Từ vụ giả vờ là người gây TNGT để cứu người: Không cứu giúp nạn nhân có thể bị phạt tù

Sự kiện: Tin nóng

Người đi đường thấy người gặp tai nạn giao thông mà ngó lơ không giúp nạn nhân sẽ bị xử lý như thế nào?

Mới đây, câu chuyện của tài xế Nguyễn Văn Lực (ở Hải Dương) lưu thông trên đường 5 hướng từ Hải Phòng đi Hà Nội phát hiện nam thanh niên đi xe máy SH bị tai nạn đang nằm bất động ven đường. Ngay sau đó, anh Lực nhanh chóng dừng xe, bật tín hiệu cảnh báo giữ hiện trường, bảo vệ người gặp nạn. Đồng thời bật điện thoại lên phát trực tiếp trên mạng xã hội để có bằng chứng chứng minh mình không phải là người gây tai nạn rồi kêu gọi người dân và người đi đường cứu giúp nạn nhân.

Tuy nhiên, vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, đường vắng người qua lại và cũng nhiều người sợ va chạm nên khi đi qua đã ngó lơ, không dừng lại giúp. Do không nhờ được ai, anh Lực đành phải giả vờ mình là người vừa gây ra vụ tai nạn để gọi người cứu giúp nam thanh niên gặp nạn. Sau đó, nam thanh niên được đưa lên thùng xe container của anh Lực và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Nam thanh niên bị tai nạn trên quốc lộ 5 được anh Lực giúp đỡ

Nam thanh niên bị tai nạn trên quốc lộ 5 được anh Lực giúp đỡ

Liên quan đến sự việc trên, trong trường hợp này người ngó lơ không giúp nạn nhân bị tai nạn có bị xử lý không và bị xử lý như thế nào, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư để làm rõ nội dung này.

Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, những người tham gia giao thông khi gặp vụ tai nạn vì sợ trách nhiệm, ngại liên quan mà lảng tránh, không cứu giúp người bị nạn. Vậy nên, hành vi cứu người lúc nguy cấp của anh Lực là một nghĩa cử cao đẹp, đầy tình người và vô cùng đáng trân trọng.

Theo luật sư Tùng, đối với hành vi hành vi bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm của người đi đường mà còn do thiếu hiểu biết pháp luật. Tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa người bị nạn, báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất. Bảo vệ tài sản của người bị nạn, cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.

Luật sư Tùng cũng phân tích thêm, Khoản 18 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

“Đối với các cá nhân có mặt tại hiện trường nhưng ngó lơ không giúp nạn nhân có thể bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi không cứu giúp người bị tai nạn theo điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 100 ngày 30/12/2019 của Chính phủ. Những người này sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức”, luật sư Tùng nói.

Ngoài ra, theo luật sư Tùng, việc ngó lơ không giúp nạn nhân bị tai nạn dẫn đến người bị tai nạn tử vong có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 7 năm; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Còn luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật tại Hà Nội, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, gặp người bị tai nạn giao thông rồi bỏ đi, không giúp đỡ khi có yêu cầu là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì hành vi trên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Bình, cứu giúp người bị tai nạn giao thông là nghĩa vụ của chúng ta. Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh nhiều những gương người tốt, việc tốt, những tấm lòng vì cộng động, cũng có không ít trường hợp thờ ơ trước những người gặp nạn, hay đôi khi chỉ là sợ trách nhiệm, ngại bị liên lụy nên mọi người đã bỏ mặc sự cầu cứu giúp đỡ.

Thậm chí, có kẻ lợi dụng cơ hội để hôi của, ăn cắp, lấy tài sản của người gặp nạn. Hành động đó không chỉ dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức trong xã hội mà còn được xem là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải sửa chữa, khắc phục kịp thời.

“Trong trường hợp trên, việc tài xế Lực ghi lại hiện trường và sau đó mới kêu gọi người giúp đỡ là hành động vừa bảo vệ bản thân vừa giúp được người khác. Còn những tài xế hay người dân mà ngó lơ không giúp người bị nạn là vi phạm pháp luật bị phạt tiền tại Điểm a Khoản 7 Điều 11 Nghị định 100 quy định”, luật sư Bình phân tích.

Nguồn: [Link nguồn]

Tài xế container nói lý do giả vờ gây tai nạn để cứu người

Gặp nam thanh niên bị tai nạn trên đường, anh Lực đành phải nói dối mình là người gây tai nạn để nhờ sự giúp đỡ từ người dân đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN