Từ vụ bấm được biển số ngũ quý 7: Mua lại biển số đẹp được không?
Việc mua xe để lấy biển số đẹp dù không bị cấm nhưng có thể người mua không được giữ lại biển số khi sang tên xe.
Những ngày qua, MXH lan truyền hình ảnh một chiếc xe máy hiệu Future mang biển số 76-B1 77777. Được biết, chiếc xe này thuộc quyền sỡ hữu của chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (40 tuổi, ngụ xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi).
Chị Thủy và biển số ngũ quý 7 vừa bốc được. Ảnh: Facebook nhân vật
Trên trang Facebook cá nhân, chị Thủy cho biết, chị mua xe máy mới với giá khoảng 35 triệu đồng và ngày 13-5, chị đưa xe đi đăng ký thì bất ngờ bấm được biển số ngũ quý 7.
Chị Thủy nghĩ biển số này chỉ giúp chiếc xe đẹp hơn và đăng tải ảnh xe kèm biển số trên facebook. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ đăng tải, chị Thủy nhận được nhiều lời ngỏ ý mua lại xe với 200 triệu đồng.
“Hiện có nhiều người hỏi mua nhưng tôi chưa bán, một phần vì tiếc biển số đẹp là may mắn của mình. Nhưng nếu có giá hợp lý sẽ bán để có thêm vốn làm ăn”, chị Thủy bày tỏ.
Từ vụ việc này, nhiều người thắc mắc: Với quy định pháp luật hiện hành về việc mua bán, sang tên xe thì biển số này có được giữ lại hay không?
Về vấn đề này, LS Nguyễn Tri Đức, Đoàn LS TP.HCM, cho biết: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công.
Khoản 2 Điều 105 Nghị định 151/2017 quy định “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải” là kho số phục vụ quản lý nhà nước và khoản 3 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định “Chính phủ có nhiệm vụ khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước”.
Vậy với quy định hiện hành thì dãy số trong biển số phương tiện giao thông là tài sản công và chịu sự quản lý của Nhà nước mà đại diện là Bộ Công an.
Hiện nay, cơ quan CSGT vẫn thực hiện cấp phát biển số xe cho người dân theo thủ tục hành chính. Đồng nghĩa, người dân không được chuyển nhượng, mua bán biển số xe. Và đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Trong trường hợp trên, chị Thủy chỉ có thể chuyển nhượng xe và dĩ nhiên biển số xe cũng phải được chuyển giao cho chủ mới hoặc bị thu hồi theo thủ tục sang tên đổi chủ.
“Chiếc xe chỉ có giá trị 35 triệu đồng nhưng được trả giá 200 triệu đồng để mua lại chính vì biển số ngũ quý 7. Biển số xe đã làm tăng giá trị của chiếc xe lên gấp nhiều lần. Thực tế, người mua lại xe với mục đích chính là mua lại biển số ngũ quý. Tuy nhiên do không thể mua bán biển số xe nên phải thông qua việc mua xe để lấy biển số”, LS Đức nhận định.
Nhìn nhận ở góc độ giao dịch dân sự thì đây không phải là hành vi vi phạm nhưng hành vi trên không nên được khuyến khích thực hiện vì nó cũng sẽ ảnh hưởng công tác quản lý phương tiện giao thông.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 58/2020 của Bộ Công an, trong trường hợp sang tên xe cho tổ chức cá nhân cùng tỉnh, thành phố thì biển số xe sẽ được giữ lại.
Tuy nhiên, trường hợp sang tên xe cho người khác tỉnh, thành phố thì biển số xe sẽ được thu hồi và chủ sỡ hữu mới của xe sẽ được cấp biển số mới.
Do đó, nhiều trường hợp người mua xe biển số đẹp đã không thực hiện thủ tục sang tên xe với mục đích giữ lại biển số đẹp đã mua. Hành vi này đã gây khó khăn cho lực lượng CSGT trong hoạt động kiểm soát, xử lý vi phạm.
Từ thực trạng trên, LS Đức đề xuất nên sớm thông qua dự thảo Nghị quyết cho phép đấu giá các biển số đẹp để đáp ứng nhu cầu của người dân và tận dụng nguồn thu ngân sách. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để người dân có thể sở hữu biển số đẹp dễ dàng hơn và hạn chế việc xe không chính chủ.
Chiếc xe mang biển số 76-B1 777.77 (biển ngũ quý 7) của chị Nguyễn Thị Lệ Thuỷ được một người trong giới chơi xe trả giá 200 triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]