Từ vụ bạo hành tại mái ấm Hoa Hồng: Cục Trẻ em nói gì về việc lợi dụng trẻ em để thu hút tài trợ?
Có tình trạng cơ sở chăm sóc xã hội giữ trẻ lại để thu hút tài trợ của cộng đồng, không muốn chuyển trẻ em đi cơ sở khác khi quá tải và không muốn thực hiện quy định về chăm sóc trẻ em.
Đây là một trong những nội dung được ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ ngày 5/9 khi trao đổi với báo chí về việc phòng, chống xâm hại trẻ em sau vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra tại TPHCM.
Ông Nam cho biết, Luật Trẻ em và văn bản hướng dẫn yêu cầu ưu tiên trẻ em được chăm sóc ở môi trường gia đình, chăm sóc thay thế là giải pháp cuối cùng. Người đứng đầu cơ sở chăm sóc trẻ em có trách nhiệm lập danh sách trẻ, báo cáo cơ quan chức năng điều phối chuyển tuyến khi vượt quá số lượng quy định, phối hợp địa phương tìm trẻ về gia đình gốc hoặc tìm cá nhân thay thế với môi trường gia đình. Tuy nhiên, quy định này chưa được làm nghiêm.
Có tình trạng cơ sở trợ giúp xã hội, chăm sóc tập trung muốn tập trung đông trẻ, vượt quá số lượng cho phép. Như tại Mái ấm Hoa Hồng có số trẻ gấp 3 so với cấp phép, vượt quá năng lực chăm sóc nên xảy ra tình trạng trẻ em không an toàn. Khi quá tải, nhân viên chăm sóc phát sinh tâm lý không bình thường. Cục Trẻ em đề nghị TPHCM thiết lập cơ chế khi trung tâm bảo trợ quá tải không được phép giữ trẻ, cần có đầu mối điều phối chăm sóc trẻ đến cơ sở chăm sóc khác.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chia sẻ về giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em.
“Cơ sở chăm sóc, trợ giúp xã hội là nơi chăm sóc nhưng có nguy cơ xảy ra bạo lực, xâm hại nếu không có giám sát cơ quan nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu, giám sát viên, hệ thống camera nội bộ. Chúng tôi thấy tiếc vì hệ thống giám sát như camera không có tại cơ sở này. Ban ngày khi nhà tài trợ tới, chăm sóc cẩn thận, ban đêm xảy ra tình trạng bạo lực”, đại diện Cục Trẻ em cho biết.
Thời gian tới, Cục Trẻ em nhấn mạnh, một trong các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em cần có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Kinh nghiệm các quốc gia, kiểm tra, giám sát thường xuyên trong cơ sở tập trung (công lập, ngoài công lập) phải có nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.
Theo ông Nam, hiện nay, Việt Nam chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp về trẻ em nên rất khó giám sát, phát hiện sớm nguy cơ trẻ bị xâm hại.
Mái ấm Hoa Hồng, nơi xảy ra vụ trẻ em bị bảo mẫu bạo hành. Ảnh: Hoàng Thuận
Trao đổi về việc có nên bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại cơ sở chăm sóc trẻ em, ông Nam cho biết, Cục Trẻ em cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định này trong thời gian tới.
“Từng ngôi nhà, sau cánh cửa, đêm tối có thể xảy ra bạo lực, không thể phát hiện ra. Khi có nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, trường hợp này được giám sát, thường xuyên”, ông Nam nói.
Trước đó, ngày 4/9 một tờ báo đăng bài “Tội ác trong một mái ấm” với những hình ảnh và video clip, thông tin về tình trạng ngược đãi, bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, địa chỉ L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12) gây bức xúc trong dư luận.
Cục Trẻ em cho biết, bước đầu nhận được báo cáo nhanh của Sở LĐ TB&XH TPHCM vào cuộc, xác minh, xử lý vụ việc, chăm sóc hỗ trợ cháu bé nạn nhân Mái ấm Hoa Hồng. Hiện nay, các cháu bé ở Mái ấm Hoa Hồng đưa tới cơ sở trợ giúp xã hội công lập để chăm sóc. Đến giờ phút này, các cháu bé an toàn, được chăm sóc trong điều kiện tốt. |
"Qua các lần kiểm tra và giám sát đều ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng nuôi giữ 39 trẻ đúng theo nội dung giấy phép" - UBND quận 12 khẳng định.
Nguồn: [Link nguồn]