Từ hàng loạt vụ nổ điện thoại gây thương vong: 5 “bí kíp vàng” để phòng tránh
Từ pin, “củ sạc”, dây sạc cho đến pin, tai nghe kém chất lượng,… tất cả đều có thể gây cháy nổ.
Trong những năm qua, đã có rất nhiều vụ nổ điện thoại, bị điện giật khi sử dụng điện thoại đang cắm sạc do rò rỉ dòng điện. Nó để lại hậu quả nặng nề, gây ra nhiều thương tích, thậm chí khiến nhiều người thiệt mạng. Như mới đây là vụ nổ iPhone xảy ra ở tỉnh Lâm Đồng khiến nam thanh niên tử vong ngay trên võng.
Chiếc điện thoại phát nổ khiến Nguyễn Thế T. (18 tuổi) tử vong ở xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 3/10
Để không bị rơi vào những tai nạn không mong muốn như vậy, người dùng thông thái cần nằm lòng những “bí kíp” sau đây:
Nguyên tắc “vàng”: Không sử dụng điện thoại khi đang sạc
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực di động và linh kiện, ông Huỳnh Phú Hải - Tổng Giám đốc 24hStore khẳng định, nguyên tắc “vàng” để tránh tai nạn do sạc điện thoại là không vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin, không để điện thoại bên người khi cắm sạc qua đêm. Nếu phớt lờ nguyên tắc này, người dùng đang chấp nhận đối mặt với rất nhiều nguy hiểm.
“Việc sử dụng điện thoại trong khi sạc pin được cảnh báo là một hoạt động sai nguyên tắc. Điều này có thể làm giảm chất lượng, tuổi thọ, thậm chí gây hư hỏng cho máy. Đáng lo ngại nhất là việc vừa sạc vừa sử dụng điện thoại hoàn toàn có khả năng khiến chiếc điện thoại phát nổ”, ông Hải nhấn mạnh.
Từ đó, ông Hải khuyến nghị người dùng tuyệt đối không để nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn hoạt động cùng lúc; thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của các thiết bị tiêu thụ điện, kiểm tra vỏ bọc, cách điện dây dẫn; nếu có hiện tượng quá tải thì phải khắc phục ngay và nên sử dụng ổn áp. Ngôi nhà cũng phải lắp đặt cầu dao điện, cầu chì, rơ-le,… để đóng cắt và bảo vệ trong các trường hợp khẩn cấp.
Chỉ sử dụng “củ sạc”, dây sạc chính hãng
Sự khác nhau giữa “củ sạc” chính hãng (bên trái) và hàng nhái (bên phải)
Việc sử dụng sạc pin chính hãng cũng rất quan trọng. Theo ông Hải, bên cạnh giúp tuổi thọ pin được kéo dài, pin chính hãng còn đảm bảo máy sẽ không phát nổ lúc đang sạc. Nếu đúng chuẩn thì điện áp đầu ra khi sạc pin rất thấp (chỉ khoảng 5V), không thể gây bỏng hay chết người. Ngược lại, nếu dùng thiết bị không đảm bảo yêu cầu an toàn cách ly nguồn điện, phần đầu ra có thể sẽ được nối thông điện hai chiều với chính đầu vào, tức điện áp đầu ra lúc này trở nên giống hệt điện áp nguồn (ở Việt Nam lên đến 220V).
Do đó, ngoài khả năng gây cháy điện thoại do điện áp cao, người dùng còn có thể bị điện giật nếu trực tiếp chạm tay vào điện thoại, tệ hơn là khi tay ướt. Để đề phòng, người dùng nên tìm mua một “củ sạc” và dây sạc chính hãng ở những hệ thống cửa hàng uy tín, đáng tin cậy. Đừng vì ham rẻ mà hãy chọn mua một củ sạc chuẩn và an toàn!
Đầu dây sạc nhái (bên phải) và chính hãng (bên trái)
Kẻ thù truyền kiếp của smartphone: Nhiệt độ
Nhiệt độ cũng là kẻ thù truyền kiếp của smartphone. Đa số những chiếc điện thoại thông minh ngày nay đều có cơ chế tự tắt nguồn khi máy trở nên quá nóng, nhưng vẫn không thể tránh khỏi trường hợp máy phát nổ do nhiệt độ bỗng dưng lên cao đột ngột (chẳng hạn để điện thoại dưới gối, trong mền thời gian dài).
Giải pháp đưa ra trong trường hợp này là: Nếu cảm thấy chiếc smartphone trên tay quá nóng khi đang chơi game hay nghe nhạc, người dùng hay ngừng việc sử dụng lại một lúc để máy nguội bớt. Trong trường hợp đang không sử dụng nhưng máy vẫn cứ nóng lên, người dùng cần thử khởi động lại máy; nếu tình trạng này vẫn không hết, phải mang máy đến trung tâm bảo hành để kiểm tra ngay các chi tiết bên trong.
Không thay pin “lô”, không mua điện thoại cũ không rõ chất lượng pin
Đến một lúc nào đó, “dế yêu” bị chai pin, phải thay pin mới, và vô tình viên pin mới này không đủ chất lượng như viên pin ban đầu. Hoặc ngay từ đầu người dùng đã mua nhầm máy dựng thì rất có khả năng viên pin nằm trong máy lúc bấy giờ có chất lượng không tốt, dễ dẫn đến cháy nổ trong một số trường hợp quá nhiệt.
Kiểm tra kỹ “dế yêu” sau khi làm rơi, va chạm mạnh
Cuối cùng, ông Huỳnh Phú Hải cảnh báo: Những cú va chạm mạnh không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình máy như móp, vỡ màn hình,… mà đôi khi chính do lực tác động quá mạnh mà làm ảnh hưởng đến cả những linh kiện bên trong, dẫn đến những vụ cháy nổ bất ngờ.
Do đó, nếu vô tình có làm rơi máy, người dùng phải kiểm tra máy có bị nóng lên đột ngột hay hoạt động chậm đi sau vụ việc hay không; nếu có, cần mang máy ngay đến trung tâm bảo hành gần nhất để kiểm tra.
Tràn lan phụ kiện kém chất lượng, tai nghe nhái cũng gây chết người Thị trường di động những năm gần đây đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Từ 2016 trở về trước, mỗi hãng điện thoại chỉ cho ra trung bình từ 1 đến 2 dòng sản phẩm mới trong năm; thế nhưng giờ đây, cứ trung bình một năm, mỗi “ông lớn” lại cho ra mắt thị trường hơn 5 mẫu smartphone mới. Thế nên những món phụ kiện, linh kiện đi kèm với đa dạng mẫu mã, màu sắc cũng theo đó mà ra đời mỗi năm một nhiều. Không chỉ những phụ kiện liên quan đến việc kết nối với ổ điện mới gây ra nguy cơ chết người, mà việc sử dụng bất kỳ phụ kiện nhái kém chất lượng nào cũng gây ra nguy cơ tương tự. Chẳng hạn, nguyên nhân tai nạn có thể đến từ cả một chiếc tai nghe. Tại Trung Quốc, một học sinh từng bị điện giật dẫn tới tử vong trong lúc vừa sạc vừa đeo tai nghe để nghe nhạc. Lý do là chiếc tai nghe “rởm” này bị chập điện, vô tình bản thân nó trở thành dây điện, dẫn điện thẳng từ ổ điện đến nạn nhân. |
Ổ điện, “củ sạc”, dây sạc và chiếc iPhone nằm tứ tung dưới đất sau khi nổ.