Từ vụ bắt PGĐ Cty Thành Bưởi: Xử lý thế nào người điều động tài xế bị tước bằng lái ô tô?
Từ vụ tài xế bị tước bằng nhưng vẫn lái xe khách Thành Bưởi, gây tai nạn 5 người chết, nhiều độc giả thắc mắc, người giao ô tô hoặc điều động tài xế đang bị tước bằng lái ô tô tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử lý thế nào?
Lê Dương, Phó giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi về tội Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Điều động tài xế đã bị tước bằng lái xe khách
Liên quan tới ô tô khách biển số 50F-004.83 thuộc nhà xe Thành Bưởi va chạm với xe tải và xe 16 chỗ làm 5 người chết, ngày 10/11, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Dương (SN 1991, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi) về tội “Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 3, điều 263, Bộ luật Hình sự.
Lê Dương là con trai của ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, kết quả điều tra xác định, ngày 30/9/2023, Lê Dương đã ký Lệnh vận chuyển thể hiện việc điều động Hoàng Văn Tính (người đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước giấy phép lái xe từ ngày 5/8/2023) điều khiển xe ô tô biển số 50F-004.83 thực hiện hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Đà Lạt. Khi xe chạy tới Km 48, Quốc lộ 20 (thuộc địa phận huyện Định Quán) thì xe do Tính điều khiển đã gây tai nạn, hậu quả làm 5 người chết, 3 người bị thương.
Liên quan đến vụ án trên, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Định Quán đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Hoàng Văn Tính về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Giao xe, điều động tài xế bị tước bằng lái xe sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự
Từ vụ án trên, nhiều độc giả thắc mắc, người giao ô tô hoặc điều động tài xế đang bị tước bằng lái, không đủ điều kiện lái xe vẫn lái ô tô tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Luật giao thông Đường bộ quy định, người lái xe tham gia giao thông phải đảm bảo các điều khiện như: Đủ độ tuổi, sức khoẻ và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Trường hợp, tài xế đã bị tước bằng (tước giấy phép lái xe) nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật.
“Người điều động, giao xe cho tài xế đã bị tước bằng lái xe tham gia giao thông cũng là hành vi trái luật. Tùy vào mức độ vi phạm, tài xế, cá nhân tổ chức điều động, giao xe cho tài xế đang bị tước bằng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự” – luật sư Kiên nói.
Hiện trường vụ xe khách Thành Bưởi do Tính điều khiển gây tai nạn là 5 người tử vong.
Về xử lý hành chính, luật sư Lê Văn Kiên cho biết: Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).
Về xử lý hình sự, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết: Theo điều 263, Bộ luật Hình sự quy định về tội “điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, người nào có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật mà vẫn điều động người đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp như làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên… thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp thuộc khoản 3, điều 263, Bộ luật Hình sự như “làm chết 3 người trở lên”; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội thuộc điều 263, Bộ luật Hình sự còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”, luật sư Kiên nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Lực lượng Công an có mặt tại trụ sở Công ty Thành Bưởi ở quận 5, TP.HCM để thực hiện khám xét sau quyết định khởi tố, bắt tạm giam Phó giám đốc công ty này.