Từ vụ phở Hòa, tụ điểm thác loạn...: Chính quyền địa phương ở đâu?
Nếu làm tốt chức trách của mình, chính quyền địa phương sẽ không thể để lọt những dấu hiệu bất thường, không để "cái sảy nảy cái ung".
Ngày 5-8, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã bắt giữ khẩn cấp 5 người tham gia "khủng bố" quán phở Hòa Pasteur (phường 8, quận 3, TP HCM). Như vậy, sau chưa đầy 1 tuần báo chí, dư luận lên tiếng, Công an TP vào cuộc để điều tra và phía Bộ Công an phía Nam cũng quan tâm, theo dõi sát sao vụ việc, đến hôm nay, sự việc tạm thời đã có kết quả bước đầu.
Bó tay?
Trước đó, suốt trong tháng 7-2019, quán phở Hòa Pasteur bị các đối tượng lạ mặt dùng sơn, mắm tôm "khủng bố" đến 8 lần. Dù chủ quán đã trình báo công an kèm hình ảnh, video nhưng địa phương không vào cuộc, nghi phạm không bị xử lý, ngược lại vẫn ngang nhiên lộng hành.
Trong khi đó, khoảng cách từ quán phở Hòa Pasteur đến Công an phường 8, quận 3 chỉ vài trăm mét. Vậy suốt 1 tháng đó, Công an phường 8 đã làm gì? Vì sao giang hồ hành động giữa ban ngày, ngang nhiên tấn công nhà dân liên tục nhưng không xử lý được? Vì sao khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh từ camera rất rõ nét nhưng không xuống ghi nhận hiện trường, lấy lời khai những người liên quan…?
Loạt phóng sự "Bí mật bên trong các tụ điểm thác loạn" trên Báo Người Lao Động một lần nữa cho thấy trên địa bàn TP HCM có nhiều nhà hàng, quán bar hoạt động mại dâm trá hình, cho khách sử dụng ma túy tồn tại trước mắt chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan. Không riêng gì loại hình nhà hàng mà còn khá nhiều các loại hình dịch vụ nhạy cảm khác cũng đang biến tướng tồn tại trên địa bàn TP HCM. Đáng nói là suốt thời gian hoạt động, những nơi này phải chịu sự kiểm tra, giám sát của rất nhiều ban ngành, từ phường, quận đến TP; nhiều đoàn kiểm tra liên ngành… Vậy địa phương và những cơ quan, tổ chức này có biết đến "điểm đen" trên địa bàn phụ trách hay không? Vì sao không xử lý triệt để được?
Sau khi bị tạt chất bẩn, quán phở Hòa Pasteur tạm ngừng bán để khắc phục hậu quả.Ảnh: Phạm Dũng
Vừa qua, gần 400 người Trung Quốc vận hành đường dây đánh bạc trực tuyến ở khu đô thị Our City (Hải Phòng) đã được trao trả về Trung Quốc nhưng sức nóng của vụ việc vẫn còn. Đó chính là trách nhiệm quản lý địa bàn của cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở. Mặc dù được quy hoạch với quy mô không hề nhỏ nhưng công tác quản lý địa bàn của chính quyền địa phương đối với nơi này gần như buông lỏng, không nắm được ở đây có bao nhiêu người sinh sống, bên trong có những gì. Đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng nơi đây chưa một lần bị kiểm tra hay xử phạt về việc đăng ký tạm trú. Công an phường báo cáo có 27 người Trung Quốc đăng ký tạm trú trong khu đô thị nhưng thời điểm công an đột kích có đến gần 400 người.
Vụ việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp với các dự án "ma" núp bóng hợp đồng "đầu tư" với nông dân chủ đất, lách luật của Công ty CP Địa ốc Alibaba và nhiều công ty khác, đã đưa rất nhiều khách hàng vào tròng. Đất nông nghiệp, đất công... rao bán công khai, "cò mồi" ầm ĩ. Sự lừa đảo công khai mà hầu như chính quyền không làm gì được trong một thời gian dài khiến cả ngàn người dính vào dự án và đến nay, nhiều khách hàng vẫn còn nửa tin nửa ngờ khi các chủ dự án không bị xử lý.
Xử lý người đứng đầu
Trên đây chỉ là vài vụ việc điển hình xảy ra trong thời gian gần đây. Vẫn còn rất nhiều vụ việc ở nhiều nơi, thậm chí để lại hậu quả nghiêm trọng thì chính quyền địa phương mới "té ngửa" hoặc khi biết rồi thì xử lý nửa vời, không triệt để, không có những động thái quyết liệt khiến kỷ cương, phép nước bị coi thường, làm giảm thiểu vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở.
Trách nhiệm của chính quyền cơ sở là phải nắm chắc địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phòng ngừa ngăn chặn tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thực tế, mọi việc diễn ra tại địa bàn quản lý, người dân biết thì không lý gì chính quyền địa phương không biết. Bởi "giúp việc" cho chính quyền địa phương còn có các tổ chức tự quản, tổ dân phố, khu phố, các hội, đoàn thể nhân dân… Đặc biệt, công an cơ sở (mà chủ công là cảnh sát khu vực) được xác định là lực lượng nòng cốt, xung kích trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, hoạt động theo quy định của Luật Công an nhân dân và các văn bản khác có liên quan. Nếu làm tốt chức trách của mình, chính quyền cơ sở sẽ không thể để lọt những dấu hiệu bất thường, không để "cái sảy nảy cái ung".
Vì thế, ngoài việc nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của công an, cán bộ cơ sở, đã đến lúc cần truy cứu trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu đơn vị, cơ sở (bí thư, chủ tịch, trưởng công an phường - quận...) nếu để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng và chậm xử lý, xử lý không triệt để, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân, an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách. Chỉ có như vậy mới đem lại sự bình yên cho xã hội, tạo niềm tin cho người dân vào chính quyền của chúng ta.
Để xảy ra một sự việc nghiêm trọng ở địa bàn quản lý, không thể nói các cấp chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, chính quyền vô can.
Chiều 5/8, Công an TPHCM đã thông tin chính thức về vụ quán Phở Hòa (trên đường Pasteur, phường 8, quận 3, TPHCM) liên tục...