Tử vong khi đi trên cầu xây dở: Nạn nhân sẽ được bồi thường?
Liên quan đến vụ nam thanh niên lao xe lên cầu vượt đang xây dở và rơi xuống đất tử vong, nhiều người băn khoăn, liệu nạn nhân có được bồi thường không? Nếu có, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?
Rào chắn sơ sài?
Như đã thông tin, sáng 8.10, người dân phát hiện một thi thể nằm cạnh xe máy ở ngay bên dưới cầu cạn vành đai 2 Láng - Bưởi, Hà Nội (cách ngã tư Cầu Giấy chừng 300m). Nạn nhân được xác định là anh Nguyễn V.N, quê ở Hà Nam.
Hiện trường vụ tai nạn dẫn đến chết người hôm 8.10
Ngay sau vụ việc, Ban QLDA Đầu tư phát triển Giao thông đô thị Hà Nội (Ban Quản lý dự án) đã có báo cáo nhanh gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Ban QLDA khẳng định: "Hiện nay các hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, cảnh báo và chiếu sáng đã được nhà thầu thực hiện đầy đủ. Trong phạm vi thi công của mặt cầu vượt Cầu Giấy, có quây hàng rào chắn và biển cảnh báo những người không phận sự không được đi vào ".
Tuy nhiên, theo lời một số người dân nơi đây, trước khi vụ tai nạn xảy ra, đoạn đường này không có biển báo công trường đang thi công, không có những vật cản mà chỉ có dây chắn qua đường.
Bà Hải, một người dân sinh sống gần khu vực này, nói: “Trước đây, khi thi công cầu, ở bên trên cầu có rào chắn ngăn các phương tiện lên cầu. Khoảng 2 tháng trở lại đây, một phần rào chắn bị đổ xuống đường, một phần rào bị người dân lấy đi nên công trường này không có rào chắn”.
Hiện tại, công nhân đã dựng hàng rào cao hơn 2m, chắn không cho các phương tiện đi lên cầu.
Sau khi xảy ra tai nạn, công nhân đã dựng hàng rào cao hơn 2m, ngăn các phương tiện đi lên cầu.
Trách nhiệm nhà thầu thi công thế nào?
Trao đổi về tính pháp lý xung quanh vụ việc, luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nhiều khả năng nam thanh niên nói trên tử vong do biển báo và rào chắn công trình không đủ để nhận thấy nguy hiểm.
“Nếu nhà thầu thi công không có biển báo cấm, không có rào chắn hoặc nếu có nhưng sơ sài, không đủ cảnh báo nguy hiểm thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân”, ông Tú nói.
Trong trường hợp nhà thầu thi công không có bất cứ một cảnh báo nguy hiểm nào thì đơn vị này đã có dấu hiệu phạm tội hình sự. Đó là tội “Vi phạm các quy định trong xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, ngoài chi phí bồi thường cho nạn nhân, nhà thầu thi công sẽ bị xử phạt hàng trăm triệu đồng, hoặc có thể bị phạt tù.
Luật sư Trương Anh Tú
"Cách đây vài tháng, tôi từng toát mồ hôi khi cũng đi lạc vào khu vực này. Lúc đó, tôi không thấy có bất cứ một tấm rào chắn, trạm gác nào để ngăn mọi người đi vào. Biển báo cấm thì quá mờ nhạt, không đủ để cảnh báo. Nếu hôm đó tôi đi nhanh và không quan sát thì không biết hậu quả sẽ như thế nào…”, ông Tú nói.
Theo luật sư Nguyễn Duy Bình (Văn phòng luật sư Duy – Trinh, Đoàn luật sư TP.HCM), nếu nạn nhân tử vong do lỗi cố ý của bản thân hoặc đơn vị thi công đã có cảnh báo, che chắn an toàn thì nhà thầu thi công sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
“Về mức bồi thường, các bên có thể thỏa thuận. Nếu xảy ra tranh chấp cần xác định thiệt hại thực tế và áp dụng theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, việc xác minh nguyên nhân tai nạn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ việc. Nếu có dấu hiệu của tội phạm hình sự cần xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để khởi tố, điều tra.