Từ vụ lật cầu treo: 2 Bộ cùng “giật mình”

Tai họa tại cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu) đã khiến 2 Bộ GTVT và Xây dựng cùng “giật mình” nhìn lại những lỗ hổng của toàn bộ các khâu thiết kế, thi công, sử dụng, bảo trì cầu treo.

Bất cập và tiềm ẩn rủi roNgay sau khi có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT đã gửi công điện khẩn đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Tổng cục Đường bộ VN nhằm rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh. Theo Bộ GTVT, hệ thống biển báo hiệu an toàn giao thông chưa đầy đủ và không có hướng dẫn khai thác đã dẫn đến tình trạng không đảm bảo an toàn giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. 

Từ vụ lật cầu treo: 2 Bộ cùng “giật mình” - 1

Một cây cầu treo đã được đưa vào sử dụng 12 năm tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Cụ thể, các địa phương phải rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn, tổ chức kiểm định chất lượng các cầu để có phương án khai thác cho phù hợp. Đồng thời, lắp ngay biển báo quy định tải trọng và hướng dẫn chi tiết thật dễ hiểu để đáp ứng việc đi lại của người dân. 

Vài ngày sau, ông Trịnh Đình Dũng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng có công văn gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Từ tai họa Chu Va 6, Bộ Xây dựng nhận định có nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro về chất lượng gây mất an toàn chịu lực của cầu treo dân sinh qua tất cả các khâu quản lý đầu tư xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý bảo trì.

Bộ Xây dựng đã đưa ra hướng dẫn: Phải kiểm tra hồ sơ khảo sát thiết kế về việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn được phép áp dụng và đảm bảo an toàn chịu lực. Trường hợp phát hiện sai sót trong thiết kế hoặc những khiếm khuyết về chất lượng công trình phải tổ chức kiểm định, đánh giá về an toàn chịu lực và có giải pháp sửa chữa, gia cường thích hợp. Đồng thời phải kiểm tra việc lập quy trình bảo trì công trình và tổ chức thực hiện bảo trì công trình. Các địa phương phải yêu cầu các đơn vị quản lý sử dụng công trình thực hiện nghiêm túc việc bảo trì, quan trắc công trình trong quá trình khai thác sử dụng.

Khẩn cấp “cứu” cầu treo

Sau thảm họa tại Lai Châu, các địa phương khác cũng “soi” lại hệ thống cầu treo dân sinh dường như bị bỏ quên ngay sau khi được đưa vào khai thác. 

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN trước ngày 31.3 phải xây dựng quy chế quản lý, khai thác, bảo trì cầu treo.

Tỉnh Quảng Bình, nơi có đến 7 cây cầu treo đã hết hạn sử dụng từ 6 năm trước cũng đã “ngay lập tức” tìm được nguồn kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng cầu. Thực trạng xuống cấp của các cầu treo dân sinh đã được Sở GTVT Quảng Bình kiểm tra từ năm 2012.

Cụ thể có 9 cầu treo bị hư hỏng phần mặt đến 70%, trụ cầu bị sụt trượt xâm thực, cáp gỉ sét… nhưng chưa được sửa chữa vì chưa có kinh phí. Tại các địa phương này, người dân đành liều mạng “treo mình” khi đi qua những cây cầu đã hết hạn sử dụng. Chỉ đến khi thảm họa cầu Chu Va 6 xảy ra, địa phương mới tìm được nguồn kinh phí 13 tỷ đồng từ Quỹ Bảo trì đường bộ để cứu cầu.

Tương tự, cũng từ nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra khả năng khai thác và tiến hành bảo trì cầu treo dân sinh trên địa bàn. Thời gian các đoàn kiểm tra của địa phương thực hiện công việc được ấn định ngay trong tháng 3.2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hiếu - Vinh Hải (Dân Việt)
Lật cầu thảm khốc ở Lai Châu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN