Từ ngày 1/1/2025, giấy phép lái xe sẽ có điểm?
Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có đề xuất điểm của giấy phép lái xe. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.
Giấy phép lái xe sẽ có điểm từ ngày 1/1/2025?
Căn cứ Điều 57 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có đề xuất điểm của giấy phép lái xe như sau:
- Điểm giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, gồm 12 điểm.
- Người lái xe có hành vi vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
- Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
- Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
- Giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe.
- Chính phủ quy định chi tiết Khoản 2 và Khoản 6 Điều 57; quy định trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Như vậy, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất điểm giấy phép lái xe như trên dự kiến có hiệu lực vào ngày 01/1/2025. Giấy phép lái xe sẽ có tổng là 12 điểm.
Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có đề xuất điểm của giấy phép lái xe. Ảnh minh họa: TL
Giấy phép lái xe là gì?
Giấy phép lái xe (hay bằng lái xe) là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác.
Quy định về giấy phép lái xe ở các quốc gia tuy có khác nhau tùy vào đặc thù của mỗi nước nhưng nhìn chung để nhận được giấy phép lái xe, người xin cấp giấy phép lái xe cần trải qua nhiều thủ tục pháp lý như nộp đơn xin cấp, phải trải qua một bài kiểm tra lái xe hoặc những kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt (tùy yêu cầu của từng loại phương tiện) và các thủ tục khác. Sau khi được cấp, người đó mới có quyền (về mặt pháp lý) để tham gia giao thông bằng phương tiện xe.
Giấy phép lái xe thông thường được cấp căn cứ vào độ tuổi nhất định. Khi một người vi phạm Luật giao thông, cảnh sát giao thông có thể yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe để kiểm tra. Một số quy định pháp luật ở các nước có hình thức xử phạt tịch thu giấy phép lái xe hoặc tước giấy phép lái xe có thời hạn hay không có thời hạn (giam bằng lái).
Giấy phép lái xe ở Việt Nam hiện nay được phân loại như thế nào?Hiện nay hệ thống giấy phép lái xe tại Việt Nam có các loại bằng lái xe:
Bằng lái xe hạng A1:
– Người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3.
– Người khuyết tật lái xe mô tô ba bánh dành cho người khuyết tật.
Bằng lái xe hạng A2:
– Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Bằng lái xe hạng A3:
– Hạng A3 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
Bằng lái xe hạng A4:
– Người lái xe các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1000kg.
Bằng lái xe hạng B1:
Hạng B1 có 2 loại: B1.1 dành cho xe số tự động (không hành nghề lái xe) và B1.2 cả số sàn + số tự động (không hành nghề lái xe)
Bằng lái xe ô tô hạng B1 số tự động (B1.1): số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe.
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
– Ô tô dùng cho người khuyết tật.
Bằng lái xe ô tô hạng B1 số sàn (B1.2): cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe.
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
Hiện nay nếu nói tới hạng B1 thì sẽ là hạng B1 số tự động, trừ những trường hợp rất đặt biệt khi không đáp ứng đủ sức khỏe hoặc quá tuổi học bằng B2 nhưng vẫn muốn có bằng lái được xe số sàn thì sẽ học hạng B1.2 để được phép lái xe số sàn + số tự động nhưng không được hành nghề lái xe.
Bằng lái xe hạng B2:
Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
– Người lái xe ô tô 4 – 9 chỗ, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.
– Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
Bằng lái xe hạng C:
– Người lái xe ô tô 4 – 9 chỗ, ô tô tải kể cả ô tô tải chuyên dùng và ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500kg trở lên.
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên.
– Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
Bằng lái xe hạng D:
– Ô tô chở người từ 10 – 30 chỗ, kể cả chỗ của người lái xe.
– Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C.
Bằng lái xe hạng E:
– Ô tô chở người trên 30 chỗ.
– Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D.
Người có giấy phép lái xe các hạng B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg.
Bằng lái xe hạng F:
Người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa, được quy định cụ thể như sau:
– Bằng lái xe hạng FB2: Người lái các loại xe theo quy định hạng B2 kéo theo rơ moóc.
– Bằng lái xe hạng FC: Người lái xe các loại xe theo quy định hạng C kéo theo rơ moóc.
– Bằng lái xe hạng FD: Người lái xe các loại xe theo quy định hạng D kéo theo rơ moóc.
– Bằng lái xe hạng FE: Người lái xe các loại xe theo quy định hạng E kéo theo rơ moóc.
Thời hạn của giấy phép lái xe được quy định ra sao?
Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT) thì thời hạn của giấy phép lái xe sẽ được ghi trên giấy phép lái xe và sẽ có thời hạn cụ thể như sau:
- Hạng A1, A2, A3: không có thời hạn.
- Hạng B1: có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
- Hạng A4, B2: có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
- Hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE: có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
Theo quy định nêu trên, tùy thuộc vào hạng của giấy phép lái xe mà thời hạn của giấy phép sẽ khác nhau. Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau.
Nguồn: [Link nguồn]
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước.