"Tử thần" mang tên mìn tự chế
Mìn tự chế gây họa khôn lường nhưng cách thức quản lý vẫn còn sơ hở khiến người dân lo sợ.
Hiện trường vụ nổ tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khiến 1 người chết, 2 người bị thươngẢnh: Cao Nguyên
Vụ việc một nông dân ném 3 quả mìn tự chế xuống đường phố ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã gây rúng động dư luận. Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra với các cơ quan hữu trách về cách thức quản lý loại vũ khí gây sát thương cao này.
Xài mìn như pháo
Chiều 25-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện sức khỏe của ông diễn biến tốt. Vết thương ở tay trái do một viên bi trong quả mìn tự chế bắn trúng đã được lấy ra. Tuy nhiên, ông vẫn phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi trong vụ nổ mìn tự tạo vào khuya 24-4.
Trước đó, khoảng 21 giờ 30 phút ngày 24-4, Công an tỉnh Đắk Lắk nhận được thông báo có người đàn ông mang theo mìn dọa cho nổ tung tại một nhà nghỉ trên đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột. Đại tá Phạm Minh Thắng trực tiếp chỉ huy lực lượng có mặt tại hiện trường.
Sau một thời gian vận động, người đàn ông có tên Nguyễn Xuân Minh (SN 1986; ngụ xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) mang theo 3 quả mìn tự chế cùng vợ là chị Hoàng Thị Đào (1991) ra khỏi nhà nghỉ. Vừa bước ra, Minh la hét và ném 1 quả mìn tự chế có hình dạng giống lon bia ra đường. Tuy nhiên, quả mìn này không phát nổ nhưng đám đông hoảng loạn bỏ chạy. Sau đó, Minh lại ném thêm 1 quả mìn nữa nhưng cũng không nổ.
Mặc dù được các cơ quan chức năng khuyên can nhưng Minh vẫn cố thực hiện bằng được ý đồ của mình. Lần thứ ba, Minh vứt 1 quả mìn tự chế xuống đường Nguyễn Tất Thành. Cùng lúc này, xe tải do tài xế Phạm Thế Duy (SN 1989; ngụ huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) điều khiển cán qua gây ra tiếng nổ lớn. Minh lại rút 1 kíp nổ khác trên người và lại phát nổ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ; thi thể không còn nguyên vẹn. Quả mìn tự tạo có chứa các viên bi nhỏ khiến 2 người khác đứng gần đó là đại tá Thắng và anh Lê Thanh Tín bị thương.
Theo chị Đào, thời gian gần đây, do vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn nên chị bỏ lên TP Buôn Ma Thuột làm thuê và sống ly thân khoảng 1 năm nay. Chiều 24-4, chị nhận được điện thoại của Minh hẹn gặp ở nhà nghỉ nhưng không dám vào. “Tuy nhiên, sau khi nghe anh Minh nói mua cuốn vở và 1 cây bút để viết đơn ly hôn thì tôi tưởng thật nên vào để giải quyết vụ việc cho dứt điểm. Khi vừa vào tới phòng thì anh Minh đã chốt cửa, đồng thời đặt 2 quả mìn ở phía trước với mục đích nếu phá cửa thì mìn sẽ nổ” - chị Đào kể.
Lọt sổ!
Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết Công an tỉnh Đắk Lắk thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, vận động người dân giao nộp vũ khí nổ. Hằng năm, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ được rất nhiều thiết bị nổ nhưng vẫn xảy ra vụ việc đáng tiếc. “Đối với vụ việc này, do anh Minh đã tử vong nên cơ quan công an không khởi tố vụ án nhưng sẽ tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc các thiết bị nổ” - đại tá Bôn nói.
Trong khi đó, khi phóng viên tiếp cận anh V.V.A (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) - người thường xuyên chế tạo mìn đi đánh cá - anh này không ngần ngại giới thiệu việc làm mìn của mình. Từ việc lấy thuốc nổ trong các quả bom, đạn còn sót trong chiến tranh đến việc nhồi thuốc nổ vào lon sữa bò hay bó chặt bằng túi ni-lông và đặt kíp nổ thế nào. Thậm chí, anh A. còn tự hào: “Nếu người chưa biết ném thì dây cháy chậm để dài một tí. Còn tôi quen rồi nên chỉ để chừng hơn 1,5 cm, đốt xong rồi ném ngay, khi đó quả mìn vừa xuống nước một đoạn là phát nổ sẽ được nhiều cá nhất”.
Theo anh A., thuốc nổ, kíp nổ không khó mua. “Một số loại thuốc nổ khác như TNT được mua lại từ các mỏ đá. Riêng kíp nổ, tôi thường mua của một người ở thôn Thung Nai, xã Sa Loong, cùng huyện đây” - anh A. tiết lộ.
Nhiều người sống quanh khu vực Biển Hồ, tỉnh Gia Lai cho biết hiện vẫn có một số đối tượng lén lút dùng mìn để đánh cá vào ban đêm. Theo ông Quách Trọng Hoan (người thường xuyên vớt những người không may mắn gặp nạn đuối nước ở Biển Hồ), hiện nay, cứ 2-3 ngày lại có người dùng mìn nổ đánh cá.
Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Lộc - Trưởng Công an xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai - phủ nhận thông tin này. Ông Lộc cho biết cách đây hơn một năm, có tình trạng người dân dùng mìn đánh cá, số người này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đi rẫy gặp bom, đạn rồi lấy thuốc nổ về làm mìn tự tạo. Tuy nhiên, hiện tình trạng này đã hết (!?).
Tại Khánh Hòa, cuối tháng 3-2016, lực lượng Bộ đội Biên phòng bắt quả tang 2 ngư dân tên Nguyễn Ngọc Sáng (SN 1993) và Nguyễn Minh Quang (SN 1977; cùng ngụ phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) đang vận chuyển 10 kg thuốc nổ, 31 kíp nổ và 1,2 m dây cháy chậm bằng một ghe nhỏ đi đánh bắt hải sản.
Trả lời về việc rò rỉ vật liệu nổ, ông Nguyễn Xuân Mạnh - Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa - cho rằng khả năng xảy ra ở một số công trường phá đá, khai thác khoáng sản trong vùng núi, nơi ít có lực lượng chức năng kiểm tra. Những người tham gia nổ mìn có thể bớt xén lượng thuốc nổ để bán. Ngoài ra, vật liệu nổ còn lấy từ bom, mìn sót lại sau chiến tranh và nhiều đường dây khác ở ngoài tỉnh tuồn vào.
Thu giữ hơn 1,8 tấn thuốc nổ Theo thống kê của các địa phương trên địa bàn Quân khu V (gồm 7 tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận), từ năm 2011-2015, lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 74 vụ, 90 đối tượng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất nổ trái phép; tang vật thu giữ hơn 1,8 tấn thuốc nổ các loại, gần 5.000 kíp nổ và 224 m dây cháy chậm. Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, 5 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt, khởi tố 6 vụ, 12 đối tượng liên quan đến thuốc nổ; thu giữ gần 150 kg thuốc nổ, 141 kíp nổ, 69,3 m dây cháy chậm. Thực tế trên cho thấy tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ trái phép vẫn diễn biến phức tạp. |