Từ vụ cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi”: Bói toán trên mạng bị phạt tù trong trường hợp nào?
Từ vụ cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” bị xử lý hành chính, nhiều độc giả thắc mắc, xem bói toán trên mạng trường hợp nào sẽ bị phạt tù?
Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) mới đây cho biết, đã quyết định xử phạt hành chính đối với Trương Thị Hương (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ suý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP.
Hương là cô đồng bổ cau “đúng nhận sai cãi" xem bói toán, có biểu hiện mê tín dị đoan gây sốt trên mạng xã hội.
Lực lượng chức năng làm việc với Trương Thị Hương
Theo Công an thị xã Kinh Môn, ngày 7/2, Công an thị xã Kinh Môn phát hiện tài khoản Facebook “Trương Hương” đăng tải video có nội dung cổ suý các hủ tục, mê tín, dị đoan lên mạng xã hội. Nội dung các video là các buổi xem bói của cô đồng tên Hương, hình thức xem của Hương là xem bằng lá trầu, quả cau.
Khi mọi người đến xem sẽ đưa cho Hương lá trầu và quả cau, sau đó Hương sẽ bổ quả cau, rồi nhìn vào quả cau đó phán đoán về tình duyên, tài vận, sức khoẻ, vận hạn của mọi người ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Địa điểm Hương xem bói là tại điện nhà Hương ở Hiến Thành, Kinh Môn. Sau khi được đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng, các video này đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Công an thị xã Kinh Môn đã rà soát, đã xác định tài khoản facebook “Trương Hương” là tài khoản Facebook cá nhân của Trương Thị Hương. Quá trình làm việc, Hương đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình. Đồng thời, Hương cho biết việc quay, phát các video có nội dung xem bói như trên đều do một mình Hương làm.
Liên quan tới vụ việc trên, nhiều độc giả thắc mắc, trường hợp nào thì người xem bói toán trên mạng bị xử lý hình sự.
Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Trần Văn Tư (Phó Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, mê tín được hiểu là có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không có căn cứ nào để chứng minh. Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên dẫn đến hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình cộng đồng về sức khỏe, thời gian, tính mạng.
Mê tín dị đoan có nhiều hình thức biểu hiện như hành vi cô đồng, bà cốt xem bói quẻ, xem số mạng sang hèn, cúng sao, cúng hạn... Một ví dụ về hiện tượng mê tín dị đoan là chữa bệnh bằng cúng bái...
Theo luật sư Tư, với vi phạm lần đầu, người có hành vi bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan sẽ bị phạt hành chính như trường hợp của “cô đồng bổ bổ cau” Trương Thị Hương. Tuy nhiên, trường hợp người có hành vi bói toán từng bị xử lý nhưng vẫn tái phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.
“Điều 320, Bộ luật Hình sự quy định về “Tội hành nghề mê tín, dị đoan” nêu rõ, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mức xử phạt sẽ tăng lên 3-10 năm tù nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết người; thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”, luật sư Tư nói.
Theo luật sư Tư, trong trường hợp bị cơ quan chức năng xác định, tái phạm hành vi bói toán, đồng bóng trên mạng xã hội hoặc gây hậu quả như gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, người phạm tội có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù cao nhất là 10 năm.
Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) thông tin chính thức vụ cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi".
Nguồn: [Link nguồn]