Từ vụ Nam Em bị phạt: Khi nào và ai được chặn tài khoản Facebook, Tiktok?

Đối với mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thì bước xử lý đầu tiên là Bộ TT&TT sẽ gửi đề nghị phối hợp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm... cần ngăn chặn, gỡ bỏ.

Mới đây, Sở TT&TT TP.HCM đã tiếp tục xử phạt bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em 10 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân.

Đáng chú ý, Sở TT&TT cho biết sẽ báo cáo, kiến nghị Bộ TT&TT xem xét, xử lý ngăn chặn đối với 02 tài khoản Facebook “Nguyễn Lệ Nam Em” và tài khoản Tiktok “Nguyễn Lệ Nam Em” theo quy định tại Điều 5 Thông tư 38/2016 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc là khi nào tài khoản Facebook, Tiktok bị chặn và ai có quyền chặn?

Nam Em tiếp tục bị Sở TT&TT TP.HCM xử phạt. Ảnh: FBNV

Nam Em tiếp tục bị Sở TT&TT TP.HCM xử phạt. Ảnh: FBNV

Thông tin gây hoang mang là thông tin cần phòng ngừa

Theo Luật sư Nguyễn Trương Văn Tài (Đoàn Luật sư TP.HCM) Điều 16 Luật An ninh mạng đã có quy định "Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân..." là thông tin cần phòng ngừa, xử lý.

Cụ thể hơn, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 27/2018 có quy định cấm việc lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích như: Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp Luật quy định; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;...

Theo luật sư Tài, khi có các vi phạm tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013 Bộ TT&TT sẽ xác định các thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến theo quy định tại Điều 5 Thông tư 38/2016/TT-BTTTT.

Chỉ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm

Cụ thể hơn, TS Cao Vũ Minh (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) cho rằng hiện nay, Việt Nam đang có hai loại hình mạng xã hội. Một là, mạng xã hội của các doanh nghiệp trong nước được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và do Bộ TT&TT quản lý. Hai là, mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam như facebook, tiktok...

Đối với các vi phạm thông tin trên mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước quản lý thì việc xử lý không có gì phức tạp. Tuy nhiên, đối với mạng xã hội nước ngoài cung cấp thì việc xử lý sẽ có rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, theo Thông tư 38/2016/TT-BTTTT thì Bộ TT&TT sẽ tiến hành xác định các thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến. Sau đó, Bộ TT&TT gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm.

Trong thời hạn 24 giờ sau khi gửi đề nghị, tổ chức, cá nhân nước ngoài xác định thông tin vi phạm và thực hiện xử lý thông tin theo đề nghị. Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TT&TT thông sẽ gửi thông báo lần hai.

Sau 24 giờ tiếp theo, nếu vẫn tiếp tục không xử lý thông tin và cũng không có phản hồi trở lại, Bộ TT&TT sẽ thực thi những biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Như vậy, Thông tư 38 cho phép tối đa sau 48 giờ thì tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải gỡ bỏ thông tin khi nhận được yêu cầu. Điều này là hợp lý bởi do chênh lệch về múi giờ giữa các quốc gia, việc quy định một khoảng thời gian quá ngắn sẽ gây bất lợi và khó khăn trong việc giải quyết vi phạm.

Cũng theo TS Minh, chủ thể duy nhất có thẩm quyền gửi yêu cầu phối hợp bằng văn bản là Bộ TT&TT. Ngoài cơ quan này, các chủ thể khác, mặc dù có phát hiện vi phạm về quản lý thông tin mạng xã hội thì cũng không có thẩm quyền gửi yêu cầu cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành ở nước ta lại không quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xem xét giải quyết. Trong trường hợp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới “phớt lờ” yêu cầu của Bộ TT&TT thì vấn đề rất có thể sẽ đi vào “ngõ cụt”.

"Tất nhiên, Bộ TT&TT vẫn có quyền tự vệ bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm bảo vệ an ninh trên mạng xã hội nhưng rõ ràng xây dựng cơ chế phối hợp có trách nhiệm với nhau vẫn là điều cần thiết. Điều này không chỉ duy trì mối quan hệ hữu hảo giữa các bên mà còn tăng cường khả năng chọn lọc và phát thông tin cũng như đề cao trách nhiệm với nhau", theo TS Cao Vũ Minh.

Đối với vụ việc Nam Em, TS Minh nhận định, do hai tài khoản mạng xã hội này được cung cấp thông tin công cộng qua biên giới nên trước mắt Bộ TT&TT chỉ có thể đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý. Trong trường hợp không nhận được sự hợp tác thì Bộ TT&TT mới có thể thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết như vô hiệu hóa người dùng, tẩy nhiễm thông tin hoặc chặn kỹ thuật các tài khoản của Nam Em.

Lưu ý là theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 38/2016/TT-BTTTT thì biện pháp chặn kỹ thuật sẽ được áp dụng xuyên suốt và chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TT&TT.

Đáng chú ý, thông tư này cũng chỉ quy định việc chặn, gỡ bỏ các thông tin được xác định là vi phạm, chứ không quy định về việc chặn, gỡ tài khoản có chứa các nội dung vi phạm.

Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã mời Nguyễn Thị Lệ Nam Em lên làm việc vào sáng 9/4.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo YẾN CHÂU ([Tên nguồn])
Nóng trên mạng xã hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN