Từ vụ 2 cô gái không mang giấy tờ: Ai thuộc diện vào trung tâm bảo trợ xã hội?
Sau sự việc đưa 2 cô gái trẻ vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhiều người đặt câu hỏi, ai thuộc diện được chăm sóc tại các trung tâm này?
Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, nơi 2 cô gái đã phải ở lại nhiều ngày.
Trung tâm bảo trợ xã hội được tiếp nhận những ai?
Vừa qua 2 cô gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (HTXH) TP.HCM (thuộc hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội của Sở Lao động và thương binh xã hội TP.HCM) không mang theo giấy tờ tùy thân khi đang ở quán cà phê ở phường Tam Bình (quận 11, TP.HCM) và được cho là không hợp tác với lực lượng chức năng của phường trong việc khai báo nơi cư trú.
Hai cô gái bị đưa vào trung tâm HTXH từ ngày 18.9 tới ngày 27.9 mới được hồi gia. “Lạy trời đất, em đã được cho về. Những ngày ở trong đó em rất sợ”, Tuyết Nhung nói như vậy với PV sau khi rời khỏi trung tâm HTXH.
Sự việc xảy ra với Nhung và Kiều đã gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, nhiều người đặt câu hỏi, những đối tượng nào sẽ được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội và nhà xã hội?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh) và luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết, trung tâm bảo trợ xã hội và nhà xã hội là cơ sở hoạt động vì mục đích nhân đạo, cưu mang những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người không tự lo được cho cuộc sống.
Vì vậy, Chính phủ đã quy định cụ thể những đối tượng nào sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại điều 25, Nghị định Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định 136/2013/NĐCP).
Theo điều 25, Nghị định 136/2013/NĐCP, đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội gồm: Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp; đối tượng tự nguyện sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội.
Luật sư Tuấn Anh và luật sư Thơm cho biết, các quy định về việc tiếp nhận, đưa đối tượng vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhà xã hội như Quyết định về quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP.HCM của UBND TP.HCM đều phải căn cứ theo các quy định Nghị định 136/2013/NĐCP.
“Những người được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hộ phải thuộc các đối tượng được quy định tại điều 25 của Nghị định 136/2013/NĐCP”, luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
"Chưa đảm bảo trình tự pháp luật"
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, căn cứ quy định tại Điều 25 Nghị định 136/2013 và Quyết định 29/2017 của UBND TP HCM, trường hợp đưa 2 cô gái này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM là không thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
Để đưa một người vào trung tâm bảo trợ xã hội thì chỉ khi có căn cứ người đó không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng. Việc xác định một người không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó tạm trú/thường trú.
“Chỉ có vài giờ đồng hồ mà cơ quan chức năng đã lập hồ sơ đưa 2 chị này vào trung tâm hỗ trợ xã hội là chưa bảo đảm theo trình tự pháp luật”, luật sư Hùng nhận định và cho rằng hai cô gái chưa xuất trình được giấy tờ tùy thân chứ không thuộc diện người ăn xin, lang thang, không có nơi cư trú ổn định như UBND phường Tam Bình nêu.
Trao đổi thêm với PV về trường hợp 2 cô gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Ngô Thị Kiều bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội, luật sư Trần Tuấn Anh và luật sư Nguyễn Anh Thơm đều chung đánh giá, việc cơ quan chức năng đưa hai cô gái này vào trung tâm bảo trợ là nóng vội.
“Theo quy định tại điều 25 của Nghị định 136/2013/NĐCP, không quy định đối tượng sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội, nhà xã hội.
Khi cơ quan chức năng muốn đưa 2 cô gái hoặc người nào đó vào cơ sở bảo trợ xã hội thì phải chứng minh được họ là xin ăn và không có nơi cư trú ổn định hoặc thuộc các đối tượng quy định tại điều 25 của Nghị định 136/2013/NĐCP.
Ngược lại, nếu hai cô gái không phải các đối tượng trên thì việc cơ quan chức năng đưa hai cô gái vào trung tâm bảo trợ xã hội là sai quy định, gây ảnh hưởng tới quyền tự do đi lại, sinh hoạt của công dân đã cược Hiến pháp ghi nhận”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh thì cho rằng, trong trường hợp hai cô gái Nhung và Tuyết không xuất trình giấy tờ và nói rằng mình là người vô gia cư thì cơ quan chức năng phải có nhiệm vụ xác minh xem khai báo này có thật hay không.
“Không thể loại trừ những đối tượng có nơi cư trú, có khả năng lao động, tự chăm sóc bản thân nhưng cố tình khai man để được vào ở trung tâm.
Vì vậy, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước là phải xác minh trước khi đưa đối tượng vào trung tâm. Người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh, người dân chỉ có nghĩa vụ báo cáo khi cơ quan Nhà nước có yêu cầu. Sau đó, cơ quan Nhà nước phải thẩm tra, xác minh lại việc công dân khai có đúng hay không để có biện pháp xử lý phù hợp.
Nếu hai cô gái không phải người xin ăn, có nơi cứ trú hoặc không thuộc đối tượng quy định tại điều 25 của Nghị định 136/2013/NĐCP thì không được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng”, luật sư Tuấn Anh nói.
Các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐCP Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác; Người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật. Các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm: Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú; Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các đối tượng thuộc diện bảo vệ khẩn cấp được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tối đa không quá 3 tháng. Ngoài ra, một số đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nếu tự nguyện sống hoặc có nhu cầu sống tại đây. |
Trưởng công an phường nơi hai cô gái bị lập hồ sơ đưa vào trung tâm xã hội cho biết, khi cán bộ chuyên trách xã hội tiếp...