Từ vụ sát hại nhóm hiệp sĩ: Có nên trang bị công cụ hỗ trợ cho các hiệp sĩ?
Sau vụ hai hiệp sĩ bị sát hại, nhiều người thắc mắc, có nên trang bị công cụ hỗ trợ cho các hiệp sĩ.
Hiện trường nơi xảy ra vụ sát hại nhóm hiệp sĩ Tân Bình.
Liên quan tới vụ việc nhóm đối tượng trộm xe SH tấn công nhóm hiệp sĩ Tân Bình tại đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM) tối 13/5 làm 2 người chết, PV đã có cuộc trao đổi với trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tâm lý tội phạm học) xung quanh vụ án trên.
PV: Các hiệp sĩ có được quyền bắt giữ tội phạm không thưa ông?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về bắt người phạm tội quả tang thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt giữ tội phạm, đang thực hiện hay vừa thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, những người dân tham gia vào tổ phòng chống tội phạm họ hoàn toàn có quyền.
Chuyện người dân phòng chống tội phạm như vụ việc vừa xảy ra (nhóm hiệp sĩ Tân Bình bắt trộm xe SH - PV) tôi cho rằng rất cần thiết. Họ hoàn toàn có quyền tham gia hoạt động bắt tội phạm.
Trung tá Đào Trung Hiếu.
Có nên duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ hiệp sĩ phòng chống tội phạm?
Việc bảo vệ an ninh trật tự nói chung, bảo vệ sự bình yên trong cuộc sống thì không thể giao khoán, phó mặc hoặc trông chờ vào một lực lượng mà đây là việc của toàn xã hội. Tôi cho rằng việc bài trừ tội phạm, những hiện tượng xã hội tiêu cực là trách nhiệm của toàn xã hội và mọi công dân.
Chuyện xây dựng các tổ dân phòng, tổ tự quản, câu lạc bộ phòng chống tội phạm đường phố tôi cho hết sức cần thiết. Thời gian qua lực lượng tự quản, tự phát của nhiều người dân đã có nhiều đóng góp hỗ trợ trong việc đấu tranh bài trừ tội phạm.
Rất nhiều địa phương chứ không riêng gì TP.Hồ Chí Minh tổ chức an ninh cơ sở khi được kiện toàn như tổ dân phòng, tổ xe ôm, săn bắt cướp… hoạt động có hiệu quả thì tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, trước hết tội phạm sẽ bị phát hiện ngay.
Chính người dân khi có ý thức đấu tranh chống tội phạm thì sức mạnh của nhân dân là vô tận. Chúng tôi đã khảo sát ở đâu an ninh cơ sở triển khai tốt, ở đó tội phạm sẽ bị phát hiện ngay khi mới manh nha xuất hiện và kịp thời ngăn chặn.
Có thể lực lượng chức năng không ở đó để kịp thời ngăn chặn nhưng người dân khi được đưa vào các tổ chức dưới sự hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của lực lượng chức năng thì họ có thể phát hiện ra hành vi phạm tội thì ngay lập tức họ thực hiện bắt giữ giao cơ quan chức năng.
Từng có nhiều vụ án, các đối tượng trộm cướp có hung khí và chống trả, tấn công người bắt giữ, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Một đặc điểm tâm lý tội phạm rất phổ biến, đó là tội phạm rất sợ bị trừng trị. Chúng thừa biết hành vi của chúng vi phạm pháp luật, chống lại xã hội, đi ngược lại pháp luật do đó hành vi đó sẽ bị trừng trị nếu chúng bị bắt, đồng nghĩa sẽ phải gánh chịu pháp lý.
Do đó, bản năng tự vệ sẽ thôi thúc chúng thành hành động chống trả để triệt tiêu, bất cứ ai. Trong trường hợp hôm qua, nếu các “hiệp sĩ” là lực lượng chức năng chúng cũng sẽ chống lại. Bất cứ ai đẩy chúng vào khả năng bị bắt là chúng sẽ chống lại. Đây là phản ứng tâm lý của tội phạm mọi người cần biết khi bắt tội phạm. Đối tượng trộm cắp bây giờ chúng đều mang theo hung khí nên rất nguy hiểm.
Có nên trang bị công cụ hỗ trợ, kỹ năng cho thành viên tham gia câu lạc bộ phòng chống tội phạm?
Tôi từng tham dự các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng chống tội phạm tượng tự như câu lạc bộ hiệp sĩ Tân Bình nhưng ở Hà Nội. Những người tham gia các câu lạc bộ này là các bác xe ôm, tiểu thương làm việc ngoài đường.
Các thành viên trong câu lạc bộ được phổ biến các kiến thức pháp luật, bắt giữ tội phạm trong trường hợp nào, quy trình ra sao. Có câu lạc bộ còn triển khai hướng dẫn các động tác võ thuật cơ bản phục vụ bắt giữ tội phạm. Các câu lạc bộ này là rất cần thiết.
Từ những vụ án đau lòng, tôi cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, động tác võ thuật bắt giữ tội phạm, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho lực lượng tự quản, hiệp sĩ, thành viên các câu lạc bộ phòng chống tội phạm để giảm thiểu thiệt hại khi tiếp cận tội phạm.
Ngoài ra, có thể trang bị công cụ hỗ trợ cho các thành viên của câu lạc bộ phòng chống tội phạm được thành lập từ phường xã. Đây là tổ chức được cấp chính quyền cơ sở thành lập ra, trang bị công cũ hỗ trợ như áo giáp, găng bắt dao, dùi cui là cần thiết.
Các hiệp sĩ gặp nạn khi bắt giữ tội phạm có được hưởng chế độ chính sách gì không thưa ông?
Vấn đề chế độ chính sách cho các hiệp sĩ hy sinh khi vì sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự là vấn đề được nhiều quan tâm.
Năm 2017, Bộ Công an có lấy ý kiến về quy chế về xây dựng quỹ phòng chống tội phạm, trong đó có quy định thưởng nóng 5 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tập thể những người dân có thành trích trong việc phát hiện, tham gia bắt giữ tội phạm. Đây là chính sách rất cần thiết, có tác dụng kịp thời động viên, khích lệ người dân tích cực tham gia vào phòng đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về chế độ người dân tham gia phòng chống tội phạm như các hiệp sĩ khi bị thương, bị chết thì sẽ hưởng chế độ bao nhiêu. Qua câu chuyện (các hiệp sĩ gặp nạn khi bắt giữ tội phạm) chúng ta phải đẩy nhanh việc xây dựng quy định về chế độ với người dân bị thiệt hại về tính mạng khi tham gia phòng chống tội phạm.
Qua vụ xảy ra với hiệp sĩ Tân Bình, tôi bày tỏ lòng tiếc thương, gửi lòng chân thành tới các hiệp sĩ, những người đã ngã xuống vì sự nghiệp bình yên của cuộc sống. Tôi thấy rằng xã hội cần phải tri ân những người dân bình thường nhưng họ có lòng nghĩa hiệp.
“Hành động bắt trộm, bị đâm tử vong của hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi,...