Tự kiểm tra trong 5 năm, Bộ Giao thông không phát hiện tham nhũng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, qua kết quả tự kiểm tra trong giai đoạn 2016-2020, các đơn vị đều chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng.
Vụ "quỹ đen" tại Cục Đường thuỷ nội địa (Bộ GTVT) chỉ được phát hiện sau khi báo chí phản ánh. Ảnh minh hoạ.
Bộ GTVT vừa công bố báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Bộ đã ban hành cơ bản đầy đủ các quy định, hướng dẫn thực hiện phòng chống tham nhũng, công khai minh bạch, kê khai tài sản, luân chuyển cán bộ…
Qua kết quả tự kiểm tra và thanh kiểm tra giai đoạn 2016-2020, các đơn vị đều chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng.
Cũng trong 5 năm qua, Thanh tra Bộ GTVT đã xử lý theo dõi 233 kết luận, đôn đốc yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền gần 82 tỷ đồng, xử lý hành chính với tổ chức, các nhân vi phạm.
Qua giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước gần 40 tỷ đồng, thu hồi về quỹ đơn vị hơn 2,4 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật cá nhân với mức cảnh cáo 3 người và khiển trách 6 người vi phạm. Bộ GTVT đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc sang cơ quan công an tiếp tục điều tra xử lý.
Bộ GTVT cũng xử lý trách nhiệm của 1 người đứng đầu đơn vị trực thuộc bộ để xảy ra việc tham nhũng tại đơn vị trực thuộc. Mức xử lý khiển trách và luân chuyển đi đơn vị khác (tại Cục Đường thuỷ nội địa).
Bộ GTVT đánh giá, kết quả phòng, chống tham nhũng đã được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng còn chưa thường xuyên, đội ngũ thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng chưa chuyên nghiệp, đa số kiêm nhiệm. Công tác phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế…
Điều này do người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Còn tâm lý ngại va chạm, đùn đẩy, né tránh khi xử lý vụ việc liên quan tới tiêu cực, tham nhũng.
Bộ GTVT đánh giá những lĩnh vực do bộ quản lý tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, lãng phí dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý đầu tư xây dựng, quản lý thu chi ngân sách, quản lý trạm thu phí; kiểm tra tải trọng, đăng kiểm phương tiện; đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe; duy tu nạo vét luồng sông, luồng biển…
Do đó, thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng được Bộ GTVT xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ, với phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ; không có đặc quyền, đặc lợi.
Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2020, trong sử dụng ngân sách, khâu lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán đã tiết kiệm hơn 29,8 tỷ đồng; tiết kiệm hơn 266 tỷ đồng trong chi cho hoạt động quản lý hành chính và của các đơn vị khác; tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng trong mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại; tiết kiệm hơn 111 tỷ đồng từ thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho các đơn vị…
Nhóm công việc được Bộ GTVT tiết kiệm nhiều nhất là đầu tư xây dựng cơ bản. Cụ thể, trong thẩm định, phê duyệt dự án, tổng dự toán tiết kiệm hơn 2.598 tỷ đồng; qua đấu thầu tiết kiệm hơn 4.981 tỷ đồng; thực hiện đầu tư, thi công tiết kiêm được khoảng 6 tỷ đồng; qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán tiết kiệm được khoảng 18 tỷ đồng. Tại khối doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 24.000 tỷ đồng.
Báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết công tác tự kiểm...
Nguồn: [Link nguồn]