có lúc da dẻ sùi mụn nhọt như thủy đậu, cơ thể rã rời mệt mỏi.
“Tôi sinh năm 1950, may lúc đó đường con cái đã xong, thằng cu út tới giờ cũng đã kịp theo nghề bố. Nhưng thuốc Tây bất lực. Bác sĩ bảo vì phóng xạ liên tục tiêu diệt tế bào non và hồng cầu, nên phải ráng ăn mỗi ngày cho được 20-30 cái lòng đỏ trứng gà để tái tạo tế bào và uống nước chè tươi để thúc đẩy quá trình trao đổi chất, ngăn ngừa ung thư.
Chế độ chính sách về hậu quả công vụ kiểu này lúc đó chưa có, chỉ được bồi dưỡng cân đường hộp sữa, nên từ đó lương thưởng bao nhiêu, cả nhà cũng ưu tiên dành dụm hết cho tôi bồi dưỡng bằng trứng với chè xanh! Việc tăng cường tập khí công mỗi ngày cũng giúp tôi phần nào duy trì được trạng thái cân bằng, dù không ngăn được mắt kém, răng hỏng, và các bộ phận khác ngày càng xộc xệch...”, đại tá Ngọc kể.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc nghỉ hưu năm 2010, sau thời gian khá dài công tác ở cương vị phó Phòng trọng án của Cục Điều tra Hình sự - Bộ Công an.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về chuyện thất lạc thanh phóng xạ ở Vũng Tàu, Giáo sư Phạm Duy Hiển - Cố vấn của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cho biết: