Từ vụ cháy khiến 14 người tử vong: ĐBQH đề xuất cấm cho thuê trọ kết hợp kinh doanh
Từ vụ cháy khiến 14 người tử vong, đại biểu Quốc hội đề xuất cấm loại hình cho thuê nhà trọ kết hợp với kinh doanh
Khoảng 0 giờ 30 phút ngày 24-5, vụ hỏa hoạn xảy ra tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) khiến 14 người tử vong. Ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ở gia đình kết hợp cho thuê trọ, kinh doanh.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) cho rằng không chỉ khu vực Trung Kính, ở Hà Nội còn rất nhiều khu vực khác có các công trình như trong vụ cháy khiến 14 người chết vừa xảy ra.
Ông An đề nghị phải có các giải pháp đồng bộ cả về ngắn hạn, dài hạn, kỹ thuật và mang tính bắt buộc, thì mới có thể ngăn chặn nguy cơ các vụ việc tương tự. Trong đó, chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh tay hơn, nếu rà soát trên địa bàn thấy những công trình tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng người dân thì phải dứt khoát xử lý. Trường hợp nhà không có lối thoát phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay vật cản hoặc thiết kế thêm lối thoát.
Phải trang bị cho những công trình thuộc diện trên bình chữa cháy, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm... Theo ông An, lâu nay chúng ta đã rà soát nhưng mới chỉ đang nhắc nhở, như trường hợp vụ cháy 14 người chết, chúng ta yêu cầu khu vực ở trên mái nhà không quây tôn kín như vậy, phải mở trống ra, nhưng thực tế ngôi nhà xảy ra cháy có mái tôn ở sân bịt kín, trong khi dưới tầng 1 là kinh doanh xe đạp điện.
Tại kỳ họp thứ 7 lần này, Quốc hội sẽ thảo luận về luật PCCC sửa đổi. Ông An đề xuất nếu cần thiết có thể thiết kế một mục riêng về PCCC đối với loại hình nhà ở. Các nội dung dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch hạ tầng đô thị, thẩm quyền của chính quyền địa phương, cũng như nghĩa vụ của công dân…
Riêng với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, phải có phương án, giải pháp phòng cháy và ngăn cháy.
Dẫn chứng vụ cháy ở Trung Kính làm 14 người tử vong, khi ngôi nhà có tới hàng chục phòng trọ và cả cơ sở sửa chữa xe đạp điện, ông An cho rằng phải cấm loại hình kinh doanh (nhất là kinh doanh các vật liệu dễ cháy) kết hợp phòng trọ. "Không thể tạo ra rủi ro cao như vậy. Nhà mà có hàng chục người thuê trọ trở lên, hệ thống PCCC không đảm bảo, thì dứt khoát phải cấm" - ông An nêu ý kiến.
Cũng liên quan đến vụ cháy trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn tỉnh Hải Dương) gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân. Theo bà Nga, vụ cháy này gây hậu quả rất nghiêm trọng. Các cơ quan quản lý cần có giải pháp để ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn tỉnh Hải Dương
Có ý kiến cho rằng nên rà soát một cách triệt để các công trình xây dựng ở thủ đô, công trình nào không đảm bảo PCCC thì cương quyết yêu cầu khắc phục, nếu không khắc phục được thì phải dừng hoạt động.
Theo bà Nga, nếu xử lý theo hướng cứng nhắc thì sẽ rất khó. Bởi lẽ, số lượng chung cư mini, khu nhà trọ ở Hà Nội là rất lớn, nếu tất cả công trình không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC phải dừng hoạt động sẽ dẫn đến 2 hệ lụy. Thứ nhất, với chủ đầu tư hoặc chủ nhà cho thuê, họ bị mất đi nguồn thu nhập; thứ hai, quan trọng hơn là những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong các khu trọ ấy sẽ đi đâu, về đâu.
Theo bà Nga, tuy vậy, nhưng cũng không vì các hệ lụy trên mà không rà soát, không xử lý. Cần có phương án riêng với từng loại hình công trình chứ không thể áp dụng một công thức chung. Ví dụ, với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, ở trong ngõ sâu, cơ quan quản lý không thể mở rộng đường cho xe chữa cháy đủ vào. Thay vào đó hãy kiểm tra kết cấu, vì phần lớn nhà bị cháy có nhiều người tử vong là do không có lối thoát hiểm.
"Phải yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo được lối thoát hiểm, khi có tai nạn thì người trong nhà nhanh chóng thoát ra" - bà Nga nói.
Một biện pháp khác cũng rất quan trọng, đó là công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố. "Tôi có cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, sau đó lại bị trôi đi" - bà Nga nói. Cùng với đó, mỗi người dân, bao gồm cả chủ nhà và người thuê trọ, cần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa PCCC, hạn chế tối đa các hành vi có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.
Một giải pháp nữa, theo các đại biểu, đó là cần phát triển loại hình nhà ở xã hội (NƠXH) cho thuê, tạo thêm cơ hội cho người thu nhập thấp được tiếp cận với nhà ở. Theo bà Nga, pháp luật hiện hành đã dành nhiều ưu đãi cho phát triển NƠXH nhưng giá vẫn còn khá cao so với thu nhập của người lao động.
Bà lấy ví dụ ở Hải Dương, giá NOXH dao động từ 11 đến 14 triệu đồng/m2 với 1 căn khoảng 50 m2 thì người lao động phải bỏ ra số tiền trên 500 triệu đồng. Với mức lương chỉ đủ sống, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể, số tiền này là rất lớn, vượt khả năng chi trả của nhiều công nhân.
Dẫn kết quả từ những lần tiếp xúc với người lao động ở khu vực đô thị, bà Nga nói rất đông trong số này mong muốn được sở hữu một căn NƠXH nhưng dưới dạng cho thuê trả tiền hàng tháng, chứ không phải mua đứt luôn. Nếu được ở những căn nhà như vậy, hạ tầng PCCC sẽ đảm bảo hơn, tính mạng và sức khỏe của người lao động cũng được an toàn hơn.
Còn đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng các giải pháp phòng cháy sẽ mang lại hiệu quả hơn là chữa cháy. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần tạo ra sự đồng bộ trong quy hoạch đô thị, đẩy mạnh đầu tư các dự án NƠXH, giảm dần câu chuyện thuê trọ tự phát như hiện nay.
TP Hà Nội hiện còn rất nhiều quỹ đất có thể tận dụng xây nhà cho người thu nhập thấp thuê. Hơn thế, luật Kinh doanh bất động sản cũng đã dành cơ chế cho loại hình này. Vì vậy, đây sẽ là một giải pháp cần tập trung trong tương lai.
Sẵn dây thang, thượng uý Tuấn Anh trèo vào trong tòa nhà tìm kiếm các nạn nhân và đưa được 4 nạn nhân thoát ra ngoài an toàn.
Nguồn: [Link nguồn]